Tại
phi trường Greater Rochester, New York. Ảnh: mautam.net |
Ông Trương Văn Hào (Rochester, New York) là một trong những người hiếm hoi tự nhận mình là người hạnh phúc nhất thế gian, đã đoàn tụ cùng con trai thất lạc 34 năm Trương Văn Khai.
Thảm cảnh vượt
biên
Người đàn ông 54 tuổi này lúc nào cũng niềm nở, hoà nhã và dường như đối
với ông quãng đời còn lại chỉ để cám ơn cuộc đời vì niềm mong mỏi cuối cùng của
mình đã đạt được: “Nguyện vọng cuối cùng của tôi đã đạt được, tôi rất vui mừng”.
Cách đây hơn một năm ông Hào đã tìm được người con thất lạc 34 năm của
mình. Chính xác là vào ngày 29/6 năm ngoái. Đó là ngày ông tìm được anh Trương
Văn Khai, đứa con trai bị thất lạc từ năm 1977: “Cảm xúc lúc đó nằm trong lòng nhiều hơn. Tôi là đàn ông nên không thể khóc
ở đó nhưng mắt tôi ướt”.
Trương Văn Khai là tên người con trai thất lạc của ông. Lúc gặp được nhau,
Khai đã là một thanh niên 34 tuổi, có gia đình với cái tên Thái Lan là Samart
Khumkham. Thế nhưng trước khi có được giây phút hội ngộ đầy hi hữu này, ông Hào
đã trải qua một câu chuyện dài.
Tháng 12/1977, ông Hào cùng vợ và đứa con trai sáu tháng tuổi lên đường từ
ngả Phú Quốc đi vượt biên. Chưa đầy một tuần sau, gia đình của ông và tất cả
những người có mặt trên tàu phải sang một chiếc tàu khác của người Thái tại
Songkhla do tàu bị hỏng. Và nơi đây, cuộc chia ly của gia đình ông bắt đầu.
“Trong thời gian chúng tôi ở trên tàu khoảng 4-5 ngày thì họ (thuyền
trưởng) rất thích thằng bé, nâng niu và cho nó ăn”.
Bốn ngày sau, người thuyền trưởng lặng lẽ bỏ đi bằng một tàu khác cùng đứa
con của ông Hào, bỏ lại ông và vợ với nỗi đau đớn thảm thiết. Sau đó, tất cả
người Việt Nam trên tàu cũng bị yêu cầu nhảy xuống biển. Trước khi một số người
còn gắng gượng và được một tàu khác cứu thì một số người trên chiếc tàu ấy đã
bỏ mạng nơi biển khơi. Một trong những người vĩnh viễn nằm lại ở biển tỉnh
Songkhla là vợ ông Hào.
Sau hơn năm tháng ở trại tị nạn trên đất Thái, ông Hào đến được Hoa Kỳ- xứ
sở mà cả gia đình ông gọi là “của tự do”, là nơi mà ông và vợ đã mơ ước rằng sẽ
được nhìn thấy đứa con nhỏ lớn lên từng ngày.
Ước mơ cũ bị bỏ lại nơi biển khơi, ông Hào sau một thời gian cũng bắt đầu
cuộc sống mới với một gia đình nhỏ mới. Ông Hào cũng dần quên câu chuyện
đau buồn năm xưa cũng như các chi tiết về cuộc chia ly. Tuy nhiên, nỗi nhớ về
con và ước nguyện đi tìm đứa con thất lạc thì chưa bao giờ bị cuộc sống xóa mờ.
Chính vì việc người lái tàu năm xưa yêu quý đứa con trai mình mà ông Hào tin
rằng đứa con không bị giết như những nạn nhân xấu số trên con tàu cách đây hơn
30 năm: “Nhờ vào đó mà tôi tin rằng họ không giết thằng bé. Cho nên lúc nào cũng
vậy, trong suốt hơn 30 năm qua tôi chưa bao giờ nghĩ là thằng bé đã chết”.
Trước khi tìm được anh Trương Văn Khai vào năm ngoái, ông Hào đã không biết
bao nhiêu lần đến các Hội Hồng thập tự để tìm tung tích về con. Nhưng lần nào
cũng nhận được cái lắc đầu và trở về với nỗi buồn khó tả. Cuối tháng 5 năm
ngoái, ông Hào quyết định trở về tỉnh Songkhla năm xưa để bắt đầu cuộc hành
trình tìm con của mình với tất cả những gì ông còn nhớ được về con tàu Thái Lan
đã chở ông năm xưa:
“Cái đó thì không thể nào tôi quên được hết. Lúc đó tôi nhớ rằng chiếc tàu
có chữ viết nhìn giống số 21. Vô tình, lúc đó khi lên tàu thì tôi hỏi và được
trả lời đó là số 21. Tôi cũng không nhớ được cái tỉnh vị trí con tàu đang ở.
Tôi chỉ nhớ rằng lúc đó tàu chúng tôi cách bờ biển khoảng 40 dặm Anh. Ban đêm
chúng tôi có thể thấy ánh đèn xa xa của đất liền. Tôi có hỏi thì người ta trả
lời đó là Songkla. Đó là tất cả những gì tôi nhớ được”.
Hành trình tìm
con
Phút giây đoàn
tụ của cha con ông Hào. Ảnh: mautam.net
Với chút thông tin ít ỏi, cuộc tìm con của ông Hào đã khá
gian nan. Nó không chỉ là sự vất vả và hiểm nguy mà còn là “sự quyết tâm” – ông
chia sẻ.
Vừa đặt chân đến Bangkok trong cái nắng gay gắt của mùa hè năm 2011, ông
Trương Văn Hào tìm đến Hat Yai, nơi cách Songkhla khoảng 1 giờ lái xe để tìm
một nhà thờ. Ông Hào chia sẻ, lúc còn ở trong trại tị nạn tỉnh Songkhla, ông
thường thấy có một linh mục hay đưa thư cho người tị nạn trong trại. Tuy nhiên,
vị linh mục năm xưa nay đã hơn 80 tuổi và không còn phụng sự tại đây nữa.
Mặc dù trước đó ông Hào đã lên mạng học một số câu giao tiếp bằng tiếng
Thái và tham gia các diễn đàn để dò hỏi đường đi nước bước ở Songkhla nhưng
việc này dường như không làm bớt đi những khó khăn của cuộc hành trình. Càng đi
về miền nam Thái Lan, ông Hào càng thấy khó khăn trong giao tiếp vì người Thái
ít nói tiếng Anh. Lúc đó, ông được một người bạn biết nói tiếng Việt lẫn tiếng
Thái bay từ Lào sang để giúp. Ông Hào và người bạn này đã lái xe đi dọc bờ biển
tỉnh Songkhla và không nhớ nổi mình đã phải dừng lại bao nhiêu lần để dò hỏi
tin tức với dân địa phương. Ông cũng không nhớ mình đã bao nhiêu lần đến các
trụ sở cảnh sát và cơ quan nhà nước địa phương, bao nhiêu lần đến các nhà xác
để tìm thông tin về vợ và con. Ông chỉ nhớ rằng mỗi lần trở về là mỗi lần ông
thất vọng. Càng bế tắc hơn khi người bạn Lào phải bay về nước. Lúc đó, ông Hào
vẫn ở Hat Yai và nghĩ ra một cách mới: “Tôi viết ra các tờ rơi và in ra rất nhiều. Sau đó tôi phát những tờ rơi đó
ra tại một khu ăn uống sầm uất với hy vọng trong số họ sẽ biết được tin tức
liên quan đến con tôi”.
Tôi nghĩ việc đầu tiên cũng phải do Trời trước. Theo tôi nghĩ thì Trời đã nhìn thấy được sự cố gắng của tôi và cảm động nên đã giúp tôi gặp lại con.
Ông Trương Văn Hào
Ông Hào viết câu chuyện của mình ra và lên google dịch ra tiếng Thái.
Ông hy vọng với số tiền thưởng ông hứa hẹn sẽ giúp những tờ rơi này đến
được tay người biết câu chuyện năm xưa cũng như tung tích con trai ông.
Hơn ba tuần ở Thái, ông Hào quen biết nhiều nhân viên xã hội, nhiều
cơ quan truyền thông nhưng có lẽ cơ duyên chỉ bắt đầu đến khi ông bắt đầu biết
được một vài người làm nghề lái tàu và đánh cá. Lúc đó, ông mới thật sự dấn
thân sâu hơn vào cuộc tìm kiếm và đôi lúc phải đối đầu với nguy hiểm.
Thông qua dân làm biển, ông biết được tung tích con tàu mang số 21 năm xưa.
Đó chính là con tàu mà người lái tàu đã bỏ đi cùng với đứa con mới sáu tháng
tuổi của ông. Được sự trợ giúp của các nhân viên xã hội Thái Lan ông Hào biết
rằng có ba địa điểm có con tàu như ông diễn tả. Tuy nhiên, những người bạn Thái
cũng không thể cùng ông đi tìm con tàu vì lúc đó nhằm mùa bầu cử, bạo loạn xảy
ra ở miền nam Thái Lan.
Lúc này, ông vẫn quyết tâm đi tìm con tàu số 21, với tấm visa chỉ còn hơn 3
ngày là hết hạn. Tuy nhiên, ông lại một lần nữa bế tắc và quyết định dừng cuộc
tìm kiếm. Nhưng đó chưa phải là kết thúc của câu chuyện: "Tôi nghĩ việc đầu tiên cũng phải do Trời trước. Theo tôi nghĩ thì
Trời đã nhìn thấy được sự cố gắng của tôi và cảm động nên đã giúp tôi gặp lại
con”.
Khi đến tạm biệt nhân viên xã hội để về Mỹ vì visa sắp hết hạn thì ông được
cho biết họ tìm được người chủ mua chiếc tàu số 21. Ông Hào lại lóe lên tia hy
vọng trong lòng và đi tìm người chủ tàu. Tuy nhiên, đó không phải là con tàu số
21 năm xưa mà ông từng đi.
Điều kỳ diệu
Tại phi trường Greater Rochester, New
York. Ảnh: mautam.net
Ông Hào chỉ biết ngẩng mặt nhìn Trời cao mà băn khoăn về
một cuộc hành trình không biết bao giờ mới chấm dứt.
Thế nhưng, điều kì diệu bắt đầu khi trong lúc ông Hào nói chuyện với người
chủ tàu thì một thanh niên vô tình nghe được câu chuyện của ông Hào. Người
thanh niên cho biết trước kia xóm anh có một “đứa trẻ Việt Nam”. Người thanh
niên đã gọi cho mẹ của mình để biết chắc chắn rằng mình nhớ chính xác.
Ông Hào cùng bốn nhân viên xã hội lập tức đi về ngôi làng mà người thanh
niên trên cho biết. Sau bốn giờ đồng hồ lái xe, ông đến được ngôi làng và nghe
người dân nói rằng “cậu bé người Việt Nam” nhìn rất giống ông Hào. Tuy nhiên,
người dân trong làng cũng cho biết là gia đình nuôi cậu bé người Việt Nam đã
dọn đi khỏi làng cách đây 15 năm.
Không bỏ cuộc, ông tìm đến cảnh sát địa phương và tìm được tin tức của gia
đình “có nuôi cậu bé người Việt Nam”. Lúc này, visa của ông chỉ còn một ngày là
hết hạn.
Ông Hào và các nhân viên xã hội lại tiếp tục lái xe để đến một ngôi làng
nơi mà ông tin rằng con trai ông đang ở. Vừa ngồi trên xe, trong lòng ông vừa
thấp thỏm: “Đúng 30 ngày, khi visa tôi vừa hết hạn là tôi gặp được con tôi luôn. Trước
lúc gặp con thì tôi nghĩ rất nhiều không biết đó có phải con mình không. Tuy
nhiên trong lòng tôi đến 80% nghĩ nó là con tôi. Cảm xúc lúc đó vừa hồi hộp vừa
mừng. Trong lòng cứ mong muốn gặp nó để thấy mặt mũi nó như thế nào. Và khi mà
bắt đầu nhìn thấy nó khi nó đang đứng ngoài sân thì tôi rất mừng. Không ngờ nó
vẫn còn sống như mình đã nghĩ”.
Đó là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải những giọt nước mắt đau buồn. Tôi chỉ biết ôm nó, không ngờ đây là đứa con đã mất từ lâu của tôi.
Ông Trương Văn Hào
Sáu tiếng sau, ông Hào và các nhân viên xã hội đến được một ngôi nhà của
một thanh niên Thái mang tên Samart Khumkham. Nhìn thấy Samart Khamkhum, ông đã
gọi tên Trương Văn Khai mà nghe cay nồng nơi sóng mũi như thấy chính mình trên
gương mặt của mình trên người thanh niên 34 tuổi: "Cái mặt nó giống y chang tôi hồi còn trẻ”.
Kể lại cảm xúc lúc đó, Khai cho biết anh cũng quá bất ngờ. Cảm xúc lẫn lộn
vui mừng và cũng không biết phải làm gì: “Trước đó tôi không hề biết câu chuyện thật về tôi nhưng tôi thật sự rất
vui khi gặp cha ruột tôi lần đầu tiên. Khi gặp ông ấy, tôi không biết phải làm
gì cả”.
Anh Khai chia sẻ, khi nhìn hình ông Hào thời trẻ, anh thấy có nhiều điểm
giống anh bây giờ nên không nghi ngờ khi ông Hào nhận con. Vả lại, khi còn trẻ,
anh cũng thường nghe người trong làng nói rằng mình không phải người Thái. Tuy
nhiên, anh đã không muốn biết nhiều hơn vì anh rất yêu thương cha mẹ người Thái
của mình.
“Trước kia khi còn nhỏ, tôi cũng phần nào đó biết là mình không phải người
Thái mà là người Việt. Bởi vì những người chung quanh có nói rằng tôi không
phải là người Thái. Tuy nhiên tôi đã không muốn biết thêm về điều đó”.
Và như có một sợi dây ràng buộc tự nhiên, hai cha con ông Hào đã tìm được
nhau như thế: “Đó là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải những giọt nước mắt đau
buồn. Tôi chỉ biết ôm nó, không ngờ đây là đứa con đã mất từ lâu của tôi”.
Cha mẹ nuôi của anh Khai không phải là vợ chồng người lái tàu năm xưa. Mẹ
nuôi anh Khai nói rằng khi xưa vợ chồng bà được cho một thằng bé người Việt với
điều kiện không được hỏi tung tích đứa trẻ.
Vốn tiếng Anh của anh Khai đã khá lên nhiều sau hơn một năm nói chuyện với
cha ruột của mình. Khai chia sẻ, anh yêu thương cả cha mẹ người Thái và người
cha đã sinh ra mình. Và như ông Hào, anh cũng cho rằng mình là người hạnh phúc
nhất thế gian.
Quỳnh Chi - RFA
(Cảm ơn chị Quỳnh Chi và RFA đã có bài viết hay và cảm động. Đồng thời cũng xin lỗi và mạn phép tác giả, SiamViet blog đã chỉnh sửa chút xíu một số chỗ cho thoát ý và mang tính chính tả mà thôi)
Xem bản gốc tại đây.
(Cảm ơn chị Quỳnh Chi và RFA đã có bài viết hay và cảm động. Đồng thời cũng xin lỗi và mạn phép tác giả, SiamViet blog đã chỉnh sửa chút xíu một số chỗ cho thoát ý và mang tính chính tả mà thôi)
Xem bản gốc tại đây.