Lễ hội Loi Krathong (Lễ hội hoa đăng)
Thái Lan chính thức bắt đầu vào đêm 27/11, tức là rằm tháng 12 theo lịch Thái,
tại nhiều tỉnh của đất nước này; trong đó, Chiang Mai là một trong những địa
phương tổ chức lễ hội hoành tráng nhất.
Những krathong rực rỡ sắc màu được bày bán dọc sông Ping của Chiang Mai,
Thái Lan.
Du khách châu Âu cũng thả các krathong mang theo ước nguyện về sự bình an.
Sau lễ hội Songkran vào dịp Tết truyền thống, Loi
Krathong là một lễ hội lớn thứ hai trong năm, cũng là một trong những lễ
hội đẹp nhất, màu sắc nhất, cổ nhất của vương quốc Thái Lan với nhiều ý nghĩa
và chứa đựng nhiều yếu tố thần thoại nhất của người Thái.
Trong tiếng Thái, Loi có nghĩa là "trôi", còn
Krathong là chiếc bè nổi trên nước có hình hoa sen. Theo truyền thống, krathong
được làm từ lá chuối hoặc các lớp thân cây chuối hoặc các tua của cây hoa huệ
nhện. Một krathong gồm có thức ăn, trầu cau, hoa, nhang, nến và tiền xu. Dù làm
bằng chất liệu gì, các chiếc krathong đều được trang trí các lá chuối được gấp
xếp tỉ mẩn, hoa, nến và nhang. Một vài đồng bạc lẻ thỉnh thoảng cũng được đặt
vào để dâng lên các thần sông.
Suốt đêm trăng tròn, người Thái thả các krathong này
xuống sông, kênh rạch hoặc ao hồ. Nhiều người tin là lễ hội này bắt nguồn từ
một tập tục cổ xưa là thể hiện sự tôn kính đối với các thần sông. Ngày nay, lễ
hội này đơn giản là một dịp để vui chơi.
Nhiều giả thiết cho rằng, lễ hội bắt nguồn từ một nghi lễ
truyền thống của Ấn Giáo Phệ đà, được các sư Thái Lan biến đổi thành một nghi
lễ vinh danh đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bên cạnh việc tôn kính Phật bằng cách sử
dụng ánh sáng (nến trên chiếc hoa đăng), việc thả trôi đèn nến còn là một hành
động biểu trưng cho việc xóa đi mọi sầu hận, giận dữ và những thứ ô uế để mọi
người có thể bắt đầu lại từ đầu với tâm thế tốt hơn. Mọi người cũng cắt tóc và
móng tay rồi đặt lên hoa đăng như là một hành động bỏ đi tất cả các phần xấu xa
của mình.
Một cách giải thích đơn giản hơn về lễ hội đã có lịch sử
hơn 700 năm: nhiều người Thái tin rằng thả trôi một chiếc hoa đăng sẽ mang lại
may mắn tốt lành, họ làm điều này để tỏ lòng tôn kính với Nữ thần Nước Phra Mae
Khongkha và cầu xin thần tha thứ cho những hành động của con người trong cuộc
sống hàng ngày đã làm ô nhiễm nguồn nước của người.
Hầu như bất cứ người Thái nào cũng biết làm một krathong
trong suốt những đêm diễn ra lễ hội tại Chiang Mai, nơi tôi cùng một đoàn hơn
10 nhà lữ hành Đà Nẵng tham gia chuyến famtrip khảo sát du lịch Chiang Mai theo
lời mời của Tổng cục Du lịch Thái Lan, Văn phòng TP. Hồ Chí Minh từ ngày 25 đến
29-11. Các krathong được chế tác theo nhiều kiểu khác nhau, tùy theo cảm hứng
và sự khéo léo, gu thẩm mỹ của từng người. Trong những ngày gần kề lễ hội,
những người phụ nữ ngồi túm tụm lại để sáng tạo ra những krathong rực rỡ.
Dọc dòng sông Ping, con sông vốn được xem là linh hồn của
đóa hồng phương Bắc Chiang Mai, hàng trăm người dân ngồi chế tác và bán
krathong với giá phổ biến khoảng 20 bath (tương đương với 14.000 VNĐ). Bên cạnh
những người dân, thanh niên làm krathong bán cho du khách để kiếm thêm thu
nhập, không ít sinh viên cũng tranh thủ dịp này để bán lấy tiền gây quỹ cho trẻ
em nghèo vùng núi.
Người dân, du khách, kể cả Âu lẫn Á, đều hòa vào dòng
người và không khí lễ hội tưng bừng, cùng thả những krathong trôi theo dòng
sông Ping mang theo hàng nghìn lời ước nguyện về sự bình an, thuận hòa, tươi
sáng.
Ngoài màu sắc rực rỡ của các krathong, người Thái Lan còn
mang tới lễ hội những màu sắc hấp dẫn của các món ăn nhanh được bày bán rất
nhiều dọc theo con đường ven sông. Du khách không thể cưỡng lại những món như
mực tươi nướng, lẩu hải sản, chả xiên hấp...với giá rất mềm từ khoảng 10-40
bath/món. Người ta còn bắn pháo hoa, nhảy múa, ca hát suốt những đêm diễn ra lễ
hội.
Hằng Vang - baodanang.vn