29/11/12

Kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu: Để ngân hàng tự giải quyết hay có sự tham gia của Chính phủ?


Các chuyên gia của Hàn Quốc và Thái Lan đưa ra các kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, đại diện của ADB và IMF cho biết các tổ chức này có chương trình hỗ trợ các quốc gia.
Tại Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á diễn ra tại Hà Nội, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra câu hỏi đối với các chuyên gia tại IMF, ADB cũng như chuyên gia Hàn Quốc về quan điểm của họ đối với việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam.
Ông Hiếu đưa ra giả thiết về việc giả sử Việt Nam hiện chỉ có 2 phương án xử lý nợ xấu. Phương án 1 là để các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, phương án 2 Chính phủ sẽ can thiệp và xử lý ở cấp độ quốc gia.
Về phương án thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng chính việc cho vay vô tội vạ của các ngân hàng đã tạo nên các khoản nợ xấu, thì họ phải tự đưa ra biện pháp khắc phục như phát mãi tài sản thế chấp, dự phòng rủi ro tín dụng thậm chí đưa khách hàng ra tòa. Nhưng ở phương án thứ 2, độ lớn của các khoản nợ xấu đã vượt quá tầm kiểm soát của ngân hàng và lúc này cần phải có “ai đó” giúp các ngân hàng thương mại và cụ thể ở đây là Chính Phủ. 
Một số trường hợp điển hình đã xảy ra như ở Hàn Quốc, Thái Lan, Indonexia những năm 97 khi các quốc gia đã lập các công ty tài sản quốc gia mua lại các khoản nợ xấu và bơm thanh khỏan vào các ngân hàng, giúp họ có tiền để tiếp tục bơm vốn vào nền kinh tế và họ đã thành công ở một số khía cạnh.
Ông Hiếu muốn xin ý kiến của chuyên gia về Hàn Quốc về kinh nghiệm cũng như cách xử lý của Hàn Quốc đối với trường hợp này như thế nào, ông cũng đưa ra câu hỏi với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) hay ADB có nên tham gia vào việc tái vốn hóa cho các công ty mua tài sản nợ xấu để giúp Việt Nam hay không?
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Trả lời về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc giải quyết nợ xấu, ông Hong Yong Ho, quản lý trưởng ban hợp tác quốc tế cơ quan dịch vụ giám sát tài chính, Hàn Quốc cho biết Chính phủ Hàn Quốc sử dụng phương án 2 – tức là Chính phủ tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu các ngân hàng.
Bởi theo ông Hong Yong Ho, chúng ta đề cập đến rủi ro hệ thống trên thị trường, việc các ngân hàng lớn gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nói chung, Chính phủ cần phải có những hành động chính sách mạnh mẽ để phòng ngừa các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Ở Hàn Quốc có công ty Kenkhông là công ty chuyên về quản lý tài sản là công ty đứng ra mua nợ xấu của ngân hàng và bán lại, xử lý; chính phủ Hàn Quốc đã bơm một khoảng tiền lớn bằng tiền công (tiền của dân) để xử lý vấn đề này.
Tuy nhiên ông Hong cũng nhấn mạnh là quy tình xử lý phải nhanh và cần phải có sự can thiệp của cơ quan chính sách để tránh phá sản và cũng cần phải có các các xử lý khác nhau giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, và các rủi ro mang tính hệ thống tại các ngân hàng lớn.
Kinh nghiệm Thái Lan
Một đại biểu Thái Lan chia sẻ nợ xấu của Thái Lan những năm 97 lên đến 42% tổng dư nợ của nền tế, con số này cho thấy rằng nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa ở mức “khủng hoảng” và GDP của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 5%. Đại biểu này cho rằng, vấn đề nợ xấu của Việt Nam không phải ở chuyện để các ngân hàng tự giải quyết hay lập ra công ty xử lý nợ xấu của Chính phủ mà vấn đề quan trọng hơn là làm sao nền kinh tế có sự phục hồi tốt. Ở Thái Lan thời điểm đó đã có sự phá giá đồng bath rất sâu và họ lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng.
Đại biểu Thái Lan dẫn chứng, thời điểm khủng hoảng Thái Lan đã để nợ xấu trong các ngân hàng 4 năm, trong quá trình đó các ngân hàng lo lắng nên không cho vay ra ngoài và điều này không có lợi cho sự phục hồi kinh tế. 
Không có ý trách móc song đại biểu này cho rằng, tại thời điểm đó IMF đã không chịu để Chính phủ Thái Lan mua lại khoản nợ xấu này cho đến thời điểm bây giờ, khi đã trả nợ xong IMF thì Thái Lan thực hiện theo cách là để Chính phủ đứng ra mua lại nợ xấu, như thế nền kinh tế mới phát triển được.
Quan điểm của ADB và IMF
Theo ông Joseph Zveglic, Phó chuyên gia kinh tế trưởng ADB và ông Alfred Schipke, trưởng phái đoàn Việt Nam, chuyên gia tư vấn IMF cho rằng nếu Việt Nam chỉ đưa ra 2 phương án xử lý nợ xấu thì quá hạn chế, một số trường hợp như có những ngân hàng đủ nhỏ có thể để các các ngân hàng khác mua lại; hay như việc kết hợp công ty mua bán tài sản nợ xấu có yếu tố tư nhân, kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, kêu gọi nguồn vốn trong nước, nguồn hỗ trợ chính thức từ các định chế…để rút ra bài học và bổ sung vào các phương án xử lý nợ xấu của mình.
Theo ông Alfred, điều quan trọng ở đây không chỉ là xử lý nợ xấu mà còn phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của nợ xấu là gì nếu không sẽ chỉ là giải pháp tạm thời thôi. Như trường hợp của Việt Nam, chúng ta phải cải cách hệ thống ngân hàng và phải đi liền với cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu không sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Về việc tham gia hỗ trợ vốn, ADB có cung cấp hỗ trợ cho Chính phủ các nước nói chung thực hiện chương trình giải ngân nhanh cho Bộ Tài chính để có thỏa thuận đa phương giúp cải thiện hệ thống tài chính cải thiện hơn, còn IMF hỗ trợ chính phủ các nước qua chương trình hỗ trợ quốc gia, đây là công cụ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, VN là thành viên IMF nên phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam đề xuất là gì.
Phương Mai (theo TTVN) - cafef.vn