29/11/12

Phía sau thỏa thuận gạo TQ - TL

Bên trong một kho tạm
trữ lúa gạo của Chính phủ
Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Chuyến thăm Thái Lan vào tuần trước của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo không chỉ bàn các vấn đề về an ninh cơ sở hạ tầng và đầu tư. Báo Wall Street Journal cho biết, hai bên đã đạt tới một thỏa thuận giúp giải quyết vấn đề gạo của cả hai.
Theo báo này, nhu cầu đối với gạo nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng mạnh, đẩy khối lượng gạo mà nước này nhập từ đầu năm đến nay tăng gấp khoảng 4 lần. Trong khi đó, Thái Lan đang có quá nhiều gạo.
Các kho gạo tạm trữ của Chính phủ nước này đang chật ních giữa lúc một vụ gặt mới lại đang tới gần, mà chi phí cất trữ và trợ giá lúa gạo đang gây áp lực không nhỏ đối với ngân sách nhà nước.
Kho thóc tạm trữ lớn kỷ lục, tương đương hơn 12 triệu tấn quy gạo hiện nay của Thái Lan, có thể phình to hơn do chính sách lúa gạo của nước này là tiếp tục mua thóc từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường nhằm tăng thu nhập cho khu vực nông thôn. Thách thức đối với chính sách này của Bangkok gia tăng khi giá lúa gạo toàn cầu đang bị kéo xuống bởi lượng gạo xuất khẩu dồi dào từ Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam.
Một lý do nữa khiến Trung Quốc muốn có quyền chọn mua gạo từ Thái Lan bởi nhu cầu tiêu dùng gạo của nước này đang tăng, mà nông dân Trung Quốc khó cạnh tranh nổi với gạo nhập khẩu có giá rẻ hơn.
Kết quả là, hai chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ, trong đó Thái Lan sẽ cung cấp gạo cho Trung Quốc khi cần thiết và Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ các công ty tư nhân của nước này khi họ nhập gạo từ Thái Lan.
Bên lề chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, 4 công ty Thái Lan đã ký thỏa thuận sơ bộ với khách hàng Trung Quốc mua 300.000 tấn gạo, trong đó bao gồm gạo thơm Jasmine đắt tiền. 8 biên bản ghi nhớ này bao gồm thỏa thuận về các loại gạo Jassmine, gạo trắng và gạo nếp, với mức giá trung bình là 800 USD/tấn, tương đương tổng giá trị 240 triệu USD - theo ông Tikhumporn Natvaratat, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan.
“Biên bản ghi nhớ ký với Trung Quốc cho thấy Chính phủ Thái Lan đã trở thành một nhà giao dịch gạo và trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều sáng kiến tương tự với các quốc gia khác, khi mà Thái Lan nỗ lực giải tỏa các kho chứa gạo. Mặc dù vậy, Thái Lan vẫn sẽ phải chịu lỗ bởi các nhà nhập khẩu sẽ không mua gạo với giá đắt hơn giá thị trường”, nhà phân tích Santitarn Sathirathai thuộc ngân hàng Credit Suisse ở Singapore phát biểu.
Tuy nhiên, gạo mà các công ty Thái Lan xuất khẩu không phải lúc nào cũng là gạo Thái.
Ông Abudul Aziz Ghaffar, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh gạo Rice Tex có trụ sở ở Karachi, Pakistan cho biết, các công ty gạo Thái Lan đang cung cấp gạo Pakistan cho các khách hàng truyền thống vì gạo từ nước này có giá rẻ hơn.
Một số người cũng đặt câu hỏi về sự thiếu vắng các chi tiết cụ thể liên quan tới khối lượng và giá cả trong các thỏa thuận cung cấp gạo theo kênh chính phủ của Thái Lan. Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, là một trong những người đặt ra câu hỏi như vậy. Tuy nhiên, ông Chookiat cũng nhận thấy những lợi ích từ các thỏa thuận như vậy. 
“Biên bản ghi nhớ về gạo giữa Thái Lan và Trung Quốc có lợi cho cả hai bên, vì thỏa thuận này cho thấy, Thái Lan đang nỗ lực giảm tình trạng thừa gạo, trong khi Trung Quốc cam kết đảm bảo nguồn cung gạo trong các trường hợp khẩn cấp mà chưa phải mua gạo trên thực tế”, ông Chookiat phát biểu.
Vấn đề tự cung cấp đủ lương thực là một chủ đề khá nhạy cảm ở Trung Quốc, nhưng trong mấy năm gần đây, nhập khẩu gạo và ngô vào nước này đã tăng lên. Gạo nhập khẩu vào Trung Quốc tăng một phần vì giá gạo nội địa của nước này cao. Theo ông Hu Wenzhong, một nhà phân tích cấp cao thuộc Trung tâm Thông tin ngũ cốc và hạt cho dầu Quốc gia Trung Quốc, gạo nhập khẩu vào nước này được dự báo sẽ đạt mức 2 triệu tấn trong năm 2012, từ mức 578.000 tấn trong năm ngoái. Hơn 70% gạo nhập khẩu của Trung Quốc là từ Việt Nam, ông Hu cho biết.
Cần nói thêm rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng đột biến trong năm nay, và Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. 
Các thương nhân thì cho rằng, nếu Thái Lan muốn đẩy nhanh xuất khẩu gạo và giải tỏa được lượng gạo dư thừa, gạo của nước này cần có mức giá cạnh tranh hơn. Hiện nay, gạo của Việt Nam và Pakistan vẫn chiếm phần lớn gạo nhập khẩu của Trung Quốc vì có mức giá rẻ hơn. 
An Huy - vneconomy.vn