15/8/14

Metro đổi chủ: nhà cung cấp hàng lo ngại

(TBKTSG Online)– Việc Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam khiến không ít nhà cung cấp hàng hóa lâu nay cho Metro lo lắng.

Họ đang trong tâm thế chờ đợi xem chính sách của doanh nghiệp Thái Lan BJC là gì.
Giám đốc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh đang bán hàng cho Metro trao đổi với TBKTSG Online qua điện thoại hôm 14-8 rằng, ông đã được Metro thông báo về việc thay đổi nhà đầu tư. Vị giám đốc này cho biết không chỉ riêng ông mà không ít nhà cung cấp hàng hóa cho Metro cũng lo lắng trước việc hệ thống phân phối này đổi chủ.
Thực ra lâu nay, nhiều nhà cung cấp cho biết họ không có lợi nhuận tốt từ việc cung cấp hàng cho hệ thống phân phối này vì mức chiết khấu doanh nghiệp phải dành cho Metro thường khá cao.
Tập đoàn BJC của Thái Lan mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam. Ảnh: do công ty Metro Cash & Carry cung cấp.
Các nhà cung cấp hàng hóa cho Metro Cash & Carry Việt Nam ký một hợp đồng khung với hệ thống này. Sau đó hàng năm, Metro sẽ đàm phán lại với nhà cung cấp về mức chiết khấu. Và, thường thì mức chiết khấu này cứ năm sau lại cao hơn năm trước, khiến lợi nhuận của nhà cung cấp giảm dần - đây là thông tin được một số doanh nghiệp cho biết.
Tuy nhiên, ông chủ mới của hệ thống Metro là một nhà đầu tư Thái Lan đã bỏ một số tiền không nhỏ (655 triệu euro) để mua hệ thống này. Do đó, một số nhà cung cấp lo ngại nhà đầu tư mới này sẽ đưa hàng Thái Lan vào Việt Nam thông qua hệ thống phân phối Metro mà họ mua lại.
Vị giám đốc này cho biết vẫn đang chờ đợi để xem chính sách của BJC như thế nào, nếu chính sách của BJC quả thực là ưu tiên cho hàng hóa Thái Lan hơn, doanh nghiệp này có thể sẽ tập trung đầu tư cho việc cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối khác.
Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng lạc quan khi cho rằng, nếu BJC có chính sách ưu tiên hàng Thái Lan, thì cũng không có nghĩa là nhờ thế mà hàng Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam. Hiện kênh phân phối chủ yếu của công ty này vẫn là chợ và đại lý.
Trước đó, vị giám đốc này từng cho TBKTSG Online biết ông vẫn cung cấp hàng hóa cho Metro dù lợi nhuận không cao, và doanh số từ kênh này chiếm chỉ vài phần trăm trong tổng doanh số của công ty. Bởi lẽ, ông hi vọng một ngày nào đó kênh mua sắm hiện đại này sẽ đem lại cho ông doanh số cao hơn, thông qua việc mở rộng hệ thống.
Còn một doanh nghiệp khác đang cung cấp dụng cụ nhà bếp cho rằng ông tin chắc BJC sẽ theo đuổi chính sách đẩy mạnh bán hàng Thái Lan, và vẫn có khả năng BJC sẽ hạn chế phân phối hàng Việt Nam. Nếu như thế, nhiều nhà cung cấp hiện nay của Metro sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vị giám đốc này lại cho rằng, bản thân BJC cũng là nhà kinh doanh, nên nếu thị trường Việt Nam vẫn có nhu cầu với sản phẩm của Việt Nam, thì có thể BJC vẫn phải lấy sản phẩm Việt Nam, thay vì bán hoàn toàn hàng Thái Lan.
Vị giám đốc này cho biết, thực ra không phải đợi đến lúc những nhà phân phối của Thái Lan như BJC vào Việt Nam, mà đến năm 2015, khi thị trường ASEAN mở cửa hoàn toàn, chắc chắn hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều hàng hóa ASEAN, trong đó có Thái Lan. Do đó, bản thân những doanh nghiệp như ông đã có chuẩn bị và đầu tư cũng như nâng cao quản lý doanh nghiệp. Và, hiện hàng hóa Thái Lan có giá cao hơn hàng hóa Việt Nam vì chịu chi phí vận chuyển cũng là một lợi thế cho hàng Việt.

T.Thu - thesaigontimes.vn