15/8/14

Sốt hàng Thái, từ nước mắm tới dầu gội

(vef.vn)- Xu hướng dùng hàng Thái Lan thay thế hàng Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Người tiêu dùng tha hồ chọn đủ thứ hàng tiêu dùng từ quả mít, chai nước mắm tới dầu gội hay đồ nhựa.
Tấn công thị trường Việt
Mặc dù tổ chức lần thứ hai trong năm tại Hà Nội nhưng hội
chợ hàng tiêu dùng Thái Lan được tổ chức mới đây vẫn không hề giảm sức hút về số gian hàng cũng như người tiêu dùng tới mua sắm.
Các thương nhân, nhà đầu tư và doanh nghiệp Thái Lan thực sự đã nhận ra tiềm năng ngày càng to lớn của thị trường Việt Nam. Từ đồ ăn, hoa quả tươi, vật dụng gia đình, may mặc, phụ kiện, vật dụng trang trí tới thiết bị điện tử, ô tô xe máy,... hàng Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường Việt, len lỏi vào từng gia đình từ những sản phẩm nhỏ nhất.
Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu hàng gia dụng cho biết, hàng Thái Lan đang có thế mạnh "áp đảo" khi được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại nhưng được nhập về từ một số nước khác do hàng Thái Lan có giá thành rẻ hơn rất nhiều, chất lượng tốt và đa dạng mẫu mã.
Cảnh tượng chen lấn tham quan, mua hàng trong triển lãm đã cho thấy sức hút đặc biệt của hàng Thái với người tiêu dùng Việt.
Hàng Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam. (Ảnh:D.Anh)
Theo thống kê, các mặt hàng Thái Lan có giá chỉ nhỉnh hơn 15 -20% so với hàng Trung Quốc nhưng lại rẻ hơn rất nhiều các sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức nên được đông đảo người tiêu dùng sử dụng.
Chị Thúy Ngân (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, mỗi lần tới hội chợ chị đều mất cả buổi để mua đồ dùng cho cả gia đình. Chị sắm từ xà phòng, tăm bông, bát chén, nước rửa tay đến bánh kẹo, quần áo, giày dép, túi xách, đồ thờ cúng đến giấy ăn, giấy vệ sinh, nước mắm, dầu gội đầu.
Đổ bộ của ông trùm bán lẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động với khoảng hơn 90 triệu dân có khả năng chi trả tiêu dùng lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan. Thực phẩm và đồ gia dụng là hai mặt hàng của Thái Lan rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Thái Lan đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng từ lâu bởi có rất nhiều doanh nghiệp Thái đã có quan hệ hợp tác song phương với doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức góp vốn đầu tư. Việc Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan "mua đứt" chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam tới đây sẽ có làn sóng đổ bộ ồ ạt hàng Thái vào thị trường nội địa.
Theo đó, tập đoàn này sẽ sở hữu hệ thống 19 trung tâm phân phối của Metro trên khắp các tỉnh thành. Không chỉ vậy, BJC còn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu B's mart gồm hơn 40 cửa hàng được mua lại từ đối tác Nhật Bản. Đầu năm 2013, BJC đã chi 32 triệu USD để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.
Mẫu mã và giá cả của hàng Thái Lan đang là mối lo ngại với hàng Việt
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group cũng đang gấp rút chuẩn bị khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store thứ hai ở TP HCM. Chi nhánh đầu tiên của tập đoàn tại Hà Nội được đặt tại khu mua sắm giải trí Royal City với diện tích 10.000m2.
Quyết định mở rộng kinh doanh vào Việt Nam được đưa ra sau sự ra mắt thành công của các cửa hàng SuperSports, Crocs và New Balance tại thị trường Việt Nam thông qua mạng lưới phân phối của các công ty con.
Sự xâm nhập một cách bài bản của hàng Thái Lan đang đặt các doanh nghiệp Việt trước những thách thức lớn. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội phân tích: "Rõ ràng phải nhìn nhận sự xâm nhập này là có chiến lược, từng bước và khâu phân phối là cuối cùng".
Doanh nghiệp Thái Lan nói chung và BJC nói riêng có ý định xâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam từ rất lâu, quá trình xâm nhập cũng khá bài bản.
Về phía đơn vị bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, các đơn vị trong nước phải chấp nhận sự cạnh tranh. Không chỉ cần mở rộng thị trường kinh doanh là đủ, các nhà bán lẻ nội cần phải đảm bảo trước hết về mặt chất lượng và giành được lòng tin của người tiêu dùng.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, để tăng lợi thế cạnh tranh, các nhà sản xuất và các nhà phân phối bán lẻ phải bắt tay nhau để xây dựng chuỗi từ sản xuất, phân phối và bán lẻ hiệu quả nhằm giảm bớt giá thành. Đối với các đơn vị bán lẻ cần có chiến lược mở rộng siêu thị tăng thị phần, lợi thế của các siêu thị nội là các chuỗi bán lẻ tại các khu dân cư, phục vụ chính nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, với 90% các sản phẩm là hàng Việt.

DUY ANH - vef.vn