(Bình luận chính trị)
Điểm qua diễn tiến liên quan biểu tình chính
trị kể từ ngày Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đến nay
Quốc hội Thái Lan, sáng 28/11, đã bỏ phiếu
tiếp tục tín nhiệm Thủ tướng Yingluck Shinawatra và Bộ trưởng Nội vụ của bà
là ông Charupong Ruangsuwan.
Đảng Dân chủ đã họp khẩn ngay chiều
28/11 để bàn về hướng đi tiếp cho các cuộc biểu tình chống Chính phủ đương nhiệm.
Các hoạt động biểu tình chống Chính phủ vẫn theo cách của ông Suthep Thaugsuban đã thực
hiện, thậm chí còn mạnh mẽ hơn với sự tham gia của Chủ tịch đảng Dân chủ, nghị
sỹ Abhisit.
Trong các ngày liên tiếp 29,
30/11 và 1/12 người biểu tình chống
Chính phủ đã xông vào chiếm đóng trụ sở một số bộ của Chính phủ.
Ngày 1/12, bà Yingluck và ông Suthep
đã gặp bí mật để đàm phán dưới sự trung gian của các tướng lĩnh quân đội.
Người biểu tình chống Chính phủ xông
vào trụ sở Quân đội Hoàng gia, bao vây trụ sở Đảng Pheu Thai – đảng cầm quyền của
bà Yingluck.
Cảnh
sát đã dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán những người biểu tình
Từ
ngày 1/12 đến 4 giờ chiều 2/12, tổng cộng có 3 người thiệt mạng và 221 người bị
thương vì tham gia biểu tình ở thủ đô Bangkok, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho
biết.
Ngày 3/12 người biểu tình chống
Chính phủ có mặt tại các trụ sở quan trọng như Cảnh sát Hoàng gia, Cảnh sát đô
thành Bangkok, tòa nhà văn phòng Chính phủ khi cánh cửa các trụ sở này được lệnh
mở cho vào tự do.
Ngày 4/12, trước một ngày lễ sinh
nhật Nhà vua, người biểu tình chống chính phủ đã rút khỏi đường phố. Đây là kết
quả của một thỏa thuận ngầm nhanh chóng đạt được mà hai bên đàm phán đều đồng ý
lùi bước vì sự tôn kính với Nhà vua.
Với trách nhiệm của mình, Chính
phủ của bà Yingluck đã chuẩn bị và tổ chức thực hiện rất tốt các nghi lễ chúc
thọ Đức vua. Theo dõi qua truyền hình trực tiếp, có thể thấy rõ điều đó.
Trong thông điệp tại buổi lễ, Nhà
vua đã kêu gọi toàn dân đoàn kết, giữ ổn định và vì lợi ích của đất nước.
Ngày 6/12, ông Suthep tuyên bố
ngày 9/12 là ngày quyết chiến, hô hào và hy vọng có 1 triệu người tham gia.
Phe áo đỏ cũng hô hào tu tập vào
ngày 10/12, là Ngày Hiến pháp, một ngày nghỉ lễ chính thức của Thái Lan.
Chính phủ quyết định lập Ủy ban
chuyên trách về các vấn đề liên quan tình hình chính trị nóng bỏng, trong đó có
mục tiêu mở diễn đàn nhân dân làm đối trọng với diễn đàn của phe ông Suthep - Ủy
ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) do các thủ lĩnh biểu tình lập ra nhằm thiết
lập Hội đồng nhân dân của người biểu tình.
Chính phủ cũng tuyên bố, cánh cửa
đàm phán luôn mở rộng.
Thủ tướng Yingluck cắt bỏ 2 chuyến
công du nước ngoài để lo đối phó tình hình căng thẳng sau ngày lễ.
Ngày hôm nay, 8/12, Thủ tướng
Yingluck đề xuất trưng cầu ý dẫn, đồng nghĩa với việc sẵn sàng giải tán Quốc hội
và bà sẵn sàng từ chức nếu đó là ý nguyện của số đông nhân dân. Cùng ngày, đảng
Dân chủ chọi lại bằng cách chơi đòn 153 nghị sỹ của họ sẽ từ chức tập thể.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck
Shinawatra rời trụ sở Cảnh sát Hoàng gia trưa 8/12. Ảnh: BKP
Bàn cờ chính trị và thử đoán nước đi
Trên bàn cờ chính trị nước Thái, hiện thời có
2 bên rõ rệt.
Một bên bao gồm Chính phủ đương nhiệm và các
lực lượng ủng hộ, trong đó chủ yếu là khối áo đỏ của người dân các vùng đông và
đông bắc Thái Lan, là đảng Pheu Thai của bà đương kim Thủ tướng – người đang
đứng mũi chịu sào cho chiến tuyến của mình.
Một bên khác bao gồm: Đảng Dân chủ đứng đầu
là cựu Thủ tướng Abhisit; Những người biểu tình được tập hợp dưới sự lãnh đạo trực
tiếp của người hùng Suthep – đại diện cho bên chống lại chiến tuyến bên kia;
Một số nhóm nhỏ như “Mạng lưới Sinh viên và Nhân dân vì sự cải cách của Thái Lan” -
nhóm lãnh đạo vụ xâm nhập các trụ sở quân đội; Nhóm tự xưng là “Quân đội của
Nhân dân chống chế độ Thaksin”, một vài trong số đó mong muốn Thái Lan trở lại
thời kỳ quân chủ chuyên chế. Đằng sau các nhóm này là tổ chức Phật giáo tự xưng
là “Quân đội Dharma”, hiện cung cấp lương thực miễn phí cho những người biểu
tình, bởi tổ chức này từng làm việc cho phe "Áo vàng". Hàng trăm sinh
viên từ các trường dạy nghề ở Bangkok đã thành lập một nhóm biểu tình riêng, một
vài trong số đó mặc áo đen và đóng vai trò bảo đảm an ninh cho các cuộc biểu
tình.
Bên Chính phủ và phe Áo đỏ
Chính
phủ hiện thời có đà thuận lợi do tiếp tục nhận được sự ủng hộ của số đông cử
tri do khắc phục tốt hậu quả lũ lụt tàn phá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với
tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2012 là 6,9%.
Bà hy
vọng người dân sẽ tin bà một khi Chính phủ bảo đảm pháp trị và đối xử công bằng
với mọi người. “Chừng nào chúng tôi còn giải quyết được các vấn đề, tôi hy vọng
nhân dân Thái sẽ cho tôi cơ hội để chứng tỏ mình và chứng tỏ sự chân thực.”
Bà
Yingluck cũng đã khôn khéo thiết lập được mối quan hệ thuận lợi với hoàng gia
và quân đội.
Nhưng
chính sách trợ giá gạo, đặc biệt là chuyện trình dự luật ân xá tội phạm
kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục gây cho Chính phủ của bà nhiều sóng gió.
Bên biểu tình đa thành phần chống Chính phủ
Nhóm biểu tình phản đối chính phủ,
trong đó có người của đảng Dân chủ đang được lãnh đạo bởi ông Suthep.
Đảng Dân chủ của ông Abhisit Vejjajiva cùng ông Suthep đang cố gắng “leo
thang” tiếp tục bằng các cuộc biểu tình dữ dội.
Ông Suthep là người miền Nam
Thái Lan, tôn sùng nhà vua, đấu tranh cho quyền lợi của tầng lớp trung lưu ở thủ
đô và các thành phố lớn Thái Lan.
Để đạt
mục tiêu chính trị, ông Suthep cùng 5 đảng viên Dân chủ tình nguyện (tạm thời)
rời bỏ đảng và nghị trường để dấn thân trên cuộc biểu tình đường phố đang cố đẩy
chính phủ phạm sai lầm, cố gây phản ứng mạnh của cảnh sát dẫn đến can thiệp của
quân đội.
Ông Suthep hô hào lật đổ, thậm chí còn kêu
gọi quân đội làm đảo chính lật đổ chính quyền của bà Yingluck, lập nên một Hội
đồng nhân dân không thông qua bầu cử.
Ông Suthep đang mê hoặc người biểu tình bằng
một bánh vẽ “chính quyền của nhân dân”. “Nhân dân” ở đây tuy là một lực lượng
mạnh, nhưng có thể không phải là yếu tố quyết định thắng lợi trong bầu cử hợp
hiến. Nói rõ hơn, ông này và Đảng Dân chủ không muốn lập chính phủ mới bằng con
đường bầu cử vì e ngại lực lượng áo đỏ ủng hộ Chính phủ sẽ lại thắng thế do số
đông.
Lúc này, ông Suthep đang chơi
ván bài “được ăn cả ngã về không”.
Theo tình hình thực tế cho thấy, ông Suthep
và các phe phái chống chính phủ đang cố gắng gây tình hình căng thẳng hơn nữa,
xã hội bất ổn hơn nữa để có thể có 2 cách lật đổ được bà Yingluck và giành được
chính quyền.
Tình huống thứ nhất, trên cơ sở áp lực dữ dội
của người biểu tình dẫn đến đảo chính quân sự. Đây là cái cách mà lâu nay phe
ông Suthep muốn phe bà Yingluck sập bẫy. Ngày 3/12, Tướng Prayuth Chan-ocha,
Tư lệnh lục quân, cho biết quân đội sẽ "để cho vấn đề này được giải quyết
bằng các biện pháp chính trị".
Tình huống thứ hai, cũng gây tình hình căng
thẳng hơn nữa, xã hội bất ổn hơn nữa, làm cho bộ máy chính quyền toàn quốc bị
tê liệt dẫn đến việc Chính phủ đương nhiệm phải từ chức, Quốc hội bị giải tán,
đất nước không có ai quản lý, trong lúc giao thời này cần tới sự chỉ định của
Nhà vua cho việc lập Chính phủ mới (theo điều 7 của Hiến pháp Thái Lan). Đây là
cách mà các nhà nghiên cứu chính trị, các ngòi bút bình luận sự kiện biểu tình
ở Thái Lan gọi tên là “đảo chính nhân dân”, tức là do nhân dân lật đổ. Nhưng lời
kêu gọi của Nhà vua trong ngày đại lễ sinh nhật vừa qua đã cho thấy Nhà vua sẽ
không can thiệp trực tiếp công việc chính trị.
Như vậy với 2 cách này mà ông Suthep hy vọng
đều sẽ không khả thi. Vậy không lẽ chịu thua sớm? Có lẽ ông đã cảm thấy sự thất
bại nhỡn tiền, nên hô hào ngày quyết chiến 9/12, một mất một còn, “chịu thất
bại và nộp mình cho cảnh sát”.
Luật pháp Thái Lan, cụ thể ở đây là Tòa Hiến
pháp và Tòa Hình sự, sẽ không buông tha cho các hành vi vi phạm pháp luật của
bất kỳ đảng phái nào với hình thức xử lý “cấm hoạt động” như đã từng xử lý. Bản
thân ông Suthep đang nhận 2 cái trát chuẩn bị ngồi bóc lịch, tạm thời cảnh sát
chưa động tay mà thôi.
Mới hôm 6/12, Hiệp hội luật sư Thái Lan kiến
nghị Tòa án Hiến pháp ra lệnh chấm dứt biểu tình và
xem xét việc giải
tán đảng Dân chủ.
Về phía Chính phủ của bà Yingluck, họ vừa mềm
dẻo vừa kiên quyết bác bỏ yêu cầu “Chính phủ từ chức, Quốc hội giải tán, lập
Hội đồng nhân dân không thông qua bầu cử” với lập luận như vậy là vi hiến (tại điều
68), là vi phạm thể chế hiện hành về bầu Quốc hội và thành lập Chính phủ.
Bà Thủ tướng và Đảng Pheu Thai tiếp tục giữ
lập trường “bồ câu”, cố gắng giảm căng thẳng tình. Chiến thuật “lấy nhu thắng
cương” của Thủ tướng Yingluck cũng dễ hiểu, bởi vì bà và đảng của bà không muốn
lặp lại sai lầm của Chính phủ Abhisit năm 2010.
Về mặt quan hệ quốc tế, chủ quan có thể hiểu
rằng, chính phủ, các chính trị gia đang nắm quyền lực của một số nước lớn, tuy
không nói ra, nhưng đều thể hiện ngầm ý ủng hộ Chính phủ của bà Yingluck chứ
không ủng hộ phe biểu tình với cách gây lộn xộn xã hội, hòng giành chính quyền
bằng phương thức không hợp hiến, không dân chủ.
Ông Suthep hô hào và đang hy vọng có được 1
triệu người tham gia biểu tình chống chính phủ vào ngày mai, 9/12. Không có con
số đó đâu, ông Suthep ơi. Lòng người đâu dễ tác động bằng cách của ông, bởi chỉ
mới cách nay 2 ngày, người dân Thái Lan lắng nghe như nuốt từng lời của Đức vua
về sự đoàn kết và ổn định đất nước.
Chắc ông Suthep cũng không quên sức mạnh của
phe đối thủ năm 2011 đã lật đổ ông và cựu Thủ tướng Abhisit bằng là phiếu bầu
cử phổ thông hợp hiến.
Ngày mai là ngày quyết đấu của ông Suthep.
Tôi và các bạn thử đoán kết quả xem sao.
Giả thiết thứ nhất, bà Yingluck tuyên bố chấp
nhận từ chức và Hạ viện sẽ bị giải tán. Ngày hôm sau, hoặc thậm chí sớm hơn
vài giờ, các cơn lũ áo đỏ sẽ cuồn cuộn đổ về Bangkok. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Không muốn biết nữa...
Giả thiết thứ hai, ông Suthep tuyên bố thua
cuộc, cảm ơn người biểu tình và tự mình đi đến đồn cảnh sát. Hôm sau, lực lượng
áo đỏ vẫn tập trung như kế hoạch đã định nhưng là hoan hỉ chào mừng thắng lợi. Họ
cũng biết rằng phía sau họ tiếp tục âm ỉ nỗi hậm hực của phe đối thủ. Chính phủ
và đảng Pheu Thai còn có mối lo thêm là tìm cách đảm bảo tính hợp pháp của Hạ viện sau khi các nghị sỹ đảng Dân chủ từ chức tập thể.
Liệu có giả thiết thứ ba không? Một giả thiết
dùng kế hoãn binh từ phía ông Suthep và đảng Dân chủ tiếp tục ra đòn mới. Có
thể có, nhưng không đẹp, không quân tử.
Với tôi, tôi nghiêng về giả thiết thứ hai.
Còn bạn thế nào?
Dù sao, cuối cùng, bạn và tôi chắc đều trông
mong hai đảng chính yếu - Dân chủ và Pheu Thai, cùng các đảng phái chính trị
khác, sẽ bắt tay hữu nghị với nhau vì một nước Thái dân chủ, đoàn kết và ổn
định như lời kêu gọi của vị Đức vua kính mến.
An Bường
BKK, 23.30PM, 8/12/2013
Xem thêm: