26/11/13

Thái Lan: Bao giờ dừng bất ổn chính trị?

(Tổng hợp và bình luận chính trị)
Những làn sóng biểu tình dồn dập và tăng cao trong những ngày qua và đang tiếp tục với mức độ cao hơn. Đó là những tin “hot” của truyền thông Thái Lan, Việt Nam và quốc tế.

Hôm nay và ngày mai (26-27/11), nghị viện Thái Lan họp để nghe chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Diễn tiến căng thẳng chính trường
Ngày hôm nay 26/11
Từ sáng nay các đoàn người biểu tình đã kéo tới trụ sở các bộ Nông nghiệp, Du lịch, Giao thông vận tải và Nội vụ, tiếp theo việc chiếm và bao vây trụ sở hai bộ Tài chính và Ngoại giao ngày hôm qua. Đến thời điểm bài này được đăng, 18.00PM, bên trong Quốc hội đang họp và bên ngoài diễn biến của các hoạt động biểu tình vẫn còn hết sức phức tạp.
"Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi hôm nay là bao vây 4 bộ quan trọng của Chính phủ", Wachara Ritthakanee, một lãnh đạo phe nổi dậy chuyên hú còi cổ vũ đám đông nói. Nhân viên các bộ này hoặc đã không thể vào nhiệm sở hôm nay vì bị người biểu tình ngăn lại hoặc bị bao vây (như tại trụ sở Bộ Nội vụ).
Cảnh sát Thái Lan chặn đường vào trụ sở các cơ quan Chính phủ.
Hàng ngàn người biểu tình đã cố gắng tiến về tòa nhà chính phủ, đang được cảnh sát bảo vệ, nhưng họ đã rút lui vì nơi đây là khu vực nổi tiếng đối với khách du lịch quốc tế.
Bên trong trụ sở Bộ Tài chính hôm nay vẫn có hơn 1.000 người biểu tình đang “trú ngụ”. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittirat Na Ranong cho biết: "Các quan chức và nhân viên Bộ Tài chính Thái Lan vẫn làm việc bình thường từ các văn phòng dự bị của chúng tôi, vì vậy điều này không tác động đến ngân sách tài chính và các chức năng quan trọng." Ông cũng cho hay Bộ Tài chính Thái Lan sẽ nộp đơn kiện lãnh đạo phe đối lập là Suthep Thaugsuban tổ chức việc chiếm giữ trụ sở cơ quan của ông và yêu cầu điều tra các quan chức của Bộ đã để người biểu tình vào chiếm trụ sở.
Ngày hôm qua 25/11
Thủ tướng Yingluck thông báo trên chương trình truyền hình buổi tối, Luật An ninh Nội địa sẽ được áp dụng mở rộng ở các khu vực gồm thủ đô Bangkok, tỉnh Nonthaburi và một số quận trong hai tỉnh Samut Prakan, Pathum Thani. Trước đó, đạo luật này đã được áp dụng ở 3 quận thuộc thủ đô Bangkok từ hồi tháng 10. Bà giải thích, áp dụng Luật An ninh Nội địa là cần thiết sau khi những người biểu tình chống chính phủ chiếm đóng một số tòa nhà Chính phủ, phá rối các hoạt động của Chính phủ và đe dọa an ninh quốc gia.
Người biểu tình đã xông vào chiếm giữ 13 địa điểm trong đó có trụ sở của Cục Ngân sách, Bộ Tài chính và 5 đài truyền hình. Bên ngoài trụ sở của Cảnh sát thành phố Bangkok - cách tòa nhà Chính phủ chưa đầy nửa km - trở nên căng thẳng khi cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay và vòi rồng để cản người biểu tình. Người biểu tình cắt đứt sợi dây thép gai nhưng không tiến sâu thêm. 
Tại trụ sở Cục Ngân sách và Bộ Tài chính, ông Suthep Thaugsuban, cựu Phó Thủ tướng, lãnh đạo phe chống chính phủ dẫn đầu đoàn biểu tình chiếm tòa nhà và tuyên bố: “Cục Ngân sách và Bộ Tài chính là trái tim của chế độ Thaksin nên chúng ta sẽ chiếm hai cơ quan này từ hôm nay trở đi. Nếu họ (tức Chính phủ) không đầu hàng, chúng ta sẽ chiếm tất cả các bộ”. Ông Suthep còn kêu gọi các quan chức trong Cục Ngân sách chặn tất cả ngân sách hoạt động của chính phủ nhằm lật đổ chính quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo. Hình ảnh ông Suthep trên truyền hình Thái Lan được đưa nhiều, tạo cảm giác như ông là “người hùng biểu tình”. Cựu chính trị gia này cảnh báo người ủng hộ phải đề phòng bên thứ ba cố tình kích động bạo lực.
Tại trụ sở Cảnh sát Bangkok, người biểu tình đòi gặp Cảnh sát trưởng, Tướng Kamronwit Thoopkrachang, nhưng ông từ chối. Những người này liền cáo buộc ông Thoopkrachang hành động vì lợi ích của một người, đi ngược lợi ích của số đông và đất nước. Các cuộc biểu tình ở những điểm khác cũng kêu gọi mọi người tham gia chống Chính phủ và chế độ Thaksin.
Chiến dịch bao vây của người biểu tình diễn ra trật tự, thậm chí nhiều công chức còn huýt sáo và giương quốc kỳ để chào đón người biểu tình.
Trong khi đó, Chủ tịch Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc tài, bà Tida Tawornseth nói rằng, sẽ có thêm người thuộc phe áo đỏ đến Bangkok tham gia cùng khoảng 40.000 người đang ở sân vận động Rajamangala để ủng hộ Chính phủ.
Chính quyền thủ đô đã tạm đóng cửa hơn 20 trường học dọc tuyến đường biểu tình. Cảnh sát thủ đô đang thắt chặt an ninh tại các địa điểm biểu tình trong đó có trụ sở cảnh sát, quân đội và 5 đài truyền hình thuộc quân đội và Chính phủ Thái Lan.
Giới quan sát cho rằng đảng Dân chủ và đồng minh đang tận dụng cơ hội biến biểu tình chống dự luật ân xá thành chiến dịch chống đảng cầm quyền Puea Thai để trở lại vị thế lãnh đạo bị mất sau cuộc bầu cử năm 2011.
Ngược với tuần trước
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 20/11 ra phán quyết, việc sửa Hiến pháp về thể thức bầu chọn Thượng nghị sỹ là vi hiến. Tuy nhiên, liên minh 6 đảng cầm quyền không bị giải tán như nguyên đơn đề nghị. Ngay lập tức các nhóm biểu tình cả ủng hộ và không ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp đều tuyên bố họ đã thắng lợi một phần và tiếp tục đấu tranh đến cùng. Lực lượng Áo đỏ ủng hộ Chính phủ đệ đơn lên Cục điều tra đặc biệt kiện 5 thẩm phán bỏ phiếu thuận cho phán quyết này với tội tạo phản. Lãnh đạo cuộc biểu tình do đảng Dân chủ đối lập hậu thuẫn tuyên bố đấu tranh để các Nghị sỹ tham dự sửa đổi phải bị cách chức.
Phản ứng về tính pháp lý của cơ quan tư pháp này đối với các hoạt động lập pháp của Quốc hội Thái Lan, đáng chú ý có hoạt động họp báo của Chủ tịch đảng Vì nước Thái cầm quyền, không chấp nhận phán quyết của Tòa Hiến pháp. Ủy ban Phòng chống tham nhũng Quốc gia tuyên bố nhận đơn xem xét của đảng Dân chủ kiến nghị cách chức Chủ tịch Quốc Hội và Chủ tịch Thượng viện do vi phạm luật. Quốc hội chuẩn bị họp xem xét về tính pháp lý của phán quyết. Giới trí thức, học giả Thái Lan cũng chia làm hai nhóm rõ rệt bình luận việc tòa án Hiến pháp có quyền thụ lý và xem xét vụ kiện hay không.
Trong khi đó, đứng trước lời kêu gọi phải từ chức để nhận trách nhiệm, Thủ tướng Yingluck hôm 22/11 tuyên bố việc đệ trình Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lên nhà Vua là trách nhiệm của Thủ tướng được quy định trong Hiến pháp và được thực hiện trước khi Tòa Hiến pháp tuyên bác Dự luật này.
Các phản ứng với quyết định của Tòa Hiến pháp trong những ngày qua trên chính trường được coi là chưa có tiền lệ tại Thái Lan. Trước đây, các phán quyết tương tự của Tòa Hiến pháp được coi là quyết định cuối cùng và các bên phải thực hiện.
Tóm tắt nguyên nhân gia tăng biểu tình:
Kế hoạch đưa ông Thaksin trở về với Dự luật ân xá
Tuy tình hình chính trị trong hai năm đầu của Chính phủ của bà Yingluck tương đối có vẻ yên tĩnh, nhưng bên trong chính trường hoạt động của phe đối lập vẫn lúc âm thầm, lúc sôi động.
Đảng Dân chủ đối lập và những người phản đối Chính phủ cho rằng dự luật ân xá toàn diện này sẽ giúp ông Thaksin thoát án tù mà ông ta đang lẩn trốn, đồng thời cũng giúp ông này lấy lại được số tiền 46 tỷ baht đang bị phong tỏa kể từ sau đảo chính. 
Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Vì nước Thái giải thích rằng việc ông Thaksin có lấy lại được tài sản hay không không liên quan tới Dự luật ân xá này. Năm 2010, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ra phán quyết kết tội cựu Thủ tướng Thaksin lợi dụng chức vụ để thu lợi cho bản thân và gia đình số tiền 46 tỷ baht trong thương vụ với một tập đoàn truyền thông với Singapore.
Trong khi đó, phe "Áo đỏ" cho rằng dự luật ân xá cũng sẽ giúp hai thủ lĩnh của đảng Dân chủ là cựu Thủ tướng Ahbisit Vejjajiva và cấp phó của ông là Suthep Thaugsuban không phải chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp người biểu tình năm 2010, khiến 92 người thiệt mạng. Bốn nghị sỹ "Áo đỏ" thuộc đảng Vì nước Thái thể hiện sự phản đối bằng việc không tham gia bỏ phiếu là Natthawut Saikaur, Weng Tojirakarn, Worachai Hema và Khattiya Kattipol.
Dự luật sửa đổi thể thức bầu Thượng viện
Ngoài việc Dự luật ân xá bị đánh bại, đảng Puea Thai đương quyền còn chịu thêm một thất bại khác vào tuần trước khi Tòa Hiến pháp ngăn chặn kế hoạch bầu toàn thể thượng viện. Hiện nay 77 trong số 150 thượng nghị sĩ được bầu trực tiếp và số còn lại được các thành viên Ủy ban Tuyển chọn Thượng viện chọn ra.
Chính sách trợ giá gạo làm thiệt hại tới kinh tế quốc gia
Kế hoạch của Chính phủ Thái Lan bán gạo tồn kho với giá thị trường, điều này có nghĩa là Chính phủ sẽ bị thiệt hại lớn, vì số gạo này đều do Chính phủ mua của nông dân với giá cao từ năm 2011.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Bong Song cho biết, Chính phủ quyết định bán gạo tồn kho vào thời điểm này vì gần đây có một số khu vực trồng lúa bị hạn, ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo.
Tính đến đầu năm nay, số gạo dự trữ trong kho lên tới khoảng 17 triệu tấn, gần gấp đôi so với một năm bình thường, khiến chính quyền phải gấp rút tìm nơi làm kho dự trữ cũng như đối mặt với nguy cơ bán tháo gạo ra thị trường thế giới với giá lỗ. Ngân sách quốc gia cũng tiêu tốn 100 tỷ baht/năm để mua gạo của nông dân dẫn đến các vấn đề tài chính khác.
Theo ước tính thiệt hại từ chương trình này khoảng 140 tỷ baht (4,7 tỷ USD) trong vụ mùa 2011-2012, có thể sẽ tăng lên trên 210 tỷ baht (7 tỷ USD) trong vụ mùa 2012-2013.
Giới chức đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ giảm giá mua gạo của nông dân, tuy nhiên, nông dân Thái Lan lại cho rằng, giám giá mua gạo, chẳng khác nào đẩy nông dân Thái Lan đến đường cùng. Ông Kittisak Ratanawaraha, người đứng đầu mạng lưới hơn 50.000 hộ trồng lúa của 17 tỉnh miền Bắc, không chấp nhận giảm giá mua gạo của Chính phủ, khi nông dân chỉ còn nhận được 8.000 - 9.000 baht/tấn gạo.
Chủ tịch danh dự Hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse nhận định hệ lụy của chính sách này là gạo Thái Lan tụt hạng so với gạo Ấn Độ và Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hiệp hội Lúa gạo của Mỹ bày tỏ lo ngại chương trình này sẽ ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và có thể lũng đoạn thị trường gạo thế giới.
Các chính trị gia Thái Lan nói gì?
Ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, cho rằng  tương lai của Chính phủ Yingluck khá bấp bênh. Ông nói: “Tuần này sẽ là một tuần lễ nhiều xáo trộn, rất nguy hiểm. Phải có một sự nhượng bộ nào đó. Chính phủ giờ đây phải có đáp ứng. Những người biểu tình đang đòi cải tổ toàn bộ, đòi loại bỏ tất cả những thứ có liên hệ với ông Thaksin Shinawatra. Đó là một đòi hỏi…không có giới hạn, rất khó có thể thỏa mãn”.
Giáo sư chính trị học Panitan Wattannayagorn, từng làm phát ngôn viên Chính phủ, cũng nói rằng Chính phủ hiện nay đang “khốn khổ” vì những căng thẳng chính trị. Ông nói: “Chính phủ đang chật vật để tìm ra một sự đáp ứng thỏa đáng. Nếu tình hình này tiếp tục quá lâu, tính chất chính đáng của Chính phủ có thể bị mất hết, bởi vì trước đây chúng tôi chưa hề có tình trạng người dân rủ nhau xuống đường như thế này và đòi hỏi hệ thống chính trị phải phục vụ cho nhu cầu của người dân”.
Các chính trị gia quốc tế nói gì?
Nhận định về tình hình Thái Lan, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng bất chấp việc hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng tiếp tục biểu tình, cựu Thủ tướng Thaksin đã làm thay đổi toàn bộ chính trường Thái Lan. Ông Lý nói: “Sẽ không có chuyện trở lại với nền chính trị cũ của Thái Lan, trở về thời kỳ trước Thaksin, khi mà tầng lớp trên nắm trọn quyền lực. Thái Lan sẽ tiếp tục đi trên con đường mà Thaksin tạo đà đẩy nước này vào. Khoảng cách giàu nghèo trên cả nước sẽ giảm. Nhiều nông dân sẽ được nâng lên thành trung lưu và sẽ góp phần tăng tiêu dùng nội địa và Thái Lan sẽ tiến triển tốt”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Washington quan ngại về những căng thẳng chính trị gia tăng và đang theo dõi sát sao tình hình. Washington hối thúc tất cả các bên kiềm chế không để xảy ra bạo động và tôn trọng pháp luật.
Người biểu tình của mỗi bên và người dân Thái nói gì?
Phát biểu trước đám đông người chống chính phủ tụ tập tại Đài Tưởng niệm Dân chủ, ông Satit Wongnongtaey, lãnh tụ phe chống Chính phủ, ca ngợi số đông người tụ tập trong ngày chủ nhật vừa rồi, kích động dân chúng với việc gọi ngày này là Ngày của Nhân dân.
Ông Thida Thavornseth, lãnh tụ phe Áo Đỏ phát biểu trên chương trình vô tuyến truyền hình hôm thứ Bảy 23/11: “Phe Áo Đỏ phải cho thấy sức mạnh của chúng ta trong việc bảo vệ dân chủ. Chúng ta sẽ tổ chức một cuộc tụ tập ôn hòa và chúng ta không muốn đối đầu. Do đó nếu bạo động xảy ra thì việc này không do phe Áo Đỏ chủ động tạo ra nó”.
Bà Tida Tawornseth, người đứng đầu “Mặt trận Dân chủ đoàn kết chống độc tài” ủng hộ Chính phủ, tin tưởng bà Yingluck sẽ vượt qua được cơn bão táp chính trị này. Bà nói: “Không muốn gây thêm áp lực, nên chúng tôi tìm cách tập họp người của mình ở sân vận động. Chúng tôi sẽ cố gắng tập họp thêm nhiều người nữa. Chúng tôi không muốn thấy bạo động. Chúng tôi không muốn làm cho tình hình này dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự”.
Cách đây nửa tháng, ngày 10/11, các trung tâm nghiên cứu dư luận của Thái Lan như Trung tâm Nghiên cứu ABAC, Viện Nghiên cứu Dusit đã công bố kết quả thăm dò người dân Thái Lan đáng chú ý: 86,5% - 90% số người được hỏi muốn đất nước ổn định, các phe phái phải coi trọng lợi ích chung, hình ảnh và danh tiếng của đất nước, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay giải quyết bất ổn để phát triển đất nước. Có 84% người dân Thái Lan tin tưởng vào thể chế dân chủ hiện hành; đồng thời gần 70% cho rằng đảo chính quân sự sẽ không thể giải quyết được các mâu thuẫn xã hội. Có 58% ý kiến yêu cầu lực lượng cảnh sát phải thực hiện nhiệm vụ một cách chặt chẽ, thận trọng, không để bất ổn lan rộng; 53% đề nghị những người lãnh đạo biểu tình tổ chức biểu tình hòa bình, có trật tự, không kích động quần chúng. 51% ý kiến cho rằng, những người tham gia biểu tình cần bày tỏ mục đích, yêu sách rõ ràng để chính phủ biết, lắng nghe và sửa đổi cho đúng.
Một số nhận định chung sơ bộ
Đảng Dân chủ đối lập đang chớp thời cơ?
Một bên những người dân vùng nông thôn - phe Áo đỏ ủng hộ Chính phủ Thủ tướng Yingluck và ông Thaksin không muốn gây khó khăn thêm cho Chính phủ, chỉ tập trung lực lượng tại một địa điểm là sân vận động quốc gia Rajamangala. Mưa to và ngập lụt đang xảy ra ở một số tỉnh Thái Lan, hạn chế phần nào việc tiếp ứng lực lượng của họ.
Một bên là tầng lớp quý tộc và trung lưu tập trung chủ yếu ở Bangkok, rất thuận lợi cho việc tập trung phô diễn lực lượng cũng như tổ chức các hành động đối kháng với chính quyền trung ương như họ đang làm.
Trong khi đó Quốc hội đang họp thảo luận việc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Yingluck, còn Chính phủ vẫn giữ lập trường không dùng vũ lực đàn áp người biểu tình.
Giải pháp nào?
Những lý do mà bên biểu tình đối kháng đưa ra cần được Chính phủ giải trình minh bạch tại diễn đàn Quốc hội hoặc diễn đàn đối thoại trực tiếp của các bên biểu tình. Bên cạnh đó, các nghi án tham nhũng cũng cần được các cơ quan pháp luật xem xét sớm.
Cái đầu của các chính trị gia cần bình tĩnh, ôn hòa hơn nữa tránh gây thêm lộn xộn cho xã hội, gây hưởng xấu thêm cho nền kinh tế quốc dân, đến uy tín của nền dân chủ Thái Lan.
Các cơn mưa giờ này đang phủ đen bầu trời Bankok.
Chính trường Thái Lan đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra phía trước…
An Bường
BKK, 18.00PM, 26/11/2013