27/11/13

Thái Lan: Bao giờ dừng bất ổn chính trị? – 2 (Suthep - ông là ai?)

(Tổng hợp và bình luận chính trị)
Ngày 26/11, ông Suthep Thaugsuban, lãnh tụ trực tiếp của những người biểu tình chống Chính phủ Yingluck, đã có trát bắt của Tòa án hình sự Thái Lan.

Ngày 27/11, những làn sóng biểu tình chống Chính phủ tiếp tục dồn dập và tăng. Ông Suthep Thaugsuban vẫn chống lại lệnh bắt, đồng thời kêu gọi tiếp tục phá hủy “chế độ Thaksin”. 
Lãnh tụ phe biểu tình chống chính phủ
Ngày 26/1, tại trụ sở Cục Ngân sách và Bộ Tài chính, ông Suthep Thaugsuban, lãnh đạo phe chống Chính phủ dẫn đầu đoàn biểu tình chiếm tòa nhà và tuyên bố: “Cục Ngân sách và Bộ Tài chính là trái tim của chế độ Thaksin nên chúng ta sẽ chiếm hai cơ quan này từ hôm nay trở đi. Nếu họ (tức Chính phủ) không đầu hàng, chúng ta sẽ chiếm tất cả các bộ”. Ông Suthep còn kêu gọi các quan chức trong Cục Ngân sách chặn tất cả ngân sách hoạt động của Chính phủ nhằm lật đổ chính quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo. Ông Suthep đã biến trụ sở Bộ Tài chính thành đại bản doanh của phong trào biểu tình. Cảnh sát cũng chưa bắt Suthep khi ông dẫn khoảng 6.000 người xông vào cơ quan này một lần nữa.
Ông Suthep kêu gọi những người biểu tình chiếm giữ thêm và cắt điện nước, các cơ quan chính quyền, các bộ và tòa thị chính trên khắp cả nước để công chức và viên chức phải nghỉ việc và Chính phủ sẽ ngừng hoạt động vì thiếu tài chính và nguồn nhân lực.
"Mọi người hãy xông vào trụ sở của mọi Bộ để công chức không thể làm việc. Một khi các bạn chiếm nơi làm việc, công chức sẽ không thể phục vụ bộ máy của Thaksin. Hỡi các anh, chị, chúng ta hãy chiếm tòa thị chính", AP dẫn lời kêu gọi người biểu tình của Suthep.
“Hãy vào các cơ quan nhà nước, nhưng không mang theo súng và không làm hại ai. Đây là việc đoạt lại quyền lực của nhà nước bằng biện pháp hòa bình”, ông Suthep nói.
Mục tiêu của Suthep, như tuyên bố của ông hôm 26/11, là thay thế Chính phủ đương nhiệm bằng một nội các không do dân bầu. Ông cho rằng đó là cách duy nhất để loại bỏ ảnh hưởng và cỗ máy chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck, khỏi chính trường Thái Lan. "Nếu chúng ta lật đổ chế độ của Thaksin vào ngày mai, chúng ta sẽ thành lập một hội đồng của nhân dân vào ngày tiếp theo để điều hành đất nước. Chúng ta sẽ để hội đồng của nhân dân chọn một người xứng đáng vào vị trí thủ tướng và những người tốt khác giữ chức bộ trưởng", ông Suthep phát biểu.
Ông Suthep còn cho rằng, Chính phủ cùng hơn một nửa số nhà làm luật của Thái Lan đã hành động bất tuân luật pháp, vì họ bác bỏ quyền lực của Tòa án Hiến pháp, nghĩa là họ không chấp nhận hiến pháp.
Ông Suthep đã đưa ra sáu điểm cải cách “sau khi chế độ hiện nay bị lật đổ,” đó là: Bầu cử tự do và công bằng, bài trừ nạn tham nhũng, thật sự tôn trọng quyền lực của người dân, xây dựng lại lực lượng cảnh sát, thiết lập luật lệ và quy định mới cho các quan chức chính quyền, xây dựng một chương trình quốc gia cho giáo dục, giao thông và y tế.
Ông Suthep tuyên bố, dù bất kể chuyện gì xảy ra, những người biểu tình sẽ tiếp tục “chiến đấu” để lật đổ hoàn toàn "chế độ Thaksin," ám chỉ chính phủ hiện nay là do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra điều khiển.
Ông Suthep đang phát biểu trước người biểu tình. Ảnh: Internet.

Hình ảnh ông Suthep trên truyền hình Thái Lan được đưa nhiều, tạo cảm giác như ông là “người hùng biểu tình”. Ông đi đâu cũng có đông vệ sỹ và hàng đoàn người cầm cờ, huýt còi đi theo ủng hộ.
Sơ lược quãng đường hoạt động chính trị
Ông Suthep Thaugsuban, sinh ngày 7/7/1949, được giữ ghế Bộ trưởng Nông nghiệp sau khi Đảng Dân chủ thắng cử ngày 13/9/1992.
Ông là nghị sỹ của tỉnh Surat Thani và mới từ nhiệm cùng với 5 nghị sỹ khác cùng phe Đảng Dân chủ cách đây khoảng 2 tuần.
Ông giữ ghế Phó Thủ tướng dưới quyền Abhisit Vejjajjiva và đảm nhiệm Tổng thư ký đảng Dân chủ, cho đến ngày 9/8/2011 bà Yingluck lãnh đạo Chính phủ mới.
Trong thời gian biểu tình xảy ra năm 2010, ông Sutthep kiêm phụ trách Trung tâm xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES).

Các công tố viên Thái Lan, ngày 28/10, buộc tội cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và cựu Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban Giám đốc Trung tâm Xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES) sát hại những người biểu tình phản đối chính phủ trong một cuộc đàn áp năm 2010, khiến một cậu bé 14 tuổi và 1 lái xe thiệt mạng. Tuy nhiên, cả hai ông đều bác bỏ những cáo buộc trên.
Từ tháng 3 đến tháng 5-2010, hàng ngàn người biểu tình phe Áo đỏ tụ tập tại Bangkok nhằm kêu gọi chính quyền Thủ tướng Abhisit khi đó giải tán nội các. Sau hơn 1 tháng phe Áo đỏ chiếm giữ khu thương mại nằm giữa trung tâm thủ đô, quân đội Thái Lan dưới sự chỉ đạo của CRES (nay đã bị giải tán) tiến hành trấn áp nhằm giải tán những người biểu tình. Đụng độ xảy ra làm hơn 92 người chết và hơn 2.000 người bị thương.

Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban đi cùng Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, sau cuộc họp nội các ngày 2/10/ 2010. Ảnh: AP.
Cựu chính trị gia này có nhiều kinh nghiệm từ vai trò chỉ đạo chống biểu tình năm 2010, nên nay đang vận dụng và phát huy cao độ kinh nghiệm đó vào việc lãnh đạo biểu tình chống Chính phủ đương nhiệm.

An Bường
BKK, 22.30PM, 27/11/2013
Xem thêm: