HM Blog. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của bạn Triều Dương, một người Việt, đang sống, làm việc ở Bangkok hơn chục năm. Triều Dương là bạn đồng nghiệp của Hiệu Minh trong Viện Tin Học (HN). Ảnh minh họa lấy từ Facebook
của bạn Lan Anh. Cảm ơn bạn Lan Anh và Triều Dương.
của bạn Lan Anh. Cảm ơn bạn Lan Anh và Triều Dương.
Đọc Blog Hiệu Minh được biết trên trời dưới biển, được biết ý kiến trái chiều từ khắp thế giới, lại thấy Hang Cua thi thoảng đăng một số bài của các còm sỹ, chứ không phải toàn xơi “độc món” của Tổng Cua, đâm ra tự nhiên mình cứ cảm giác có gì thôi thúc phải viết, một lúc nào đó, cho Hang Cua như là một món nợ cần phải trả vậy. Hơn tuần nay ở Bangkok lại lùm xùm biểu tình, thôi thế thì mình viết luôn về nó để “trả nợ”.
Dân biểu tình ở BKK. Ảnh: Lan Anh
Thailand hiện vẫn đang trong quá trình oằn mình hướng về nền dân chủ tốt đẹp hơn từ non một thế kỷ nay. Các chính biến như đảo chính, biểu tình và hỗn loạn là điều tất yếu không thể tránh khỏi trong sự vận động này, nhưng chí ít những tranh chấp đấu tranh kiểu này cũng còn gây ít tang thương hơn là những cuộc cách mạng, những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn khốc liệt ở quê hương mình.
Mới gần đây nhất, sự kiện lễ tang của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tất cả các phương tiện truyền thông lề phải lề trái viết ầm ầm, mình chỉ đọc theo dõi, nhưng đã không thốt ra một lời nào, dù không phải là mình không có chính kiến, bởi vì mình tự vấn mình thế này “nếu các lãnh tụ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm …, đã không đối đầu đánh nhau, mà hiệp lực đưa được nước Việt Nam ta đi về chung một hướng, chả biết là hướng nào, thì có phải triệu triệu dân Việt ta được thoát cảnh phơi xương thịt dưới bom đạn, nước Việt Nam ta được phát triển, dân Việt ta được sung sướng mà sánh vai các cường quốc năm châu” – nên mình đã chả viết bất cứ điều gì liên quan nữa. Mà hiện nay nước mình, dân mình vẫn khổ, vẫn bị chia rẽ, vì hậu quả của cuộc chiến đã chấm dứt từ gần bốn chục năm nay đấy thôi.
Trở lại mục tiêu chính là sự vận động của nền dân chủ ở Thailand. Bắt đầu là cuộc đảo chính quân sự cách mạng năm 1932, chuyển nước Thái (lúc đó tên cũ vẫn gọi là Siam – Xiêm) từ nền quân chủ phong kiến sang nền quân chủ lập hiến (absolute monarchy >> constitutional monarchy), thủ tướng và nội các, được vua “tấn phong” điều hành đất nước, chứ không phải là vua và các cận thần của vua điều hành đất nước như trước kia. Tuy nhiên, 60 năm tiếp theo, Thailand (được đổi tên theo phong cách phương tây – England, Scotland, Finland … – loanh quanh những năm thế chiến II) vẫn luôn được điều hành bởi các thủ tướng vốn gốc là tướng lĩnh quân đội, mà ai đó vẫn cứ gán cho cái chữ “độc tài”.
Tới cuộc đảo chính năm 1992 thì mình tự coi là “ở trong cuộc”, vì lúc đó mình đã sang Thailand được 1 năm rồi (nhờ một suất học bổng thạc sỹ, mà lúc đó chưa biết, chưa có kế hoạch là sẽ ở Bangkok lâu dài, ngay cả đến giờ mình cũng vẫn cứ chưa xác định được tương lai mình sẽ định cư ở đâu, đi đâu, về đâu, huhuhu). Output của cuộc đảo chính này là một hiến pháp mới sửa đổi quy định thủ tướng phải được xác lập từ bầu cử dân chủ (vẫn còn hình thức vua approving kết quả bầu cử và “tấn phong” thủ tướng cùng nội các để chính thức điều hành đất nước).
Nói nôm na là từ đó, sân khấu chính trị Thailand được “diễn” bởi các chính quyền dân sự do dân bầu lên, còn phe quân đội cảnh sát chấp nhận lui ra đằng sau sân khấu chímh trị, họ chỉ thực thi các nhiệm vụ chuyên môn quân sự là bảo vệ đất nước, chính quyền (gồm cả hoàng gia), cho dù chính quyền đến từ bất kỳ đảng phái chính trị nào. Điều này được ghi vào hiến pháp (sửa đổi). Cái giá của đổi mới này là khoảng 700 người chết chính thức và 2000 mất tích (coi như chết, không rõ tung tích).
Biểu tình ở BKK. Ảnh: Lan Anh |
Thủ tướng dân sự được bầu đầu tiên là ông luật sư Chuan Lekpai của đảng Dân Chủ. Ông này ít “tì vết”, nhưng bị gán cho cái mác là “ông Rùa” vì chậm chạp trong quyết sách, cái gì cũng “để chờ xem đã”. Sau đó thì có nhiều thủ tướng dân sự nối tiếp nhau, hầu như thủ tướng nào cũng có “tì vết” tham nhũng, mà đỉnh điểm là ông Thaksin.
Khi xã hội Thái chuyển từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự, thì các chính khách ngửi ngay thấy mùi “kim tiền” từ các vai trò chính trị khác nhau, trong vai trò đại diện nhân dân điều hành lợi ích quốc gia, tranh thủ tìm cách biển lận, tham nhũng biến “của chùa”, tức là tiền thuế của nhân dân hay tài nguyên của đất nước, thành “của mình” bằng các “xảo thuật” khác nhau, từ đơn giản là nhận đút lót hay “kick back” qua các dự án công, cho tới tinh vi hơn là tạo ra các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” của mình (hoặc gia đình mình) để xơi trọn “phần bơ, sữa” của các dự án công, và xả “những phần còn lại” cho xã hội (kẻ còn chút “tử tế” thì có chừa lại cho đời “ít thịt, mỡ”, những kẻ ăn bẩn thì thậm chí quẳng lại cho xã hội tiêu hóa ”phần xương xẩu, cặn bã” còn lại).
Trước kia, giới quân sự với “quyền và súng” trong tay, thì việc kiếm tiền là quá đơn giản, nên họ cứ tự nhiên hưởng lợi từ vai trò “cầm cương đất nước” và cố giữ điều này được hơn nửa thế kỷ (từ 1932 tới 1992). Tới thời của các “doanh nhân – gian nhân” làm chính khách, thì họ “tài ba” hơn giới quân sự ngày trước, một mặt họ có góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển bằng tri thức kinh doanh của mình, nhưng mặt khác họ cũng nhanh tay vơ vét cho cái “túi tham” của mình.
Nhưng ở một xã hội “tạm gọi dân chủ” như ở nước Thái, với bản chất không quá khích và dễ thỏa hiệp, thì “quyền lực + quyền lợi” của các “chính khách – doanh nhân” không dễ gì mà độc chiếm mãi cho riêng ai, một “luật đời bất thành văn” ở đây là “anh xơi được, cũng phải để đến lượt cho tôi xơi”, và các đảng phái chính trị được phép dễ dàng mọc lên như nấm để cạnh tranh nhau sòng phẳng qua “các cuộc bầu cử dân chủ”, mà thực tế là dùng các chiêu bài mị dân (từ hứa hẹn thay đổi chính sách có lợi cho dân, tới việc mua phiếu cử tri qua mạng lưới các trưởng thôn, trưởng bản).
“Đầu tư vào chính trị để trở thành chính khách” đã trở thành cuộc chơi kinh tế, tất nhiên có thắng/thua, lời/lỗ. Với các chính khách ở bên đảng phái “thua cuộc”, họ vẫn còn có quyền “dân chủ” được săm soi hành vi điều hành đất nước của đảng cầm quyền, và tự rút kinh nghiệm cho mẻ đầu cơ đánh bạc chính trị tiếp theo, là “cuộc bầu cử dân chủ” đến hẹn là diễn ra 4 năm 1 lần, nếu như mọi thứ vẫn còn ổn, còn chấp nhận được.
Còn nếu đảng cầm quyền tham quá, ăn nhiều quá, thì sẽ bị “luận tội, phanh phui” ở quốc hội, tham quá đáng thì các “chính khách ngoài lề” sẽ tìm cách xúi động dân biểu tình rối loạn quy mô cao gây sức ép với chính quyền, hay thậm chí là có cuộc đảo chính 2006 để lật ông Thaksin, vì ông này “tham quá” và có biểu hiện ngông cuồng coi thường “phần còn lại” của giới chính khách.
Vụ bán công ty điện thoại viễn thông AIS của mình cho Temasak ở Singapore với trị giá 79 tỷ Baht (thời điểm đó bằng khoảng 2tỷ USD), ngang nhiên lách luật không đóng một đồng thuế nào cho quốc gia, là “giọt nước tràn ly” dẫn đến cuộc đảo chính hòa bình 2006, khi ông Thaksin đi dự hội nghị UN ở Mỹ.
Người Thái giỏi thỏa hiệp, và nền dân chủ Thái quả thực kỳ lạ, chính quyền dân sự sau Thaksin mới kịp điểu tra bằng chứng các tội của ông Thaksin trong 2 năm tiếp theo (đúng là điều tra như rùa), tòa án mới tạm kết tội ông Thaksin với bản án 2 năm tù giam chưa kịp thực thi, thì nước Thái đã “làm ngơ” để ông Thaksin chạy trốn khỏi đất nước nhân thời điểm Olympics Mùa Hè 2008 ở Bắc-kinh, tẩu tán theo được khoảng 400 triệu USD, số tiền còn lại của ông Thaksin vẫn bị phong tỏa ở các ngân hàng trong nước, không bị tịch biên phát mãi.
Và các chính quyền sau này ở Thailand cũng chẳng tìm cách bới lông tìm vết thu thập thêm các bằng chứng tội (nhiều không kể xiết) của ông Thaksin trong thời gian cầm quyền 2000-2006, hay cả trước đó nữa. Họ cũng chẳng sát sao truy nã ông Thaksin lưu vong ở nước ngoài, ra vài cái lệnh ”gọi là” truy tìm để dẫn độ ông Thaksin về Thailand thực thi công lý, chả biết là để xoa dịu lòng dân hay các phe phái chính trị khác nhau.
Không rõ ông Thaksin có nhận định được là thời vận “chính trị – làm tiền” của mình ở nước Thái đã bị “kết liễu” rồi hay không, hay là ông vẫn còn hận thù và hy vọng có ngày quay lại được nước Thái, đòi lại tài sản của mình công khai, chứng minh với thiên hạ đó là “tiền sạch”, và “dạy cho lũ chính khách thối” trong nước những bài học mới ?
Rõ ràng ông Thaksin đã không hề thỏa mãn sống yên bình ở nước ngoài với số tiền đã tẩu tán được theo người, ông còn kịp làm một cú áp-phe kinh tế thành công: mua rồi bán đội bóng Manchester City ở nước Anh với vốn mua ban đầu là 80 triệu USD, trong vòng chưa đầy 1 năm.
Các biến động chính trường Thailand từ 2006 tới nay vẫn là vấn đề “to be, or not to be” với ông Thaksin. Các cơn bão biểu tình “áo vàng. áo đỏ, áo mầu khác”, cướp sân bay, đốt tòa nhà thương mại Central World … bao giờ cũng có tên ông Thaksin “ở tâm bão”, dù ông này vẫn đang lưu vong công khai ở nước ngoài.
Và cuộc biểu tình rầm rộ lần này cũng vậy, dự luật ân xá mở đường cho ông Thaksin về nước của chính quyền em gái ông Thaksin, bà Yingluck, đã làm phe anti-Thaksin nổi giận thực sự. Ông Suthep, đã làm “tiểu xảo”, là giã từ đảng Dân Chủ của mình (đảng đối lập), để là công dân tự do, và lôi kéo người biểu tình quyết lật đổ chính quyền Yingluck (vẫn bị gán mác là bù nhìn của Thaksin) mà không gây ảnh hưởng chính trị xấu tới đảng của mình.
Tất nhiên, nếu thành công, thì sau đó một thời gian, ông Suthep sẽ lại tái gia nhập một chính đảng (có thể là đảng Dân Chủ hoặc đảng nào khác thuộc phe “cầm quyền”) để được hưởng “quyền và tiền” đã được “mặc cả” trước, ở sau hậu trường giữa các “đại gia chính trị” rồi.
Người Thái không hề hiếu chiến, họ hiếu khách và có độ tolerance (tha thứ) rất rộng. Chính ở nước Thái có sự hòa hợp Đông – Tây chung sống rất hòa bình. Cứ nhìn cộng đồng “người lệch giới” (ái nam, ái nữ) sống nhộn nhịp yên lành trong xã hội Thái là đủ biết người Thái không kỳ thị giễu cợt họ, coi họ đúng là những con người bình thường mà chả may “con Tạo” đã không gieo cái gen giới tính “XX, XY” bình thường vào cơ thể họ mà thôi, đó không phải là những con người sống suy đồi, biến chất.
Vì vậy, trừ cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự có tính “cách mạng” năm 1992 (số người bị thương vong vì súng đạn của quân đội là có thật), thì các cuộc biểu tình khác sau này là tương đối yên bình, có xô xát chỉ ở mức độ vừa phải. Các thương vong từ các cuộc biểu tình này có thật, nhưng số lượng rất ít, và nguyên nhân thực sự gây ra số ít tử vong đó nhiều khi nằm ở khía cạnh “bí mật” khác, chứ không phải do đụng độ của đám đông dân thường với chính quyền, ví dụ có thể là:
- có một vài nhân vật bị lĩnh án “thủ tiêu” bởi các “ông lớn” đằng sau sân khấu chính trị, ra lệnh cho nhóm “đâm thuê, chém mướn” nào đó bắn lén đối tượng trong đám đông hỗn loạn người biểu tình. Tư lệnh Seh Deang bị bắn lén năm nào là một ví dụ như vậy, đúng thời điểm (ngày+giờ) phóng viên “vườn” Đào Nhật Đình của chúng ta dũng cảm qua Bangkok làm phóng sự ảnh gần ngã tư phố Rama IV – Sathorn;
- có những người có hiềm khích tư thù cá nhân (tiền, tình …) “mượn gió bẻ măng” triệt hạ đối thủ của mình mà tham gia biểu tình hỗn loạn mà giấu được hành tung của mình;
Dân đổ ra đường. Ảnh: Lan Anh |
- không loại trừ chính các thủ̀ lĩnh (áo đỏ, áo vàng) ra lệnh bắn lén cho chết vài “tốt đen” bên mình, để rồi vu oan giáo họa cho đối thủ chính trị (cái này chỉ là phỏng đoán logic).
Các tử vong chết trong các cuộc biểu tình này phần lớn là đã có kẻ chủ mưu tính toán làm trước, rất chọn lọc và có giới hạn, và kẻ chủ mưu chưa bao giờ bị lôi ra ánh sáng công lý. Rất khó để một dân đen vô danh tiểu tốt lẫn trong đám biểu tình bị tử vong vì “bom bay, đạn lạc” ngẫu nhiên từ lực lựng quân sự bảo vệ chính quyền.
Đó thực sự là nền dân chủ đáng ngưỡng mộ của người Thái, của quân đội và cảnh sát Thái. Vì vậy, nếu bạn là người nước ngoài có việc qua Thailand, hãy bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi bị lẫn vào các cuộc biểu tình, nếu bạn có “bị làm sao” thì là do chính bạn sơ suất trong chen lấn xô đẩy của đám đông, đơn giản như là sơ suất khi tham gia giao thông và gặp tai nạn giao thông mà thôi.
Người Thái vẫn đang vật vã trên con đường đi tìm dân chủ công bằng cho xã hội của họ. Các chính khách Thái vẫn đang trong cuộc “làm chính trị – kiêm kiếm tiền”, hiện chưa thấy một gương mặt thực sự sáng giá nào xuất hiện trong chính trường Thái.
Những người đáng ngưỡng mộ nhất cho sự hy sinh của họ vì nền dân chủ của nước Thái chính là phe tướng lĩnh quân sự, đứng đầu là tướng Prem Tinsulanonda (hiện còn sống, rất già rồi, cùng thời với ông Nguyễn Văn Linh của VN, đã chủ trương biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường), đã “từ bỏ, nhường” quyền lực điều hành đất nước cho giới dân sự, họ cam kết chỉ thực thi chuyên môn quân sự của mình vì đất nước, vì chính quyền (đến từ bất cứ đảng phá chính trị nào).
Giống như trong một gia đình có ông bố gia trưởng, sau bao năm bạo hành độc đoán với vợ con, tự nhiên để cho vợ con trong nhà được tự do phát biểu chính kiến, được làm theo ý riêng của mỗi người, chứ không phải làm theo lệnh của ông bố gia trưởng, thế là căn nhà yên ấm vang tiếng cười …
Mình gốc là dân học Toán, chỉ thích móc nối các dữ kiện xâu chuỗi lại để suy luận ra bản chất đúc kết của vấn đề, chứ mình không phải dân “Văn, Sử” với thói quen “tầm chương, trích cú”. Bạn có tin các “kết luận chém gió” ở trên của mình hay không là tùy, mình không sa đà vào các dẫn chứng, tên tuổi đầy đủ cụ thể trong các viết lách của mình đâu, nếu cần bạn có thể tự tra cứu trên mạng chi tiết các sự kiện để kiểm chứng ngược các “kết luận” của mình.
Để khỏi khô khan với các mệnh đề chính trị, mình dẫn ra ở đây vài hình ảnh và câu chuyện đời thường sinh động liên quan tới cuộc biểu tình hiện nay.
* Báo chí đưa tin ông Cảnh sát trưởng Thủ đô (MPB – Metropolitan Police Bureau) hôm sáng 3/12 ra lệnh cho cảnh sát giúp dân biểu tình dỡ các tấm bê-tông chắn lối vào MPB, để “mời” dân biểu tình vào trong văn phòng của họ, coi như là đã chiếm lĩnh tượng trưng MPB vài giờ, rồi dân biểu tình tự rút lui vì đã “đạt được mục đích”, không có sự phá phách bát nháo bên trong MPB.
Lý do rất đơn giản: ông cảnh sát trưởng MPB nói rằng các rắc rối chính trị hiện nay là do các chính trị gia gây ra, vậy thì mời họ (các chính khách) đi mà tìm lời giải của bất đồng với nhau, chúng ta ở đây (các cảnh sát viên và người biểu tình) là anh-em. Thật kỳ lạ, vừa mới mấy hôm trước cảnh sát thì phun hơi cay (tear gas), súng nước, đạn cao su vào đám đông, còn người biểu tình thì hò hét đòi đột nhập chiếm lĩnh các văn phòng làm việc của chính quyền, vậy mà liền ngay đó họ ôm nhau cười vui vẻ, người dân tặng hoa hồng cho cảnh sát, và chụp ảnh rất thân thiện nữa, chứ không phải để đóng kịch;
* Những người áo đỏ (phe Yingluck – Thaksin) phản biểu tình đã bị trừng trị thế nào. Tại khu vực đường Ramkhamheang, nơi có mấy trường ĐH to ở đó, có cả sân vận động hoành tráng dùng cho SeaGames năm nào, những người áo đỏ cũng tổ chức biểu tình ủng hộ chính phủ, và phản đối người biểu tình của phe ông Suthep. Có lẽ do số lượng áo đỏ ra đường lần này ít hơn, nên người ta thấy “quân áo đỏ” bị phe biểu tình (phe Suthep) tóm cổ, cạo tóc thành vệt, rồi lột áo đỏ và thả cho về, không đánh đập chửi bới nhau, tất cả cười hê hê hê …
* Hôm qua trên đường chở con trai (học lớp 11) đi học, mình hỏi con có biết các vụ “lột áo đỏ, cạo tóc” ở đường Ramkhangheang không, con trai mình bảo có biết, và kể chuyện có bạn ở cùng trường, mới học lớp 9 thôi, cũng đi tham gia biểu tình, bị súng hơi cay (tear gas) phun vào mặt rát lắm. Mình hỏi là bạn ấy thích đi hội hè cho vui hay làm sao (chứ mình nghĩ trẻ con 14-15 tuổi đã làm gì có đủ tri thức bản lĩnh chính trị để đi biểu tình, chỉ nghĩ là trò vui nghịch ngợm của con trẻ thôi), thì con trai mình kể lại là bạn ấy đi theo bố bạn ấy biểu tình, bị phun tear gas 3 lần cơ, bị lần đầu rồi rát cả mặt mà vẫn không lui, còn tiếp tục ở lại biểu tình tiếp.
"Phóng viên” Lan Anh.
Ảnh: Lan Anh FB
|
Mình nghe kể, ngưỡng mộ ông bố kia quá, và tranh thủ tâm sự với con là ông bố bạn người Thái đó giỏi quá, đã giáo dục cho con về thực thi quyền dân chủ trong xã hội bằng chính hành vi của mình, dẫn con hứng chịu phun hơi cay mà không rút. Chưa rõ bên nào, Yingluck hay Suthep, là có tội với nhân dân, mình thì chẳng ủng hộ phe nào cả, nhưng cách hành xử của ông Cảnh sát trưởng, các cảnh sát viên thật là chuyên nghiệp, cũng như hành vi “thực thi dân chủ” của những người dân thường đáng ca ngợi quá.
Trước đó ông Suthep và Yingluck đã gặp nhau ở một địa điểm bí mật, dưới sự bảo trợ của các tướng lĩnh hải-lục-không quân, để mặc cả với nhau tìm ra giải pháp thỏa hiệp chính trị (có giời mà biết họ mặc cả với nhau những gì), nhưng xem ra chưa đi tới đâu, mới “tạm ngưng chiến” trong mấy ngày Thai Father Day 5/12, ngày sinh nhật quốc vương, còn hồi thì sau chưa rõ. Giá mà ông Thaksin bị bệnh đột tử, hay bất ngờ bị tai nạn giao thông, thì tình hình chính trị ở Thailand cũng yên ổn cho nhân dân hơn.
Chúc các bạn được sống trong gia đình dân chủ, trong xã hội dân chủ.
Triều Dương. Viết từ Bangkok. 12-2013.
(hieuminh.org)