9/12/12

Thái Lan: Đường đi của súng

Ảnh minh họa: Internet

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng Thái Lan thường xuyên đưa tin về những vụ nổ súng và giết người bắt nguồn từ những cãi vã trong gia đình, xích mích trong trường học, va chạm trong giao thông đường phố… Con số những vụ án mạng cứ không ngừng tăng lên.
Người lớn và cả trẻ vị thành niên đều dễ dàng mua được súng với giá rẻ ở thị trường đen mà không muốn rắc rối với quy định đăng ký súng theo luật Thái Lan.

Thongnak Sawetjinda
 - nhà hoạt động môi 
trường bị bắn chết.
Theo báo cáo của cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, một số vũ khí nóng giá rẻ được sản xuất lậu trong nước, nhưng phần lớn có xuất xứ từ nước ngoài, hoặc do buôn lậu, ăn cắp hay bán lại mà không có giấy phép sử dụng. Súng bất hợp pháp được tìm thấy rất nhiều ở các tỉnh thuộc bờ biển phía đông Thái Lan như Chon Buri, Rayong và Trat. Chúng thường được buôn lậu theo đường biển. Giá một khẩu súng mới do nước ngoài sản xuất có thể chỉ vào khoảng 30.000 baht (1 USD bằng khoảng 30,680 baht). Còn loại súng săn sản xuất lậu ở Thái Lan có giá chừng 2.000 baht.

Trước kia, các loại súng tự chế chất lượng tốt được sản xuất nhiều tại vài ngôi làng thuộc tỉnh Uthai Thani và được bán với giá cực rẻ so với súng nước ngoài chế tạo. Sau đó, do cảnh sát truy bắt súng lậu gắt gao nên số dân làng còn tiếp tục sản xuất súng lậu rất ít. Vào tháng 8/2012, cảnh sát đột kích một xưởng nhỏ sản xuất súng ở Uthai Thani và thu giữ nhiều loại súng.
Trong một chiến dịch truy quét những kẻ xâm phạm rừng trong công viên Quốc gia Doi Pha Kong ở tỉnh Phrae, cảnh sát tình cờ phát hiện một xưởng sản xuất súng. Những kẻ sản xuất súng lậu bị bắt giữ ở hai tỉnh Chumphon và Satun khai báo họ đã bán ra khoảng hơn 1.000 khẩu súng săn và súng trường phục vụ nhu cầu săn bắn hay tự vệ của người dân.
Theo báo cáo của Hải quan Thái Lan, lượng súng nước ngoài nhập lậu vào nước này có chiều hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Năm 2008, số súng nhập lậu trị giá gần 600.000 baht và sang năm 2009 con số tăng lên gấp đôi, tức khoảng 1,3 triệu baht. Năm 2011, giá trị súng nhập lậu tiếp tục tăng lên 1,8 triệu baht. Phần lớn súng nhập lậu có xuất xứ từ Mỹ, Cộng hòa Czech và Cộng hòa Áo.
Nhiều người cho rằng lượng súng ngoại nhập lậu tăng đột biến vào năm 2009 do đây là thời gian mà chương trình cho phép giới quan chức chính quyền mua súng với giá ưu đãi nhằm mục đích tự vệ của nhà nước bắt đầu có hiệu lực.
Thanit Noipeng, Giám đốc Cục Điều tra và Pháp lý thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan, cho biết phần nhiều những khẩu súng tịch thu được qua các chiến dịch trấn áp tội phạm đều là súng nhập lậu bởi vì "người ta không ngu đến mức sử dụng súng có giấy phép để giết người".
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy những khẩu súng hợp pháp cũng có thể dễ dàng rơi vào tay bọn tội phạm qua một vài đường dây bí mật. Việc tiêu thụ súng tràn lan, khó kiểm soát ở Thái Lan đã dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ những vụ án mạng. Ví dụ vào năm 2011, Thongnak Sawetjinda - nhà hoạt động môi trường địa phương chống đối sự vận chuyển và tích trữ than đá trên đà tăng cao ở tỉnh Samut Sakhon - đã bị bắn chết.
Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy khẩu súng gây án thuộc sở hữu của một quan chức làm việc ở Cục Điều tra và Pháp lý. Khẩu súng được bán lại nhiều lần bất chấp quy định súng chỉ được thay đổi người sở hữu sau 5 năm.
Một cửa hiệu bán súng có
 giấy phép ở Wang Burapha.
Năm 2011, Cơ quan Điều tra đặc biệt (DSI) bắt đầu mở cuộc điều tra về những vụ quan chức chính quyền sở hữu súng không tuân thủ luật pháp. Một sĩ quan cao cấp của DSI tiết lộ chương trình "súng cho quan chức" của Chính phủ Thái Lan ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Sĩ quan giấu tên này nêu ra trường hợp ở Pop Phra ở tỉnh Tak, nơi có đến 200 đơn xin sở hữu súng theo chương trình được phê chuẩn.
Theo tiết lộ của sĩ quan này, điều bất thường đã xảy ra là nhiều cá nhân có được giấy phép sở hữu súng và thậm chí mỗi giấy phép này cho phép mua nhiều khẩu súng! Cuộc điều tra vẫn tiếp tục và DSI cố gắng tìm hiểu đường đi của những khẩu súng hợp pháp ra sao. Giới chức DSI nghi ngờ trường hợp bất thường là có quá nhiều khẩu súng hợp pháp được báo cáo thất lạc hay bị đánh cắp. Ví dụ, tại một tỉnh có hơn 200 khẩu súng hợp pháp được người sở hữu báo cáo bị mất!
Theo kết quả điều tra ban đầu của DSI, nhiều khẩu súng bị thu giữ dọc theo biên giới có số serial của những khẩu súng hợp pháp. Theo DSI, ngoài thị trường trong nước rất có khả năng những khẩu súng hợp pháp được bán cho người giàu có ở các quốc gia láng giềng với Thái Lan hay các nhóm vũ trang hoạt động dọc biên giới.
Bộ Chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa (ISOC) của Thái Lan đặt trụ sở tại Chiang Mai cũng bắt đầu mở cuộc điều tra về chương trình "súng cho quan chức" sau khi 154 khẩu súng được báo cáo bị mất năm 2011. Manoj Kraiwong, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về tư pháp và cảnh sát, nhận định những lỗ hổng trong chương trình "súng cho quan chức" đã dẫn đến hiện trạng ngày càng có nhiều khẩu súng hợp pháp bị tuồn ra thị trường đen, và chương trình thực chất đã bộc lộ sự yếu kém của nhà nước trong công tác bảo vệ tính mạng người dân. Tuy nhiên, Manoj Kraiwong ủng hộ việc cấp phép sở hữu súng cho các đối tượng doanh nghiệp như các hiệu vàng thường là mục tiêu của bọn tội phạm.
Mới đây, Cảnh sát Thái Lan có chương trình huấn luyện sử dụng súng cho các chủ hiệu vàng và nhân viên của họ. Các cửa hàng bán súng trong chương trình "súng cho quan chức" được phép nhập khẩu tổng cộng 285.000 khẩu súng trong giai đoạn 2009 - 2014, và ủy ban của Manoj Kraiwong đang có đề nghị Chính phủ Thái Lan không mở rộng chương trình này cũng như nên có quy định mỗi cá nhân chỉ được phép sở hữu một khẩu súng để tự vệ.
Từ tháng 1/2007 đến tháng 9/2012, giới chức hải quan Thái Lan đã bắt giữ số súng nhập lậu trị giá tổng cộng hơn 35 triệu baht - và chỉ riêng năm 2010, con số đó vào khoảng 19 triệu baht.
Diên San (tổng hợp) - cand.com.vn