24/8/15

6 giả thuyết hé lộ động cơ của những kẻ đánh bom Bangkok

(xaluan.com)- Đến nay, đã có ít nhất 6 giả thuyết được nêu ra về những kẻ đứng sau vụ đánh bom chết người trước đền Erawan ở Bangkok hôm thứ Hai.

1. Người Duy Ngô Nhĩ
Người Duy Ngô Nhĩ trong một trại tị nạn bí mật ở miền nam Thái Lan (Ảnh: Reuters)

Chính phủ Thái Lan từng trục xuất hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ được cho là nhập cư trái phép từ Trung Quốc để sang Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này đã khiến cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng tức giận và đây có thể coi là động cơ trả thù.
Đoạn video mà camera ghi lại được cho thấy một người đàn ông, trông khá giống người Duy Ngô Nhĩ, tiến vào khu vực đền thờ, để lại một chiếc balo và nhanh chóng rời khỏi đó ngay trước khi vụ nổ xảy ra. Đền Erawan khá nổi tiếng với khách du lịch Trung Quốc.
Một số người đồng ý với giả thuyết này nhưng nhiều người khác cho rằng người Duy Ngô Nhĩ không có khả năng và cũng không đủ hận thù để gây ra vụ tấn công tồi tệ đến vậy.
2. Phe ly khai Thái - Malaysia
Quân đội Thái Lan tuần tra ở miền Nam, đề phòng bạo loạn (Ảnh: Reuters)
Phóng viên ngoại giao Jonathan Marcus của BBC tin vào giả thuyết này, nhấn mạnh rằng phe ly khai đã "chiến đấu với Chính phủ Thái Lan trong hơn 1 thập kỷ qua".
Tuy nhiên, cảnh sát cho biết kiểu bom dùng trong vụ nổ chưa bao giờ được sử dụng ở miền Nam và ngay chính bản thân Marcus cũng nói phe ly khai chưa từng nhắm vào thủ đô. Ngoài ra, phía cảnh sát cho biết các vụ tấn công và thương vong ở miền Nam đang giảm dần.
Tướng Udomdej Sitabutr cũng phát biểu trên truyền hình rằng vụ nổ bom này không liên quan đến các vụ bạo loạn ở miền Nam.
3. Các nhóm khủng bố liên quan đến IS hoặc Al-Qaeda
Tổ chức khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda (Ảnh: PRN)
Reuters dẫn lời ông Angel Rabasa, một chuyên gia về phiến quân Hồi giáo thuộc tập đoàn RAND, nói rằng các nhóm này đang mở rộng tầm ảnh hưởng đến Đông Nam Á.
Nhưng chính bản thân ông Rabasa cũng nghi ngờ tính khả thi của giả thuyết trên bởi các nhóm khủng bố thường đứng ra chịu trách nhiệm về các vụ tấn công của mình.
Mới đây, phát ngôn viên của quân đội Thái Lan cũng cho rằng vụ đánh bom ở Bangkok nhiều khả năng không liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế.
4. Phe áo đỏ
Phe áo đỏ ủng hộ ông Thaksin (Ảnh: Demotix)
Ngay sau khi vụ tấn công diễn ra, phát ngôn viên Chính phủ Sansern Kaewkamnerd nhận định có thể những người bị mất quyền lực chính trị chính là kẻ đứng sau vụ này.
Những người tin theo giả thuyết trên cho rằng lực lượng "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, những người muốn làm suy yếu chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và nhấm chìm nền kinh tế, đã đủ tuyệt vọng để lựa chọn các giải pháp cực đoan như thế này.
Tuy nhiên, rất nhiều cư dân mạng nghi ngờ giả thuyết này, cho rằng không người Thái nào có thể thực hiện vụ tấn công tàn nhẫn và mù quáng đến vậy.
5. Chính quyền quân sự
(Ảnh: Bangkok Post)
Trong khi đó, lực lượng ủng hộ ông Thaksin lại tin rằng vụ đánh bom chính là một âm mưu được vạch ra bởi Hội đồng Hoà bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) để kéo dài thời gian hoạt động bằng cách thuyết phục người dân Thái Lan rằng đất nước chưa sẵn sàng cho cuộc bầu cử mới và đổ lỗi cho phe áo đỏ.
Những người tin vào giả thuyết này thấy việc thu dọn hiện trường nhanh chóng rất đáng khả nghi và cho rằng đây có thể là một hành động loại bỏ chứng cứ.
Tuy nhiên, giả thuyết này ngay lập tức đã bị một số người bác bỏ, nói rằng NCPO và Chính phủ sẽ mất nhiều hơn được từ vụ nổ bởi nó tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch Thái Lan.
6. Những người không hài lòng với cải tổ quân đội mới
Ông Chakthip Chaijinda đã được chọn là cảnh sát trưởng Thái Lan dù là ứng viên ít tuổi nhất (/Nicolas Asfouri)
Ngoài ra còn có một 1 số suy đoán cho rằng đây là cách bày tỏ sự không hài lòng của những người phản đối quyết định cải tổ quân đội gần nhất.
Tuy nhiên, nhiều người bác bỏ giả thuyết này, chỉ ra rằng chưa từng có hành động cực đoan nào trong lịch sử liên quan đến cải tổ quân đội.

Chuyên gia rà phá bom mìn Thái Lan kiểm tra chiếc túi nghi chứa bom trên đường phố Bangkok. Ảnh: Bangkok Post.