9/11/14

Thịt chó - chủ đề tranh cãi gay gắt ở Thái Lan

(vnexpress.net)-  Đa phần trong số 70 triệu người Thái Lan là những người yêu chó. Cư dân trong ngôi làng Baan Klang đẹp như tranh ở tây bắc nước này cũng vậy, họ khẳng định rất yêu chó, nhưng vẫn ăn thịt chúng.

Dưới áp lực của một số nhà hoạt động, cảnh sát Thái Lan bắt đầu một chiến dịch truy quét ngành buôn bán chó cách đây 2 năm. Họ bắt giữ những người tham gia buôn bán với lý do những người này không có giấy phép giết mổ, vận chuyển động vật.
Cảnh sát cũng siết chặt theo dõi trong những cánh rừng, nơi lũ chó bị giết mổ và bắt giữ những tay đầu nậu - những kẻ xuất hàng xe tải chó sang Việt Nam và Trung Quốc, nơi nhiều người có thói quen ăn loài vật này. Nỗ lực của họ là nhằm làm chậm tiến trình buôn bán chó.
Baan Klang nằm ở phía bắc Thái Lan. Có cả một cộng đồng ăn thịt chó ở đây, gồm nông dân trồng lúa và lao động chân tay. Thói quen ẩm thực của họ bị những người ở vùng khác, đặc biệt là những người thành thị yêu chó và người tầng lớp trên, nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm.
Dân làng đang nướng thịt chó làm bữa tối. Ảnh: Nytimes.
"Chúng tôi chỉ ăn những con hung dữ - những con cắn người hoặc giết trộm gà", anh Praprut, 45 tuổi, một nông dân ở Baan Klang, nói, đoạn vuốt ve con chó có tên là Money. Con vật có bộ lông màu nâu pha trắng, là trợ thủ đắc lực cho anh trong việc đồng áng, bảo vệ chủ, giúp anh săn rắn và chăn trâu.
Thịt chó không phải là món phổ biến trong ẩm thực truyền thống của Thái Lan, chỉ ít người chủ yếu ở vùng đông bắc thích. Chỉ mới gần đây, nó mới trở thành tiêu điểm của giới truyền thông Thái Lan, theo New York Times.
Cô Jantima Thanthongdee, vợ anh Praput, bị kết án tù treo 2 năm và phạt 150 USD vì tội buôn bán chó. Đối với một gia đình mà tài sản lớn nhất là 3 con trâu và vài mẫu ruộng mà nói, đây quả là một đòn giáng mạnh vào kinh tế.
"Thịt chó ngon tuyệt - nó có vị giống như thịt lợn, nhưng hoàn toàn không có chất béo", Praprut nói. "Đây là một đất nước tự do, và thích ăn gì là quyền tự do của mỗi người".
Chợ chó
Lamai, viên cảnh sát bắt giữ Jantima nói rằng công việc của mình là một phần của cuộc thập tự chinh cứu rỗi loài chó. "Càng bắt giữ nhiều, càng nhiều chó được cứu", ông nói. Ông cũng là một người yêu chó, và nuôi tới 4 con trong nhà. "Tôi không chịu nổi cảnh nhìn lũ chó bị giết để lấy thịt".
Cách Baan Klang nửa giờ lái xe là làng Tha Rae, nơi buôn bán thịt chó công khai, thịt thui được bày bán đầy vệ đường với giá khoảng 14 USD/kg.
Lamai nói rằng khu chợ này tồn tại ở tỉnh Sakon đã hàng thập kỷ, nhưng hai năm trở lại đây mới trở thành một chợ thương mại sầm uất.
Hai sĩ quan cảnh sát vừa ngăn chặn một vụ chở 1.000 con chó qua biên giới Lào và Việt Nam. Ở hai quốc gia này, ngoài thị , da chó cũng được thuộc và sử dụng để làm mặt trống và găng tay, do chúng mịn và mềm mại hơn da bò.
Cảnh sát được nhiều nhóm tình nguyện viên hỗ trợ, những người muốn nhìn thấy cảnh lũ chó bị giết thịt.
Bhurita Wattanasak, một nông dân ở ngoại ô thành phố Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, đứng đầu một tổ chức có tên Watchdog. Nhóm này khuyến khích người dân theo dõi những hoạt động ở chợ chó và thông báo cho cảnh sát.
"Phải mất 2 đến 3 năm mới làm cho phía cảnh sát nhận thức được đây không phải là trò đùa", cô nói. Bhurita tham gia vào tổ chức sau khi nhìn thấy hình ảnh lũ chó bị tống lên xe tải và chở đi. "Rất nhiều người có tâm trạng giống tôi lúc đó, nước mắt cứ chảy ra và cảm thấy mình bất lực", cô nói.
Các thành viên của Watchdog mới đây đã gặp gỡ các quan chức quân đội trong chính quyền và thúc giục họ thông qua đạo luật về quyền động vật, dựa trên một dự thảo luật của chính phủ tiền nhiệm về việc cấm giết chó lấy thịt.
"Họ bảo rằng để thông qua đạo luật này, hãy về và viết lại những yêu cầu của chúng tôi và gửi lại cho họ", Bhurita nói.
Truyền thống hay sự tàn nhẫn?
Người nước ngoài đang đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn buôn bán thịt chó. Những nhân vật nổi tiếng người Anh như nhà sản xuất Ricky Gervais và diễn viên Judi Dench đã làm video đăng tải trên mạng tháng trước, lên án việc buôn bán. Soi Dog, tổ chức mẹ của Watchdog, có nguồn kinh phí đóng góp từ Mỹ và châu Âu, cung cấp tài chính để Watchdog hoạt động.
"Soi" trong tiếng Thái nghĩa là làng. Soi Dog là một tổ chức được người Anh và Hà Lan thành lập, tập trung vào các chiến dịch triệt sản chó hoang ở Thái Lan.
John Dalley, người đồng sáng lập Soi Dog, nói rằng ông thường nghe người ta lập luận rằng nên cho phép ăn thịt bởi vì đây là truyền thống ở một vài nước châu Á nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng chó hoang.
"Đó không phải là sự khác biệt văn hóa", ông nói. "Đây là một ngành kinh doanh tàn nhẫn. Lũ chó bị nhồi nhét trong lồng. Thật là kinh khủng khi ném những con chó đang sống khỏe mạnh vào nồi nước sôi sùng sục".
Cảnh sát ở tỉnh Sakon Nakhon cũng đồng tình cho rằng lũ chó thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn.
Ông lão Kawai cho rằng 'chó là người bạn tốt nhất của con người'. Nhưng ông cũng cho rằng có những con đáng bị giết và ăn thị. Ảnh: NYT
Nhưng những người làm nghề giết mổ chó ở đây nói rằng việc giết chó chẳng có gì là vô nhân đạo cả, nó cũng chẳng khác gì việc giết những súc vật khác đề lấy thịt.
Một người bán thịt cho phép nhiếp ảnh gia đến chứng kiến màn giết chó. Con vật bị nện mạnh vào đầu và chết ngay lập tức.
Ông này không nêu tên trong bài báo bởi điều đó rất "nguy hiểm" trong tình thế hiện nay, và rằng ông chỉ giết những con có vấn đề hoặc chó hoang. Ông cũng nói thêm rằng có nhiều người xưng là yêu chó nhưng bỏ rơi thú nuôi của mình tại những ngôi chùa Phật giáo, góp phần gia tăng lượng chó hoang ở Thái Lan.
"Chó là người bạn trung thành nhất của con người", Kawai Thanthongdee, 66 tuổi, bố vợ Praput nói. Ông ăn thịt chó từ khi còn là trẻ con. "Nhưng một vài con đáng bị giết".

Hồng Hạnh - vnexpress.net