(GD&TĐ)- Khi đưa ra các chương trình tuyển sinh, các trường đại học Thái
Lan được yêu cầu công bố tỷ lệ sinh viên trong các ngành học tìm được việc làm sau
khi tốt nghiệp nhằm liên hệ tốt hơn nguồn cung cấp sinh viên tốt nghiệp với nhu
cầu thị trường.
Ông Krissanapong Kirtikara -Thứ trưởng Bộ Giáo dục,
người giám sát giáo dục đại học mới được bổ nhiệm, cho biết quá nhiều học
sinh đang bắt đầu các ngành học mà cung đang vượt quá cầu về nhân lực. Do vậy,
sau khi tốt nghiệp, họ ít có cơ hội nhận được một công việc trong lĩnh vực họ
đã chọn theo đuổi.
Trong khi đó, các trường dạy nghề lại có quá ít sinh viên, mặc dù nhu cầu tuyển
dụng ở các trường này lại rất lớn.
Ông Krissanapong nói ông muốn các trường đại học cải thiện cách quản lý khi Bộ
Giáo dục bắt đầu giai đoạn 2 của kế hoạch phát triển 15 năm cho giáo dục
đại học mà Văn phòng Ủy ban Giáo dục đại học đã đưa ra.
Mục tiêu chính của kế hoạch trên là phát triển chất lượng giáo dục đại học nhằm
tăng khả năng cạnh tranh của đất nước.
Một khía cạnh của việc quản lý tốt là công bố chi tiết hơn về các khóa học và
tỷ lệ sinh viên trong các ngành học tìm được việc sau khi tốt nghiệp, ông
Krissanapong nói.
Ông Thứ trưởng cũng nói rằng hơn 2 triệu sinh viên đang theo học tại các trường
đại học và khoảng 200.000 người có trình độ cử nhân không thể tìm thấy việc làm
sau khi tốt nghiệp.
Ông Amornvit Nakornthap - Cố vấn cho Bộ trưởng Giáo dục, cho biết nếu các trường
đại học có quyền tự chủ, họ cũng sẽ có trách nhiệm hơn.
Một số sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm theo chuyên ngành
mà họ đã học do cung vượt quá nhu cầu thị trường lao động.
Ví dụ, nước này chỉ cần 2.000 giáo viên một năm nhưng hệ thống giáo dục hiện
cung cấp hơn 10.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Khoảng 200.000 sinh viên tốt
nghiệp ngành sư phạm đang tìm kiếm việc làm.
Ông Krissanapong cho biết mỗi sinh viên phải trả khoảng 100.000 baht tiền học
phí mỗi năm, do vậy họ xứng đáng được nhận điều tốt đẹp hơn. .
"Các trường đại học nhận được ngân sách trị giá vài tỷ baht từ thuế, vì
vậy họ phải có trách nhiệm hơn với công chúng" - ông nói - "Ít nhất,
họ nên công bố thêm chi tiết về khóa học với tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm
sau khi tốt nghiệp để sinh viên có thể đưa ra quyết định trước khi theo một
chương trình học cụ thể. Họ không nên có các chương trình tuyển sinh mà không
cần biết đến kết quả ra sao”
Thứ trưởng cũng đề nghị Văn phòng Ủy ban Dạy nghề có sự đảm bảo về
việc làm cho sinh viên tốt nghiệp của mình để thu hút thêm nhiều người vào học
nghề. Nguồn nhân lực có kỹ năng trung bình đang có nhu cầu cao - ông cho biết.
Ông nói thêm rằng các bậc phụ huynh cũng nên khuyến khích con mình học tại các
trường dạy nghề. Đất nước này đang được phát triển chủ yếu bởi những người có
kỹ năng thực hành chứ không phải những sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Các
trường đại học nên thừa nhận điều này.
Ông Krissanapong cho biết ông lo ngại rằng các trường dạy nghề đã không đào tạo
đủ sinh viên tốt nghiệp và nhiều người trong số đó không đủ chất lượng cao như
mong muốn.
Hải Yến (Theo Bangkok Post) - giaoducthoidai.vn