Một bài tập cho môn nhiếp ảnh khi còn ở trường đại học ở
Thái Lan đã trở thành một nhiệm vụ cả đời cho anh Joseph Quinnell. Thay vì chỉ
ghi lại những vấn nạn của một bộ phận những người
không có quốc tịch ở Thái Lan như nạn lao động trẻ em, mại dâm, và buôn người, chàng sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Wisconsin đã quyết định chính mình sẽ trở thành một phần của giải pháp.
không có quốc tịch ở Thái Lan như nạn lao động trẻ em, mại dâm, và buôn người, chàng sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Wisconsin đã quyết định chính mình sẽ trở thành một phần của giải pháp.
Trong chuyến đi đầu tiên tới quận Mae Sai ở miền bắc Thái
Lan năm 2005, anh Joseph Quinnell đã tới thăm một ngôi trường được thành lập
bởi một tổ chức phi lợi nhuận. Khi một nhóm trẻ em chạy ngang qua, tình nguyện
viên dẫn Joseph đi thăm trường đã nói với anh ấy rằng: Những đứa trẻ này không
tồn tại.
Anh Quinnell nói: "Tôi nói, ý cô là sao? Cô
ấy đã nói rằng những đứa trẻ này không nhận thức được tình trạng hiện giờ của
chúng. Nhưng không bao lâu nữa, khi chúng học lên lớp ba, lớn bốn, sẽ có người
nói cho chúng biết rằng chúng là những đứa trẻ không có quốc tịch, không có
quyền công dân."
Đó là khi mà anh Quinnell được biết về hoàn cảnh của
những đứa trẻ không quốc tịch này:
"Chúng không hề có quốc tịch.
Chúng sẽ không thể kiếm được việc, không thể du hành, không thể đi học đại học,
không thể kết hôn, hay sở hữu tài sản. Về cơ bản, những đứa trẻ này sẽ không
thể mơ về một tương lai cho bản thân chúng."
Phần lớn khối dân không có quốc tịch ở Thái Lan bao gồm
những nhóm dân tộc thiểu số đã chạy trốn khỏi chính quyền quân đội ở Miến Điện.
Cả những người nhập cư và những người tị nạn đều không có qui chế cư trú hợp
pháp. Những đứa con của họ, kể cả những đứa bé được sinh ra ở Thái Lan, cũng
giống như cha mẹ chúng, không có quốc tịch, không có hi vọng, và nhiều người đã
trở thành nạn nhân của nạn buôn người và lao động trẻ em.
Theo anh Quinnell, có khoảng 12 tới 15 triệu người không
có quốc tịch trên toàn thế giới. Theo ước đoán, Thái Lan có số dân không có
quốc tịch lớn nhất, chiếm khoảng hai tới ba triệu rưỡi người.
Khi Quinnell trở về nhà, anh đã quyết định phải trở thành
một phần của giải pháp cho vấn đề này. Để mọi người nhận thức được vấn nạn
không quốc tịch và gây quỹ chống lại nạn này, anh đã tổ chức cuộc trưng bày
những bức ảnh của anh ở Wisconsin. Anh cũng giúp tạo ra một chương trình đưa
những sinh viên ở Mỹ tới Thái Lan.
Anh Quinnell cho biết, các sinh viên sẽ tới thăm trực
tiếp các tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan và làm việc về vấn đề không quốc tịch
và buôn người. Họ sẽ mở các lớp dạy nghệ thuật, ca múa, diễn kịch, và âm nhạc
cho những trẻ em ở các tổ chức phi chính phủ này.
Giáo dục cũng là một trọng tâm của một tổ chức phi lợi
nhuận mà anh Quinnell đồng sáng lập ba năm trước, mang tên: Dự án Thái Lan.
Đồng sáng lập tổ chức này, cô Susan Perri nói rằng, một chương trình có tên gọi
“Giáo dục cao đẳng như một sự trợ giúp nhân đạo” sẽ trao các suất học bổng để
theo học tại trường Đại học Wisconsin ở Stevens Point cho hai học sinh xuất sắc
không quốc tịch.
Cô Perri nói: "Chúng tôi làm việc với các
giới chức chính phủ Thái Lan, Hoa Kỳ, và các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở
Thái Lan để giải quyết các thủ tục cho những sinh viên không quốc tịch có thể
sang Mỹ với chúng tôi và đi học đại học ở đây."
Bị cấm học đại học ở Thái, cô Srinuan Saokhamnuan chưa
bao giờ dám mơ tới việc được chấp nhận đi học tại một trường ở Mỹ. Cô gái 24
tuổi này được sinh ra khi cha mẹ cô là những người không quốc tịch, chạy từ
Miến Điện sang Thái. Cô nói không có quốc tịch là một trải nghiệm đau đớn.
Cô Srinuan Saokhamnuan (trái) nhận thẻ
công dân Thái Lan. Ảnh: Joseph Quinnell
Cô Saokhamnuan nói:
"Tôi cảm thấy tôi như là một con chim vậy, và tôi sẽ
phải ở trong lồng cả đời vì tôi không thể đi đâu cả. Cha mẹ tôi không thể kiếm
được việc làm tốt. Họ không thể trở thành bác sĩ hay giáo viên. Họ chỉ có thể
làm việc trong các nhà máy và tiền lương thì ít hơn rất nhiều so với những
người Thái khác."
Cô cảm thấy may mắn vì cô có thể tiếp tục đi họ và đủ
điều kiện tham gia chương trình này. Cô theo học ngành truyền thông và quan hệ
công chúng. Cô nói rằng những đứa trẻ không có quốc tịch không thể học lên cao.
Cha mẹ của chúng thường bắt chúng nghỉ học sớm để đi làm giúp đỡ gia đình hoặc
bị bán đi nơi khác. Đây là điều đã xảy ra với một trong những người bạn của cô.
Cô Saokhamnuan chia sẻ:
"Mẹ của bạn tôi thực ra là một gái
mại dâm. Bà ấy đã để cho bạn tôi làm gái mại dâm trước khi lên lớp sáu. Đó là
cách duy nhất để kiếm tiền."
Có thể cứu cô Saokhamnuan và nhiều người có chung hoàn
cảnh tránh khỏi số phận nghiệt ngã này, anh Joseph Quinnell nói rằng, đây là
một kết quả rất đáng khích lệ trong việc cộng tác với các tổ chức phi lợi nhuận
khác.
Anh Quinnell nói:
"Hè năm trước, cô ấy đã được cấp
quốc tịch Thái Lan. Và sau đó, trường hợp của cô đã tạo ra tiền lệ và giúp hơn
400 đàn ông, phụ nữ khác vốn không có quốc tịch được cấp quốc tịch Thái
Lan."
Cô Srinuan Saokhamnuan sẽ tốt nghiệp vào năm 2014. Cô nói
rằng, việc được cấp quốc tịch Thái đã khích lệ cô dám mơ tới những điều lớn
hơn.
Cô Saokhamnuan tâm sự:
"Tôi muốn quay trở lại Thái Lan và
làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ những người khác có cơ hội đi
học."
Cũng giống như anh Quinnell, cô tin rằng giáo dục là công
cụ đắc lực để phá vỡ vòng lẩn quẩn mà những người vô quốc tịch không thể thoát
ra, có thể cứu những trẻ em khỏi bị bóc lột, và có thể mang lại cho các em niềm
hi vọng vào tương lai.
Faiza Elmasry (voatiengviet.com)