28/11/12

Kinh nghiệm du học Phật học ở Thái Lan

Một ngôi chùa TL.
Ảnh: Internet.

Sau khi tốt nghiệp chương trình Cử nhân Phật học, tăng ni sinh dường như ai cũng muốn chọn tiếp cho mình con đường du học. Tuy nhiên không phải ai muốn cũng được, vì còn tuỳ thuộc vào những điều kiện khác nhau của mỗi tăng ni sinh.
Trong những năm gần đây, nhất là khi những thủ tục hành chính tương đối dễ dàng, thì vấn đề du học của tăng ni sinh đã trở nên phổ biến và có thể nói là rầm rộ. Theo một thông lệ chung, sau khi hoàn tất chương trình cử nhân phật học, đa số tăng ni sinh thường chọn  đến những đất nước quen thuộc như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Miến Điện... để du học. Chỉ vài năm trở lại đây, và đặc biệt trong năm nay, lần đầu tiên trường đại học Phật giáo Thái Lan thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với trường đại học Phật giáo Việt Nam. Đây là một dấu hiệu tốt đẹp cho sự bang giao giữa hai trường đại học, có thể nói là tiền đề cho sự hợp tác lâu dài trong sự phát triển chung của nền giáo dục Phật giáo.
Theo tâm lý chung của những tăng ni sinh khi chọn con đường du học thường có những tâm trạng lo lắng, đắn đo trước khi quyết định. Ai cũng muốn có được những thông tin cần thiết về một đất nước mà mình chuẩn bị đến. Nhất là muốn biết rõ về ngôi trường, về chương trình đào tạo, về những điều kiện sinh hoạt nơi ấy... tất cả luôn là điều mà chúng ta hằng quan tâm. Theo xu hướng phát triển hiện nay, vấn đề du học của tăng ni sinh chúng ta đã không còn hạn chế ở một số đất nước nhất định, mà mở rộng giao lưu hợp tác, trao đổi sinh viên qua lại mang tính chất đa quốc gia, trong đó có Thái Lan. Nói đến đất nước Phật giáo Thái Lan có lẽ ai trong chúng ta cũng biết đến, tuy nhiên vấn đề du học của tăng ni sinh tại Thái Lan chắc hẳn sẽ còn nhiều điều mới lạ. 
Trong vai trò của một sinh viên hiện đang học tại Trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn - Bangkok, Thailand, chúng tôi cũng muốn chia sẽ một số thông tin và kinh nghiệm mà mình được biết trong những tháng ngày theo học. Tuy chỉ mới theo học được 6 tháng, một khoảng thời gian chưa phải là dài để có thể hiểu rõ hết tất cả mọi mặt, nhưng thể theo sự mong muốn của một số huynh đệ đồng học trước đây cũng như một số tăng ni sinh ở Việt Nam, với những gì được biết, người viết xin mạo muội ghi chép lại một số thông tin cần thiết về vấn đề du học tại Thái Lan như là bước tham khảo cho những ai có ý định sang du học ở đất nước này . 
1. GIỚI THIỆU VỀ TRƯỜNG:
Hiện nay Thái Lan có 2 trường đại học Phật giáo lớn nhất là Trường đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya và Trường Mahamakut với nhiều chi nhánh khác nhau được phân phối rộng rãi trên các tỉnh thành của đất nước. 
Trường Mahamakut -
 cơ sở Lanna ở
Chiềng Mai. Ảnh: Internet.
Trong giới hạn bài viết này chỉ nhằm giới thiệu một số thông tin về Trường Mahachulalongkornrajavidyalaya, ngôi trường mà người viết đang theo học. Đây là ngôi trường Phật giáo do Vua Rama V thành lập và lấy tên của vị vua này để đặt tên cho Trường. Ngoài cơ sở chính tại Bangkok, Trường đại học này còn có hơn 10 chi nhánh khác tại các tỉnh: Chiang Mai, Nong Khai, Hat Yai, Nakhon Si Thammarat, Khon Kaen, Nakhon Ratchasima... dưới sự bảo trợ của Chính phủ và Hoàng gia nhằm nâng cao kiến thức Phật học cho các tu sĩ và cư sĩ có nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo.
Trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn hiện đặt trụ sở tại Wat Mahathat, Tha Phra Chan, Bangkok - 10200, Thailand. Trong năm tới đây, cơ sở này sẽ được chuyển về ngôi trường mới vừa đựơc xây dựng với quy mô rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu học và đào tạo các bậc từ đại học cho đến tiến sĩ. Chương trình đào tạo sẽ không còn giới hạn hệ tiếng Thái đối với sinh viên trong nước mà mở rộng đào tạo hệ quốc tế dành cho tất cả sinh viên các nước đều có thể đến học. Để biết thêm nhiều thông tin về Trường chúng ta có thể vào tham khảo ở trang web: http://mcu.ac.th
Trường ĐH Mahachulalongkorn
ở Bangkok. Ảnh: Internet.
2. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: 
Trong những năm qua Trường đại học Mahachulalongkorn đào tạo các bậc từ hệ đại học và cao học nhưng chỉ giới hạn hệ tiếng Thái. Vài năm trở lại đây trường đã bắt đầu mở thêm chương trình học hệ Anh ngữ (Master of International Programme), khởi đầu chỉ dành cho hệ cao học và tiến sĩ. Theo thông tin Trường cho biết, bắt đầu năm sau Trường sẽ tiếp tục mở rộng thêm chương trình đại học bằng Anh ngữ. Như vậy, từ năm sau trở đi Trường đại học Mahachulalonglorn đã có đầy đủ tất cả chương trình đào tạo các bậc từ Đại học và hậu Đại học thuộc cả 2 chương trình trong nước và quốc tế.
 -   Đại học: 4 năm
 -   Cao học: 2 năm
 -   Tiến sĩ: 3 năm
Hiện tại chương trình đào tạo của Trường gồm 3 ngành chính là Pali, Phật học và Triết học. Đối tượng học không chỉ dành riêng cho tu sĩ mà ngay cả sinh viên bên ngoài những ai có nhu cầu nghiên cứu về Phật học đều có thể đăng ký vào học.
Đặc biệt ở Thái Lan rất khuyến khích sinh viên học ngôn ngữ Pali. Không chỉ môn học Pali căn bản trong chương trình học được dạy miễn phí mà nhà trường còn khuyến khích những ai có nhu cầu chuyên sâu về Pali có thể đăng ký học chuyên ngành Pali từ căn bản cho đến cao cấp. Chương trình này sẽ đào tạo người học trong suốt 9 năm hoàn toàn miễn phí. Không chỉ thế mà trong 9 năm ấy người học sẽ có những điều kiện thuận lợi trong việc ăn ở, sinh hoạt theo truyền thống Nam truyền, và sau khi tốt nghiệp sẽ có được những chế độ rất ưu tiên.
3. THỦ TỤC ĐẦU VÀO: 
Đối với Chương trình cao học Phật giáo hệ Anh ngữ, hàng năm Trường đều chiêu sinh và tổ chức kỳ thi tuyển vào khoảng tháng 3 Dương lịch. Thông báo chiêu sinh sẽ được phổ biến trước đó 3 tháng. Vì là chương trình đào tạo hệ Cao học quốc tế nên đối tượng dự thi không phân biệt là tu sĩ hay cư sĩ, trong nước hay ngoài nước. Thí sinh đã tốt nghiệp chương trình cử nhân của bất cứ ngành nào đều có thể đăng ký dự thi. Để có thể vào học chương trình này, thí sinh phải trải qua 2 kỳ thi quan trọng đó là kỳ thi viết và kỳ thi vấn đáp. Kỳ thi viết được tiến hành qua 2 buổi: 
-  Buổi sáng: thí sinh viết một bài luận liên quan đến Phật giáo.
-  Buổi chiều: kiểm tra một số kiến thức căn bản về Phật học.
Sau khi đã đậu được kỳ thi viết, thí sinh tiếp tục trải qua kỳ thi vấn đáp do Hội đồng các giáo sư ở đây sát hạch. Một tuần sau đó, danh sách thí sinh trúng tuyển sẽ được niêm yết tại Trường, đồng thời Trường sẽ gởi kết quả và thông báo đến các thí sinh trúng tuyển ngày giờ đến đăng ký thủ tục nhập học. Trong một số thông báo cũng như tờ bướm giới thiệu về Trường có đề cập đến vấn đề trình độ Anh văn bắt buộc khi đăng ký dự thi. Đối với những thí sinh không thuộc những quốc gia nói tiếng Anh thì phải có được số điểm tối thiểu là 500 của Chương trình TOFFL. Tuy nhiên, thực tế nội dung của kỳ thi không đòi hỏi những gì quá cao xa mà chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức Phật học cũng như một số kỹ năng về Anh văn của thí sinh trước khi vào học. Qua đó, nhà trường có thể đánh giá và kiểm soát được chất lượng khi mở ra chương trình đào tạo hệ Quốc tế.
4. THỦ TỤC LÀM VISA: 
Khi vào Thái Lan, để thuận tiện cho việc gia hạn sau này, chúng ta nên đến Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam xin được cấp Visa 3 tháng. Muốn có được Visa 3 tháng, đòi hỏi chúng ta phải có giấy giới thiệu của Trường hoặc giấy mời của một ai đó tại Thái Lan thì mới có thể làm được. Việc làm Visa đi Thái Lan cũng rất đơn giản và nhanh chóng, không quá khó khăn như đi một số quốc gia khác.
Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam chỉ có chức năng giải quyết cấp Visa 3 tháng mà thôi, và tất nhiên chúng ta phải đóng khoản lệ phí là 60 USD. Có được Visa 3 tháng rồi khi sang đây, khi được trúng tuyển vào chương trình học, Nhà trường sẽ có giấy giới thiệu bảo lãnh chúng ta là sinh viên của Trường. Lúc ấy, chúng ta chỉ việc đến phòng xuất nhập cảnh ở Thái Lan để xin gia hạn tiếp và chuyển sang Visa dạng ED (Education), và họ sẽ gia hạn tiếp cho chúng ta thêm 9 tháng với khoản lệ phí phải đóng là 1.900 Bath (tương đương khoảng 800.000 đồng). Khi hết hạn Visa 1 năm rồi chúng ta lại đến xin gia hạn tiếp 1 năm khác. Theo quy định ở Thái Lan, tuy đã có Visa 1 năm nhưng cứ 3 tháng chúng ta đều phải đến Phòng Xuất nhập cảnh trình diện một lần theo giấy hẹn được nhân viên ghi rõ ngày tháng kèm trong Passport.
Trong suốt quá trình học, mỗi sinh viên đều sẽ được Nhà trường giới thiệu một vị Giáo sư đang giảng dạy ở Trường làm người bão lãnh. Để trong quá trình học và sống trên đất Thái, nếu có vấn đề gì mang tính pháp lý, chúng ta đều có thể đến trực tiếp vị ấy nhờ giúp đỡ cũng như tư vấn thêm.
5. HỌC PHÍ: 
Sau khi đã trúng tuyển vào học, sinh viên sẽ được thông báo đến làm thủ tục đăng ký nhập học và phải đóng một khoản học phí cho học kỳ đầu tiên là 14.500 Bath (tương đương 400 USD). Những học kỳ sau khoản phí có thể sẽ tăng thêm từ 1.000 đến 2.000 Bath (tương đương 50 USD). Tuy nhiên để khuyến khích những sinh viên có tinh thần hiếu học và đạt kết quả tốt trong quá trình học tập, Nhà trường đều có một khoản ngân sách dành cho học bổng. Sinh viên nào đạt được số điểm tuyệt đối theo quy định đều có thể nhận được học bổng bao gồm học phí và một khoản chi phí sách vở hàng tháng. Theo người viết nhận thấy, để có thể đạt được số điểm tuyệt đối cũng không quá khó nếu chúng ta có được một lượng kiến thức Phật học, Anh văn, Pali tương đối tốt cộng với sự chăm chỉ thì có thể dễ dàng có được học bổng của Trường.

Ngoài một khoản chi phí cho việc học tập, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho mình một khoản khác cho việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Giá cả ở Thái Lan tuy không đắt đỏ lắm nhưng do sống ở Bangkok, nên dường như mọi cái cũng mắc hơn Việt nam ít nhiều. Nếu xin được ở chùa để đi học thì chúng ta sẽ không phải lo lắng quá nhiều về khoản này. Nói như vậy không có nghĩa là ở chùa họ sẽ lo hết cho mình, mà ít nhiều mình sẽ đỡ được những khoản chi phí lặt vặt khác.
6. CHỖ Ở:
Hiện tại Trường đại học Mahachulalongkorn chưa có ký túc xá dành cho sinh viên, do vậy trong bước khởi đầu chúng ta ít nhiều sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo thông tin của Trường từ khoá sau trở đi sinh viên sẽ chuyển đến học một cơ sở mới tại tỉnh Ayutthaya cách Trung tâm Bangkok khoảng 70 km. Như đã đề ở trên, đây là một ngôi trường mới đựơc xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu số lượng sinh viên ngày càng đông, đồng thời cả hai hệ Đại Học và Cao Học. Nơi đây có đầy đủ mọi phương tiện sinh hoạt học tập cho đến ký túc xá dành cho sinh viên đến học nội trú.
Để hiểu rõ thêm một số phong tục tập quán của Thái Lan về vấn đề tìm chỗ ở đối với tu sĩ Việt Nam chúng ta, người viết xin được chia sẽ vài thông tin và kinh nghiệm mà một số Thầy sang trước cũng như bản thân đã trải qua trong những ngày đầu đặt chân đến Thái Lan.
Đối với tu sĩ theo truyền thống Bắc Tông thì việc có được một chỗ ở ổn định để đi học hết sức khó khăn. Bởi lẽ, không như một số quốc gia khác, ở Thái Lan việc tu sĩ thuê nhà trọ ở để đi học là một điều cấm kỵ. Trong hình thức Bắc Tông đến xin ở các chùa Thái thì càng không thể được, mà chỉ có thể đến xin ở một số ngôi chùa Việt Nam. Đây là những ngôi chùa thuộc hệ phái Anamikaya, một hệ phái Phật giáo kết hợp hai truyền thống Theravada và Mahayana do các vị tổ Việt Nam chúng ta sáng lập trong những ngày đầu truyền đạo trên đất Thái. Trải qua bao thế hệ truyền thừa, đến ngày hôm nay hệ phái ấy vẫn tiếp tục duy trì truyền thống của các Tổ Sư để lại dưới những ngôi chùa mà ngày nay người Thái vẫn quen gọi là Wat juan (Chùa Việt Nam). Gọi là Chùa Việt Nam nhưng thực ra đến nay tất cả đều do các sư Thái trụ trì và sinh hoạt theo truyền thống hệ phái Anamikaya.
Trong 7 ngôi chùa Việt tại Bangkok thì chỉ có duy nhất 2 chùa nhận tu sĩ Việt Nam vào ở, đó là chùa Khánh Vân và chùa Báo Ân. Tuy nhiên, để xin được vào ở 2 ngôi chùa này cũng không phải là đơn giản mà phải có người quen biết giới thiệu và bảo lãnh. Nếu vào ở những ngôi chùa này, chúng ta sẽ dễ dàng thích nghi với những sinh hoạt hằng ngày, và có thể hành trì các thời khoá tụng. Vì tất cả các thời khoá đều tụng kinh bằng tiếng Việt. Hơn nữa chúng ta sẽ có cơ hội để biết thêm những nét văn hoá truyền thống của Phật giáo Việt Nam đã và đang hoà quyện trong đời sống tâm linh của người Thái dưới hình thức hệ phái Phật giáo Anamikaya.
7. NGÔN NGỮ: 
Nói đến việc du học thì không thể không đề cập đến vấn đề ngôn ngữ. Trước khi xác định cho mình hướng du học ngoài những kiến thức về những gì đã được học ở những cấp học trước, chúng ta phải cần quan tâm đến một số vấn đề ngôn ngữ. Vì đây là một trong những nhân tố rất quan trọng để mình có thể nắm bắt và theo kịp được chương trình học hay không. Theo cái thấy khách quan của người viết, phần lớn tăng ni sinh chúng ta gặp một số khó khăn chung trong quá trình học là vấn đề ngôn ngữ. Có những bài học rất ư là đơn giản, thế nhưng có những lúc ta không nghe được giáo sư đang nói gì, dẫn đến kết quả tất yếu là không hiểu được bài. Về đến nhà vội vàng tra cứu từ điển mới nhận ra tất cả những nội dung ấy mình đã hiểu rất rõ, chỉ khác nhau là vấn đề ngôn ngữ. Qua đây, người viết xin được chia sẽ một số ý kiến trong việc trang bị ngôn ngữ trước khi đến du học tại Thái Lan.
Để có thể theo học Chương trình cao học hệ Quốc tế ( International programme), người học cần trang bị cho mình một trình độ Anh văn tương đối tốt trong những kỹ năng nghe, nói, viết. Đối với một số vị giáo sư người Thái giảng bằng tiếng Anh phần lớn chúng ta đều có thể nghe được và ít gặp khó khăn gì. Nhưng khi học với các giáo sư có tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa, thì rất khó để chúng ta có thể hiểu hết nội dung bài giảng một cách trọn vẹn. Đây là khó khăn chung dường như phần lớn tăng ni sinh Việt Nam chúng ta gặp phải. Đến lớp không chỉ nghe giảng, mà mỗi môn học sinh viên đều phải có một buổi thuyết trình và sau đó viết assignment dưới một hình thức tổng hợp những gì mình được học để nộp lại cho giáo sư. Bài thuyết trình cộng với assignment sẽ chiếm 2/3 tổng số điểm của mỗi môn học trong 1 học kỳ. Với những hình thức thực hành như vậy nếu khả năng nghe, nói và viết tiếng Anh của chúng ta còn hạn chế thì trong quá trình học mình sẽ gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, để có thể theo học tốt ở những trường Phật học của Thái Lan, chúng ta cần trang bị cho mình một số kiến thức căn bản về Pali. Như chúng ta cũng biết, Phật giáo Thái Lan là đất nước Phật giáo có truyền thống Nam Truyền, kinh điển đều học trên ngôn ngữ Pali. Không chỉ thế, mà ngôn ngữ Thái Lan cũng có sự tương đồng, hay nói khác hơn là mượn từ của văn học Pali rất nhiều. Chính bởi sự ảnh hưởng sâu sắc như vậy nên ngoài môn học Pali căn bản trong hầu hết các môn học, tất cả những thuật ngữ Phật học đều sử dụng Pali. Nếu không được trang bị tốt về những thuật ngữ này chắc chắn người học sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể nắm bắt và hiểu rõ được nội dung của bài giảng. Do vậy, khi học tại Việt Nam nếu chúng ta chịu khó trao dồi cho mình những vốn từ vựng Anh văn thuật ngữ kèm theo những thuật ngữ Pali trong giáo trình Buddhism Through English Reading của Giáo sư Phương Lan giảng dạy trong những năm ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ Anh văn, Pali theo kinh nghiệm của người đang học, khi đến Thái Lan chúng ta nên tìm hiểu và có thể học qua một số câu nói giao tiếp bằng tiếng Thái. Thực tế trong sinh hoạt hằng ngày ở Thái Lan người Thái rất ít khi sử dụng bằng tiếng Anh. Nếu chúng ta biết được một số vốn từ về tiếng Thái thì sẽ gặp rất nhiều thuận lợi trong vấn đề giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày. Thực ra để có thể nói được tiếng Thái cũng không quá khó đối với người Việt Nam chúng ta, chỉ cần mình biết được một số từ ngữ thông thường và chú ý ghép từ dần dần sẽ có thể nói được. Chúng ta có thể đến một số nhà sách lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm mua cuốn sách Đàm thoại Việt – Thái giá khoảng 20.000 đồng, nếu mua ở Thái thì giá rất mắc 250.000 Bath = 100.000 đồng VN. Với cuốn sổ tay đàm thoại ấy sẽ rất hữu ích và dễ dàng cho những người mới bắt đầu học nói tiếng Thái. Sau này, nếu chúng ta có nhu cầu học thêm để có thể đọc viết bằng tiếng Thái thì có thể liên hệ và nhờ các sư Thái hướng dẫn.
8. PHƯƠNG TIỆN VÀ DỤNG CỤ HỌC TẬP: 
Đến du học Thái Lan chúng ta sẽ nhận thấy phương tiện giảng dạy nơi đây khá hiện đại. Để có thể dễ dàng thích nghi với cách học thông qua các buổi thuyết trình, hội thảo hàng tháng, tốt nhất mỗi sinh viên nên trang bị riêng cho mình một máy vi tính cũng như một số kinh nghiêm căn bản về vi tính và Internet. Với chiếc vi tính này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong suốt quá trình học. Vì học ở đây sinh viên phải viết bài rất nhiều, bên cạnh đó chúng ta còn phải thuyết trình, tham khảo tài liệu, nhận những thông tin cần thiết thông qua mạng Internet.
Đến Thái Lan, người học nên mang theo một số tài liệu cần thiết bằng Anh ngữ, nhất là những tài liệu liên quan đến tư tưởng Phật giáo Nam Truyền. Những cuốn sách như vậy sẽ rất cần thiết để chúng ta có cơ sở tham khảo và trích dẫn trong những bài assignment. Bởi lẽ ở Thái Lan sách Phật giáo bằng tiếng Anh rất ít, và nếu có những sách liên quan đến môn học mà mình cần thì giá sách lại rất mắc. Chúng ta cũng cần biết, ở Thái Lan sách cũng như một số dụng cụ học tập mắc hơn Việt nam rất nhiều, có thể nói mắc gấp 2, thậm chí có những cuốn sách mắc gấp 3 lần so với Việt Nam. Ngoài một số từ điển Anh – Việt, Việt – Anh người học nên tìm trước và mang theo từ điển Pali - Anh. Vì trong các môn học chúng ta phải tra cứu một lượng thuật ngữ Phật học Pali rất nhiều.
9. MÔI TRƯỜNG SINH HOẠT:
Xưa nay vốn quen với đời sống trong môi trường Phật giáo Bắc Truyền nên những ngày đầu có thể chúng ta sẽ gặp đôi chút bỡ ngỡ về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta đều biết Thái Lan là một đất nước có truyền thống Phật giáo Nam Truyền, Phật giáo là quốc giáo nên người dân đều là tín đồ Phật giáo. Họ rất kính trọng đời sống của người xuất gia. Hình ảnh tu sĩ là biểu tượng thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Thái. Đặc biệt người Thái họ rất kính trọng và dành cho người xuất gia những sự quan tâm rất đặc biệt. Chính bởi yếu tố mang đậm sắc thái riêng của truyền thống Phật giáo Nam Truyền, nên hình ảnh của những chiếc áo nâu có thể sẽ còn hơi mới lạ đối với họ, và đâu đó có thể là đề tài, là vấn đề mà họ đang muốn tìm hiểu.
Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày vấn đề ăn uống cũng có phần hơi khác với chúng ta. Ở Thái, các sư vẫn gìn giữ truyền thống đi khất thực vào mỗi sáng sớm, chỉ ăn ngày 2 bữa sáng và trưa. Phật giáo Thái Lan không có truyền thống ăn chay, nên tu sĩ Việt Nam khi sang đây chúng ta đều phải tự túc đi chợ nấu ăn hàng ngày. Rau quả, gia vị để chế biến thức an chay ở Thái Lan rất nhiều, dường như không thiếu món gì và cũng rất dễ mua. Tuy nhiên là tu sĩ dầu ở hình thức nào đi nữa chúng ta chỉ nên đi chợ và mua những thức ăn cần thiết trong ngày vào buổi sáng hoặc trước giờ ngọ. Nếu ở những ngôi chùa Việt chúng ta cũng phải làm như vậy. Bởi một trong những điều rất tế nhị khi sống ở Thái Lan chúng ta cần lưu ý đó là việc ăn vào buổi chiều. Mình nên cẩn trọng và tế nhị, tránh để Phật tử nhìn thấy. Đối với người dân Thái, hình ảnh tu sĩ ăn vào buổi chiều là cái gì đó không được tốt đẹp và tất nhiên sẽ tạo cho họ những cái nhìn không mấy thiện cảm.
10. NHỮNG VẬT DỤNG CẦN THIẾT:
Do vị trí địa lý Việt Nam và Thái Lan có những nét tương đồng và lại có cùng một múi giờ như nhau, nên nhìn chung thời tiết, khí hậu của Việt Nam và Thái Lan cũng không khác nhau nhiều lắm. Riêng tại Bangkok do là một trung tâm của đất nước, ảnh hưởng của lượng xe cộ đông đúc, nên bình thường nhiệt độ có nóng hơn TP.HCM một chút. Nhất là vào khoảng tháng 3 cho đến tháng 5 Dương lịch, đây là thời điểm nóng nhất của Thái Lan. Do vậy, đối với những loại áo quần ấm, chăn mềm thì không cần thiết mang theo. Chúng ta chỉ cần mang theo những vật dụng cá nhân thật sự cần thiết, không nên mang theo những loại vật dụng cồng kềnh có trọng lượng nặng. Vì thực ra ở Thái Lan không thiếu món gì cả, khi sang đây chúng ta đều có thể dễ dàng mua sắm. Vả lại, ngày nay con đường du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan rất phát triển, thông tin liên lạc qua lại cũng dễ dàng, trong thời gian sống ở Thái Lan nếu có gì cần thiết và phát sinh chúng ta có thể dễ dàng nhờ chuyển dùm thông qua con đường du lịch này.
Có một điều chúng ta cần biết, ngoài một số áo quần mặc hàng ngày theo truyền thống Bắc Tông màu lam, nâu chúng ta nên mang theo một vài bộ màu vàng. Nhưng phải chọn màu vàng sẫm đậm, không nên chọn những màu vàng tươi như ở Việt nam chúng ta thường mặc. Ngay cả y hậu cũng vậy, chúng ta nên mang theo những bộ có màu vàng sẫm, không quá sặc sỡ. Vì với những sắc phục như chúng ta có thể sử dụng cho hoà đồng và có thể dễ dàng thích nghi với cách sinh hoạt của các sư hệ phái Anamikaya.
Trên đây chỉ là một số thông tin cần thiết mang tính tham khảo. Qua đó, những ai quan tâm đến vấn đề du học Thái Lan có được những thông tin cần thiết trước khi quyết định đặt chân đến Đất nước này mà không còn mang nặng tâm trạng lo lắng, bỡ ngỡ. Như vậy, người học sẽ có thể trang bị cho mình tốt hơn những gì cần thiết trên mọi phương diện kiến thức cũng như những nhân tố quan trọng trong việc du học sau này trên đất Thái.
Bài: Thích Nhuận Ân - buddhismtoday.com/viet