6/11/15

TNGT cao nhất thế giới, Thái Lan học hỏi kinh nghiệm Việt Nam


(baogiaothong.vn)- Số người chết vì TNGT đường bộ, đường cao tốc tại Thái Lan đứng ở vị trí thứ hai toàn cầu. Vì đâu tình trạng TNGT Thái Lan lại diễn biến tồi tệ như vậy?

Ý thức tuân thủ Luật Giao thông tại Thái Lan khá kém dẫn tới tình trạng TNGT không thể kiểm soát.


Luật thiếu, thực thi luật yếu
Theo kết quả báo cáo về thực trạng TNGT toàn cầu vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 19/10 cho thấy: Tỷ lệ người thiệt mạng vì TNGT tại Thái Lancao thứ hai thế giới 36,2/ 100 nghìn người (tương đương 24.237 người thiệt mạng), theo Bangkok Post. Con số này chỉ đứng sau tỷ lệ thiệt mạng vì TNGT tại Libya (nơi đang bị tàn phá vì chiến tranh) 73,4 người thiệt mạng/100 nghìn dân.
Trong nhận xét chung, WHO cho biết: Thái Lan thiếu các tiêu chuẩn an toàn quan trọng và việc thực thi pháp luật lỏng lẻo là hai nguyên nhân khiến tỷ lệ người thiệt mạng vì TNGT cao. Cụ thể: Thiếu luật đảm bảo ATGT cho trẻ em, thiếu kiểm nghiệm chất lượng các dự án xây dựng đường mới, thiếu quy định về thanh tra cơ sở hạ tầng đường bộ, thiếu chính sách tách biệt làn đường dành cho người đi mô tô, xe đạp và người đi bộ.
Bên cạnh đó, WHO đánh giá, tình hình thực thi pháp luật vô cùng yếu kém, CSGT tại Thái Lan chỉ nhận 3/10 điểm trong việc thực thi luật hạn chế tốc độ; 6/10 điểm trong việc thực thi luật đội MBH cho người điều khiển xe máy, luật cấm lái xe khi trong người có nồng độ cồn cao. Riêng về vấn đề tốc độ, WHO khuyến cáo, tốc độ tối đa tại khu vực thành thị không nên quá 50 km/h (47 nước trên thế giới với tổng số 950 triệu dân áp dụng đề xuất này); nhưng Thái Lan, tốc độ tối đa tại thành thị là 80 km/h. Tốc độ hạn chế tại nông thôn và đường cao tốc thậm chí còn cao hơn ở mức tương ứng, 90 km/h và 120 km/h.
Thống kê cho thấy, chỉ có 52% người điều khiển và 20% người ngồi sau mô tô đội MBH; người điều khiển mô tô chiếm 70% tổng số người thiệt mạng. Trong khi con số này tại VN rất ấn tượng: Tỷ lệ người điều khiển mô tô, xe gắn máy đội MBH tại Việt Nam là 96%; tỷ lệ người ngồi sau đội mũ bảo hiểm là 83%.
Ông Etienne Krug, Giám đốc Cơ quan Phòng tránh thương vong của WHO cho biết: “Các nhà lập pháp cần phải suy xét lại các chính sách giao thông. Thiếu chính sách bảo vệ người tham gia giao thông chính là giết hại người dân và đất nước mình”.
Học hỏi Việt Nam
Không hẳn Thái Lan không ý thức được tình hình TNGT nghiêm trọng. Những năm trước, Chính phủ từng áp dụng rất nhiều chiến dịch nhằm kéo giảm số người thiệt mạng vì tai nạn đường bộ. Tuy nhiên, kết quả Thái Lan từ vị trí thứ ba từ dưới lên tụt xuống áp chót.
Mới đây, sau vụ Juan Francisco Guillermo, một người đi xe đạp quốc tịch Chile đang thực hiện hành trình vòng quanh thế giới, buộc phải “dừng chân mãi mãi” tại Thái Lan vì TNGT, Bộ Y tế nước này mô tả TNGT là “kẻ giết người nguy hiểm” và tuyên bố trở thành Bộ đi đầu trong vai trò thúc đẩy ATGT, yêu cầu các quan chức tiên phong trong bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường bộ qua việc không vượt quá tốc độ và không lái xe sau khi uống bia, rượu.
Cuối năm ngoái, học hỏi kinh nghiệm đã thành công tại VN, Thái Lan cho phép CSGT được phép dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện đột xuất. Nếu không hợp tác trong quá trình kiểm tra sẽ bị cho là đã sử dụng rượu, bia và phạt theo quy định (khoảng một năm tù và phạt hành chính 10 – 20 nghìn baht). Nếu cản trở việc kiểm tra, người điều khiển phương tiện sẽ bị bắt giữ.
Dù vậy, theo ông Atiya Achakulwisut, biên tập viên của Bangkok Post: Vấn đề TNGT tăng cao không chỉ do lái xe cẩu thả mà do người dân thiếu trách nhiệm chung với cộng đồng. “Ngày nào tôi cũng chứng kiến cảnh người tham gia giao thông điều khiển xe vô trách nhiệm, cả người lái xe và người đi bộ đều thiếu tôn trọng Luật Giao thông. Thói quen điều khiển phương tiện vô tội vạ trở thành bình thường và diễn ra trên mọi con đường nên tôi nghĩ khó có giải pháp nào của Chính phủ khả thi nếu ý thức người dân không được cải thiện”, ông Achakulwisut nói.
Tháng 6 vừa qua, Đoàn công tác của Thái Lan đã sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm kéo giảm TNGT. Tiến sỹ Bundit Sompaisan, Giám đốc Y tế và kiểm soát rủi ro, Tổ chức chăm sóc sức khỏe Thái Lan cho biết: Tại nước này, hơn 70% số người thiệt mạng vì TNGT là người đi xe máy, tỷ lệ trẻ em thiệt mạng chiếm tới 10% và 8% là người trẻ tuổi. Ông Sompaisan cũng cho biết, con số 9 nghìn người thiệt mạng vì TNGT năm 2014 mà Việt Nam hạn chế được rất ấn tượng với Thái Lan và cả thế giới.