(NDĐT)- Ngày
15-10, Phó Thủ tướng Thái-lan Somkid Jatusripitak đã công bố chiến lược đổi mới
mạnh mẽ nền kinh tế Thái-lan theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, tăng sức
cạnh tranh của nền kinh tế và giảm bất
cân bằng về thu nhập trong xã hội.
Phát
biểu tại diễn đàn mang tên “Tái xây dựng nền kinh tế Thái-lan: Gặp gỡ nhóm Kinh
tế” do tờ Bưu điện Bangkok tổ chức, ông
Somkid cho biết trong tương lai, Chính phủ Thái-lan sẽ hạn chế các biện pháp
kích thích kinh tế. Trong thời gian qua, các biện pháp này được đưa ra để hỗ
trợ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh
tế Thái-lan hiện đã ổn định và đến lúc cần có sự đổi mới mạnh mẽ.
Phó
Thủ tướng Thái-lan Somkid Jatusripitak phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Bưu điện
Bangkok).
Theo
ông Somkid, quá trình đổi mới nền kinh tế sẽ hướng tới sự dịch chuyển từ mô
hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu, đã được áp dụng trong suốt ba thập kỷ qua, sang
một mô hình mới toàn diện hơn, với sự tham dự mạnh mẽ của toàn dân. Ông nói:
“Hiện nay, 30 triệu dân nghèo Thái-lan chỉ chiếm chưa đầy 10% GDP. Làm sao
Thái-lan có thể phát triển được nếu chúng ta không nâng cao thu nhập của họ,
nếu họ không có khả năng mua hàng”. Chính phủ Thái-lan sẽ thuyết phục các nhóm
dân sự và các tổ chức địa phương tham gia phát triển nền kinh tế mỗi địa
phương. Đồng thời, chính phủ cũng sẽ gia tăng sự hợp tác với khu vực tư nhân.
Để giảm
phụ thuộc vào xuất khẩu, ông Somkid cho rằng, Thái-lan cần đẩy mạnh cải cách và
cải thiện năng suất lao động. Các doanh nghiệp phải giảm lượng hàng hóa giá trị
thấp để chuyển sang sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao, sáng tạo hơn.
Chính phủ Thái-lan sẽ ép các doanh nghiệp cải cách bằng cách ngừng hỗ trợ các
công ty không chịu đổi mới. Đồng thời, các ngành dịch vụ công như giáo dục hay
dịch vụ công cộng cũng sẽ chuyển từ một hệ thống kiểm soát tập trung sang một
hệ thống được điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của cộng đồng.
Ông
Somkid tiết lộ, Thái-lan có thể sẽ nộp đơn xin gia nhập Hiệp định TPP bởi nó sẽ
giúp tăng kim ngạch thương mại và đầu tư nước ngoài. Cho tới nay, Thái-lan vẫn
còn cơ hội bởi có thể sẽ phải mất tới cả năm nữa để toàn bộ 12 quốc gia thành
viên TPP phê chuẩn hiệp định. Thái-lan sẽ nhanh chóng tiến hành khảo sát toàn
diện các ưu, khuyết điểm của bản hiệp định này. Hiện mới chỉ có ba nước Đông -
Nam Á là Singapore, Malaysia và Việt Nam là thành viên của TPP.
Chính
phủ Thái-lan cũng có kế hoạch tăng cường kết nối với các nước láng giềng trong
bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay. Theo đó, Thái-lan
sẽ biến các tuyến liên kết đông-tây và bắc-nam trở thành các hành lang kinh tế,
từ đó giúp nước này trở thành trung tâm trung chuyển của cả khối ASEAN.
Cũng
tại diễn đàn, bộ trưởng các bộ thuộc nhóm kinh tế trong Chính phủ Thái-lan cũng
đã công bố những kế hoạch cụ thể nhằm hưởng ứng thông điệp của ông Somkid về
việc cải cách nền kinh tế. Thí dụ như kế hoạch cải cách hệ thống thuế nhằm tăng
sự thuận tiện cho các nhà đầu tư và kế hoạch phát triển một hệ thống chi trả
điện tử của Bộ Tài chính; hay kế hoạch xây dựng các hệ thống đường sắt, tàu
điện mới để tăng cường sự kết nối trong khu vực của Bộ Giao thông.
NAM ĐÔNG
Phóng
viên báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan