(SiamViet)- Chiều tối nay 16/9, tôi
vừa đi góp mặt ngày khai chợ của một chợ nhỏ gần nhà. Chợ đúng nghĩa, cũng đủ các
mặt hàng ăn uống, quần áo..., bình dân thôi. Các sạp hàng, quầy hàng bán và thu
tiền theo giá niêm yết, tiền trao cháo múc tại chỗ. Chợ nhỏ vì diện tích chỉ
khoảng hơn 1.000m2, nhà khung cao, mái tôn, có chỗ để xe ô tô vừa đủ với lượng
khách không đông lắm.
Hệ thống điện gọn gàng, mỗi hộ có công tơ phụ riêng. Các
sạp hàng được đặt theo các rãnh thoát nước, có các đường ống nước sạch dọc theo
các rãnh đó. Tôi nghĩ, đây là điều nhiều chợ ở Việt Nam có thể làm theo.
Ngày khai chợ, chủ chợ có thuê một đội múa lân, rồng tới làm kiểu hoạt náo
viên, cũng như chúc cho các quầy hàng, sạp hàng làm ăn phát đạt, tiền thu về
nhiều nhiều. Hình thức tâm linh này cũng giống nhiều nơi ở Việt Nam, Trung Quốc.
Người dân các khu dân cư gần chợ thì mách nhau ngày giờ khai trương chợ mới
và nhắc nhau ai có điều kiện thì đến góp mặt, xem có gì hay, hoặc tới mua giúp
người ta (tiếng Thái nói là «xuôi sử»). Tôi khoái cụm từ «xuôi sử» vì nó đầy tính
nhân văn. Người dưng nước lã còn mua giúp cho nhau nhân ngày khai chợ, huống
chi người thân, người quen.
Chỉ có một điều rủi là lúc chiều mưa nhẹ, rồi tăng dần đến nặng hạt vào lúc
múa lân, rồng. Do diện tích cho thuê chưa kín và gặp phải ngày mưa nữa nên số
người đến chợ chưa đông.
Nhân đây, tôi cũng muốn kể thêm. Ở Thái Lan, các chợ truyền thống không chỉ
hoạt động độc lập, mà còn «đóng đô» ngay cạnh siêu thị, cạnh tranh bình đẳng các
mặt hàng bình dân. Bên cạnh loại chợ hoạt động cả ngày, còn có chợ phiên (chỉ mở
cuối tuần, chẳng hạn như chợ trời Chatuchac nổi tiếng thế giới), chợ vỉa hè (chỉ
mở vài tiếng buổi sáng…).
MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA
CẢNH CHỢ
Khung cảnh giữa chợ
Sạp bán Pizza
CẢNH MÚA LÂN, RỒNG TRONG CHỢ
Trống, phèng, la in ỏi đầu tiên
Bắt đầu diễn
1 con lân ăn quả lộc
Đôi lân tung mình,
đứng trên vai người hỗ trợ
Tiết mục xiếc chồng
người. Em bé khoảng 3-4 tuổi ngồi cao nhất
Một cảnh múa rồng
Bài và ảnh: An
Bường
16/9/2015