27/11/14

Sự kiện Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha thăm chính thức Việt Nam và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan





(SiamViet)- Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-28/11/2014 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đây là chuyến thăm đầu tiên theo thông lệ ASEAN của tân Thủ tướng Thái Lan tới Việt Nam.

Quan hệ giữa 2 quốc gia đã được nâng lên mức “đối tác chiến lược”.
Kể từ năm 1976 khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được chính thức thiết lập,  Việt Nam và Thái Lan từng bước hiểu nhau hơn và hợp tác đa dạng hơn. 
Trước đây, trong nhiều năm, với nhiều người Việt Nam, được đi học dài hạn hoặc dự các lớp tập huấn ngắn hạn ở Thái Lan đã là hài lòng rồi. Người ta tự hỏi “Sài Gòn hoa lệ”, Sài Gòn – hòn ngọc viễn đâu” đâu rồi, sao mờ nhạt quá vậy so với Bangkok mới chỉ vươn vai lớn bổng trong ít năm? Lúc đó, Thái Lan nói chung và Bangkok nói riêng đã là sự chênh lệch ở tầm cao hơn trong nhiều lĩnh vực so với Việt Nam.
Nhà nước Thái Lan, sau nhiều năm e dè, do vấn đề lịch sử, đã thực sự có nhiều chính sách cởi mở hơn với Việt Nam, đặc biệt với Việt kiều ở Thái Lan. Người Thái gốc Việt, đã thực sự là công dân Thái. Điều này được khẳng định từ cuộc sống thực tiễn của bà con Việt kiều.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Thái Lan, được thiết lập từ tháng 6/2013 với 5 trụ cột chính, bao gồm: quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế.
Theo góc độ cá nhân người viết bài này, có một số điểm mới và nổi bật, xét trên quan hệ đối tác chiến lược:
Tăng cường các đoàn thăm viếng, trao đổi kinh nghiệm ở tầm quốc gia, cũng như địa phương. Thực tế, nội dung hợp tác này diễn ra liên tục. Đặc biệt ở lĩnh vực an ninh, quốc phòng, sự hợp tác hai chiều tăng vọt trong mấy năm gần đây. Các lĩnh vực chuyên môn như phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người... cũng đã được hai bên quan tâm và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm.
Gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020. Chỉ tiêu này đã thực hiện, tính đến tháng 9/2014 đạt 7,6 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013).
Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí. Tính đến tháng 10/2014, Thái Lan có 365 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 6,63 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó phía Việt Nam đầu tư vào Thái Lan còn quá khiêm tốn, mới có 8 dự án, trị giá khoảng 9 triệu USD. Hợp tác giữa các địa phương (cấp tỉnh) của hai nước đang diễn ra các bước đi thuận lợi: Hà Tĩnh với Nakhon Phanom, Quảng Nam với Ubon Ratchathani…
Thỏa thuận hợp tác về lao động, người Việt Nam sẽ được sang làm việc ở Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Có hai Đề án thành lập: Trung tâm Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam tại Thái Lan và Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan trong các trường đại học tại Việt Nam.

Hiểu người Thái và nước Thái như thế nào?
Một số người Việt vẫn đang chưa hiểu, thậm chí chưa thích nước Thái, nên đã đặt ra các câu hỏi:
Biểu tình dài ngày, gây tổn thất trên nhiều lĩnh vực, đó có phải là dân chủ thực sự?
Một đất nước thanh bình, trong thời gian dài không có chiến tranh, người Thái hiền lành, sao liên tục có đảo chính?
Đất nước Thái Lan có quốc đạo là đạo Phật, sao vẫn là điểm đến hấp dẫn của du lịch sex?
Tại sao trong kinh doanh người Thái nhạy bén hơn người Việt? Tại sao hàng Thái ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam sâu hơn, rộng hơn?

Ảnh: TL

Tuy mức sống của dân Thái chưa cao, xã hội Thái Lan vẫn còn bất ổn, còn tiêu cực này nọ, nhưng vẫn có các ý kiến so sánh cho rằng, chỉ cần Việt Nam đuổi kịp Thái Lan thôi cũng phải mất một thời gian dài nhiều chục năm?
Và còn các câu hỏi thú vị khác nữa.


Thủ tướng Pray-út Chan Ô-cha sinh ngày 21-3-1954. Năm 1976 ông là cử nhân Học viện Quân sự Hoàng gia Chu-la-chôm-clao; năm 2007 học tại Học viện Quốc phòng. Giai đoạn 1990-1998 ông là Chỉ huy trưởng Trung đoàn Bộ binh 2, đội bảo vệ Hoàng hậu. Từ năm 1998 đến 2003, ông giữ cương vị Tư lệnh, Sư đoàn Bộ binh 2, đội bảo vệ Hoàng hậu. Giai đoạn 2003-2006 ông là Tư lệnh Quân khu 1, sau đó là Tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Thái-lan giai đoạn 2006-2008. Những năm 2009-2010, ông đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh lục quân. Từ năm 2010 đến tháng 9-2014, ông là Tư lệnh lục quân. Tháng 5-2014, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng gìn giữ Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO). Từ tháng 8-2014 đến nay, ông giữ cương vị Thủ tướng thứ 29 của Thái-lan và Chủ tịch NCPO.
Ông giữ cấp bậc Đại tướng và đã được nhận: Huân chương hạng đặc biệt Hiệp sĩ Bội tinh của Hoàng gia (năm 2010); Huân chương của lực lượng vũ trang Ma-lai-xi-a (năm 2008), Xin-ga-po (năm 2009), In-đô-nê-xi-a (năm 2012), Hoa Kỳ (năm 2013).
Nguồn: nhandan.org.vn

An Bường 
27/11/2014