11/4/14

Ký sự Tết té nước Thái Lan 2014. Kỳ 1: Sattahip – Chặng xuất phát

(SiamViet)- Tôi trở lại Bangkok (BKK) bằng chuyến bay từ Nội Bài 4 giờ chiều thứ bảy (5/4), đúng hôm “Áo đỏ” tổ chức đại biểu tình. Từ sân bay Suvarnabhumi về đến nhà mà bò nhích gần 2 tiếng rưỡi trên đoạn đường 12km. Cú dịch chuyển trên đường lâu tới mức này, lần đầu tiên
tôi “được hưởng”, có lẽ cũng bị ảnh hưởng một phần của cuộc biểu tình chỉ cách trung tâm BKK khoảng 20km.
Kẹt xe tối 5/4, khu vực cách sân bay Suvarnabhumi khoảng 7-8km.

Theo chương trình chơi Tết Songkran năm nay, cả đại gia đình chúng tôi sẽ khởi hành từ sáng chủ nhật hôm sau (6/4). Nói là đại gia đình, nhưng đến thời điểm chung cuộc của Tết (13-15/4) có lẽ chỉ có con số già nửa mà thôi, số còn lại vì nhiều lý do khác nhau không đi được. Điểm xuất phát là Sattahip (đi qua Pattaya khoảng 40km, đều thuộc tỉnh Chon Buri), bởi vậy nhóm tôi ở BKK phải dậy lúc 4 giờ sáng và lái xe đi luôn để kịp cùng ăn sáng với mọi người ở đó.
9 giờ, 2 xe 7 chỗ khởi hành, đích đến thứ nhất là thành phố Khon Kaen (đọc là Khỏn Kèn, thuộc tỉnh Khon Kaen, cách Sattahip khoảng 600km).
Ở Sattahip có một của hàng tại gia ở khu vực Na Chom Thian, bán đặc hải sản (đồ khô, mắm, nước mắm) các loại, rất nổi tiếng. Đoàn quyết định tới đó, mua một ít làm quà. Tôi thực sự thấy nể phục vì các mặt hàng ở đây rất đa dạng, có hàng trăm mẫu mã. Ví dụ, riêng món mực khô tôi thấy có đến gần chục dạng chế biến, đóng gói khác nhau.
Đặc hải sản khô.

Tiện đường, chúng tôi ghé thăm nhà bạn của cháu trai con bà chị, một địa chỉ vẫn còn trong nội đô Sattahip. Tôi đến lần này là lần thứ 3 mà cảm thấy như mới lạ. Chủ nhà có mảnh vườn phía bên kia đường hẻm, nhỏ thôi nhưng ken dày các loại cây cảnh. Mỗi lần tôi đến lại thấy có thêm mấy loại cây cảnh mới. Cậu em tôi, khuân 3 chùm cây kiểu giò treo mang về cho ngôi nhà biệt thự của mình ở Khon Kaen.
Một kiểu trang trí cây cảnh thật đẹp.

Thác nước trong vườn.

Ra khỏi Sattahip, thời tiết lúc này nắng vừa phải, gió nhẹ. Đường cao tốc 2 chiều, 6 làn, xe vi vu chạy.
Dừng nghỉ ở thị trấn Ban Bueng (đọc là Ban Bừng, vẫn thuộc tỉnh Chon Buri, ghé một quán xài món “quẩy tiểu Kiếu Pà” không nước (tiếng Thái là เกื้ยวปลา). Quán này nhỏ xíu, thực khách ngồi vỉa hè mà ăn dưới cái nắng bắt đầu đổ lửa. Đây là món ăn bình dân, giá 35-45 baht/tô. Thời gian này, trẻ em Thái đang nghỉ hè. Cậu bé con chủ quán, khoảng 7-8 tuổi, rất xăng xái bưng bê, nhưng rụt rè tính tiền và bẽn lẽn nói chuyện với mọi người trong đoàn.

Dãy bàn ăn trên vỉa vè chật hẹp, không khác gì ở Việt Nam.

Hướng dẫn viên tới quán này là gia đình của em vợ cậu em tôi.

Một tô Kiếu Pà.

Phút giải lao của “nhân viên phục vụ nhí”.

Xếp lại đồ trên xe vì sợ hư cây cảnh. Ở Ban Bueng.

Gần đến Nakhon Ratchasima, xe rẽ vào một cây xăng. Cây xăng mà đẹp như một góc công viên.

Một góc trạm bán xăng.


Mới chạy tiếp được hơn 1-2 tiếng xe đã lại “ghé ăn xăng”. Tôi ngạc nhiên quá, rồi nhìn kỹ, té ra là xe tôi đang ngồi, chỉ “ăn gas LPG”. Liên hệ tới Việt Nam, chỉ biết hệ thống xe buýt nội đô ở TP HCM có chạy thí điểm loại xe ăn nhiên liệu này (ở Việt Nam gọi là khí thiên nhiên nén, viết tắt là CNG). Trên phạm vị toàn quốc, Việt Nam không biết đến bao giờ mới xây dựng được hệ thống nạp khí này cho ô tô.
Một cây xăng có bán gas LPG.

Bài và ảnh: An Bường

Đón xem: 
Kỳ 2: Khon Kaen – một trung tâm của vùng đông nam Thái Lan