11/4/14

“Bẫy” tội phạm truy nã bằng “miếng mồi” tuyển dụng

(ANTĐ) - Thông qua các mẩu quảng cáo tuyển dụng lao động trên trang mạng và báo in, chỉ trong hai tháng, 54 đối tượng truy nã bị sập bẫy của cảnh sát Thái Lan. Hầu hết trong số này phạm tội giết người hoặc hiếp dâm.

Chiến dịch đăng quảng cáo giả để giăng bẫy theo sáng kiến của Đại tá Uthane Nuipin – sỹ quan điều tra của Cảnh sát Bangkok từ năm 2010. Năm đó, trong một chiến dịch truy bắt hơn 100 đối tượng phạm pháp, Đại tá Uthane đã nảy ra bẫy “tuyển dụng” thông qua các trang việc làm trực tuyến và báo in. Kết quả đáng kinh ngạc, có tới 14 đối tượng “sập bẫy” chỉ trong 1 ngày.
Theo Đại tá Uthane giải thích: Thông thường đối với các đối tượng đang bị truy nã, cảnh sát sẽ phải điều tra xem họ còn sống hay đã chết, có đang bị bắt vì các tội khác không, gia đình họ sống và làm việc ở đâu, họ có liên lạc qua điện thoại hay không? Tất cả đều có trong hệ thống và không khó để theo dõi các đối tượng, đặc biệt là khi đã xác định được nơi trú ẩn của đối tượng. Nhưng cũng có một số đối tượng không có dữ liệu trong hệ thống. Đại tá Uthane khẳng định: “Đối với đối tượng này, tiền là một điểm yếu. Những người này rất cần tiền để sống và ở đâu có quảng cáo cần người thì gần như họ sẽ tìm đến”.
Gần đây, Cảnh sát trưởng Bangkok - Trung tướng Kamronwit Thoopkrachang quyết định tiếp tục áp dụng phương pháp truy bắt tội phạm rất hiệu quả nói trên. Kết quả, trong hai tháng (tháng 2 và tháng 3-2014), đã có 54 đối tượng liên hệ để xin việc thông qua quảng cáo tuyển dụng. Hầu hết trong số này phạm tội giết người hoặc hiếp dâm. Họ không biết đang rơi vào cái bẫy của cảnh sát.
Thường cảnh sát sẽ mất 10 ngày hoặc nhiều hơn, để sắp xếp một cuộc hẹn phỏng vấn xin việc với đối tượng đang bị dụ. Các kinh phí điều tra, xác minh, đăng tuyển, phỏng vấn… do Quỹ điều tra hình sự chi trả. Ngân sách cụ thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ án và hình phạt liên quan nhưng không quá 20.000 baht/vụ (khoảng 616 USD).

Quỳnh My (Theo Bangkok Post) - anninhthudo.vn