18/1/14

Chìa khóa nào cho khủng hoảng Thái Lan?

(Cadn.com.vn) - Giới phân tích nhận định, việc bắt giữ thủ lĩnh biểu tình Suthep có thể là chìa khóa để mở cánh cửa khủng hoảng chính trị của Thái Lan.

Ngày 16-1, chính phủ tạm quyền Thái Lan yêu cầu cảnh sát bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình đối lập, vốn đe dọa bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và đang làm tê liệt nhiều khu vực ở trung tâm thủ đô Bangkok.
Thủ lĩnh Suthep vẫn tiếp tục huy động tài chính từ những người biểu tình chống chính phủ trong ngày thứ 4 liên tiếp. Ảnh: Reuters
“ĐÓNG CỬA SUTHEP”
Sau cuộc họp với Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, Phó Thủ tướng tạm quyền Surapong Tovichakchaikul tuyên bố: “Nhiệm vụ của cảnh sát là bắt giữ thủ lĩnh biểu tình Suthep do ông này đang bị truy nã vì tội nổi dậy, nếu cảnh sát không làm điều đó, họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc không thực hiện chức trách theo luật định”.
Động thái này xảy ra trong bối cảnh chiến dịch tự xưng là “đóng cửa Bangkok” dường như đang mất dần động lực với số lượng khiêm tốn người biểu tình trên các đường phố. Mặc dù vậy, các thủ lĩnh của phong trào chống chính phủ vẫn đang tự do đi lại khắp thành phố, đưa ra các phát biểu “hung hăng” và huy động tài chính từ những người biểu tình, bất chấp các lệnh truy nã do có liên quan tới tình trạng bất ổn khiến 8 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Theo AFP, cảnh sát Thái Lan hiện đang bao quanh khách sạn nơi nhà lãnh đạo biểu tình Suthep ở và chờ đợi thời điểm thích hợp để bắt ông này.  Giám đốc Trung tâm Quản trị Hòa bình và Trật tự (CAPO) Surapong Tovichakchaikul cho biết, ông Suthep được ít nhất 40 nhân viên bảo vệ và đi kèm đoàn 8 chiếc xe, đang tạm trú tại một khách sạn ở Ratchaprasong. Ông Surapong, hiện kiêm nhiệm chức Ngoại trưởng, cho biết, bộ phận công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao buộc phải đình chỉ việc cấp phát hộ chiếu do tắc nghẽn giao thông khi những người biểu tình phong tỏa đường Chaeng Wattana, nơi đặt trụ sở của cơ quan này.
DÂN CHỦ, CẢI CÁCH VÀ BẠO LỰC
Nhiều người tự hỏi, nếu cuộc chiến chính trị duy nhất của Thái Lan có thể được giải quyết bằng cách để ông Thaksin và Suthep trong một cái lồng sắt để hai người tự đấu với nhau, thì sẽ tốt hơn. Nhưng chính trị hiếm khi đơn giản như vậy. Mặc dù sự thật đơn giản là, ông Suthep cần phải bị bắt giữ, song cho đến nay, dù đã có lệnh của tòa, ông này vẫn nhởn nhơ dẫn dắt người biểu tình “đóng cửa Bangkok”.
Tuần hành và biểu tình là được phép ở Thái Lan, nhằm thể hiện quyền dân chủ. Sự thành công trong chính sách biểu tình chống lại việc chính phủ thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi vừa qua là ví dụ điển hình cho nền dân chủ của Thái Lan. Xem ra dân chủ như tình thế hiện nay là có một không hai trên thế giới. Nếu mục tiêu của người biểu tình chống chính phủ là “đóng cửa Bangkok”, bắt cóc mọi người làm con tin và khiến nền kinh tế nước nhà bị thiệt hại đáng kể, thì hơn ai hết, chính người biểu tình cần phải bị “đóng cửa”.
Người biểu tình muốn cải cách trước bầu cử? Xin thưa, cải cách không thể thực hiện qua đêm. Phải mất nhiều năm, với những nỗ lực rất lớn mới có thể đơm hoa kết trái. Ai sẽ điều hành đất nước trong khi chờ đợi cải cách? Ông Suthep đề xuất thành lập “Hội đồng nhân dân” và phải có một thủ tướng “Hoàng gia” nắm quyền, nhưng liệu người đó là ai, có đủ năng lực hay không.
Cải cách là tốt nhưng thật vô nghĩa nếu không đúng ý nghĩa thực tế của nó. Khi bà Yingluck hoặc ông Thaksin muốn cải cách, bên kia cho rằng, gia đình Shinawatra muốn thâu tóm quyền lực nhiều hơn. Khi ông Suthep nói về cải cách, người ta cho rằng, ông này muốn thoát khỏi bóng ma quyền lực của gia đình Shinawatra và chuyển toàn bộ quyền lực vào tay “đảng phái thân hữu” của mình. Đó là ý nghĩa của cải cách, và cả hai bên biết. Đó là lý do tại sao họ không ngồi lại với nhau tại một bàn để thảo luận về cải cách.
Giờ đây, “bài học” đòi cải cách là lo ngại xung đột bạo lực. Khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bước sang ngày thứ 4 liên tiếp, giới quan sát lo sợ về nguy cơ đụng độ khi những người ủng hộ chính phủ đang dự trữ vũ khí phòng trường hợp Thủ tướng Yingluck bị lật đổ. Phe ủng hộ chính phủ tỏ ra lo sợ khi ngày 16-1, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) tiến hành điều tra bà Yingluck, chứng kiến bước thụt lùi mới đối với chính quyền của nữ Thủ tướng sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn của phe đối lập.

Khả Anh - cadn.com.vn