7/12/13

Ở nơi cựu Thủ tướng Thaksin được coi là Thánh

Ở nơi đây, trong một ngôi làng mà điện vẫn còn là một điều mới mẻ, nguời dân sẽ nhanh chóng nói với bạn về người đã giúp họ đem đến những đổi thay tích cực cho khu vực từng bị bỏ quên ở đất nước Thái Lan này.

Cựu Thủ tướng Thaksin
Đường đến trái tim dân nghèo của ông Thaksin
Ông Thaksin Shinawatra là cựu Thủ tướng, một tỉ phú và là anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck. Trong nhiều năm nay, ông Thaksin đang phải đi sống lưu vong ở Dubai nhưng vẫn được coi là vị chính khách quyền lực nhất ở đất nước Thái Lan. Ông bị những đối thủ là các thành phần hoàng gia, trung lưu... ghét cay ghét đắng nhưng lại tập hợp được quanh mình một thành trì ủng hộ rộng lớn trong tầng lớp người dân nông thôn và dân nghèo. Đối với những người này, cựu Thủ tướng Thaksin được tôn là một vị Thánh.
"Cách đây 10 năm, con đường mà bạn lái xe qua để đến được đây rất là bẩn thỉu. Không có điện và không có hệ thống tưới tiêu", ông Pichai Poltaklang – một giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu và cũng là nhà tổ chức phong trào chính trị cho ông Thaksin ở địa phương còn được gọi là phong trào của người áo đỏ, cho biết. Ông này nói về những chính sách của thời ông Thaksin như chính sách y tế gần như miễn phí, những khoản vay trợ cấp giáo dục lãi suất thấp và lương hưu. “Trước khi ông Thaksin lên cầm quyền, chúng tôi bị đẩy ra ngoài rìa, bị bỏ quên”.
Khi Thái Lan đối mặt với sự phân chia chính trị và xã hội sâu sắc, người ta chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa thành phần người dân nghèo, người dân ở các vùng nông thôn với những lực lượng thế lực thuộc tầng lớp hoàng gia, trung lưu ở thành phố. Những cuộc đối đầu như vậy từng leo thang thành các cuộc biểu tình đẫm máu trên các đường phố ở thủ đô Bangkok và những nơi như Kambon – trung tâm thành trì quyền lực của ông Thaksin.
Có hàng chục ngàn những ngôi làng như Kambon ở trên khắp khu vực phía bắc và đông bắc Thái Lan cũng như hàng triệu triệu người làng sẵn sàng nghe lời kêu gọi của cựu Thủ tướng Thaksin nếu những cuộc biểu tình chống chính phủ trong thời gian vừa rồi leo thang thành bạo lực toàn diện và chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck gặp nguy.
"Khắp khu vực đông bắc, chúng tôi có thể chiếm mọi văn phòng chính phủ ở tất cả các thị trấn, tất cả các thành phố và tất cả các tỉnh”, bà Thongplean Boonphunga – một người nông dân trung tuổi cho biết. Tầng lớp trung lưu có thể chế giễu những người ủng hộ ông Thaksin là những con người vụng về, không được giáo dục nhưng bà Thongplean nhấn mạnh, người dân nông thôn có lợi về con số.
"Họ không thể kiểm soát toàn bộ đất nước nhưng chúng tôi có thể”, bà Thongplean khẳng định.
Kambon nằm ở đông bắc Thái Lan. Đây là một khu vực đông dân, rộng lớn với những vựa lúa, những nông trại nhỏ và từng bị bỏ quên rất lâu bởi các chính phủ ở Bangkok trước đó. Khi nền kinh tế Thái Lan bùng nổ, nước này trở thành một trong những trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á nhưng hàng triệu người nông dân Thái Lan vẫn phải sống cuộc sống chật vật ở những ngôi làng mà hầu như không thay đổi kể từ thời ông cha họ.
Tuy nhiên, sự thay đổi đã đến dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin. Ông này được sinh ra ở phía bắc. Với sức mạnh về kinh tế nhờ trở thành một ông trùm của làng truyền thông Thái Lan, ông Thaksin đã từng bước tiến vào chính trường. Năm 2001, ông Thaksin được bầu làm Thủ tướng.
Đối với những người nông thôn, vị chính khách Thaksin là một người thực sự thấu hiểu hoàn cảnh của họ và luôn tìm cách để cải thiện đời sống cho họ.
Ngược lại, những người chỉ trích lại cho rằng, cựu Thủ tướng Thaksin không quan tâm đến vấn đề nhân khẩu học ở Thái Lan mà chỉ tập trung vào những khu vực nghèo, đông dân bởi ông biết việc dành chi tiêu của chính phủ vào đây sẽ tạo ra ảnh hưởng tức thì và giúp ông lôi kéo sự ủng hộ của người dân.
Tất nhiên, với những chính sách dân tuý của mình, người dân ồ ạt đi theo ông Thaksin, ủng hộ ông một cách mạnh mẽ.
"Chính phủ của ông Thaksin đã cho tầng lớp nông dân những điều thực tế trong cuộc sống của họ và họ nhìn thấy những thay đổi thực sự”, ông David Streckfuss – môt học giả người Mỹ sống ở Thái Lan cho biết. “Người dân nông thôn và người dân nghèo cũng biết được sức mạnh của họ” trong việc tiếp tục bỏ phiếu bầu cho ông Thaksin, ông Streckfuss cho biết thêm.
Ông Thaksin đã nhanh chóng trở thành vị chính khách có ảnh hưởng và uy tín nhất đất nước Thái Lan. Điều này vẫn không thay đổi khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và phải đi sống lưu vong ở nước ngoài để trốn tránh án tù.
Chính trường Thái Lan lại chao đảo 
Cuộc đảo chính năm 2006 đã khiến mâu thuẫn và sự chia rẽ trong xã hội Thái Lan ngày càng sâu sắc. Sự kiện này cũng đã mở màn cho những cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp xảy ra ở đất nước Thái Lan trong vòng 8 năm qua. Những cuộc bầu cử xen kẽ với những cuộc bạo loạn được dàn dựng kỹ lưỡng lúc thì do phe áo đỏ ủng hộ Thaksin khởi xướng lúc thì do phe áo vàng chống cựu Thủ tướng gây ra.
Cuộc khủng hoảng mới nhất được châm ngòi trong tháng 11 mới đây, từ sự kiện nữ Thủ tướng Yingluck đưa trở lại dự luật ân xá gây tranh cãi. Phe đối lập cáo buộc đây là nỗ lực của bà Yingluck nhằm rửa sạch tội cho anh trai và đưa ông này trở về nước. Dù chính phủ đã rút lại dự luật ân xá nhưng phe đối lập vẫn chớp thời cơ tràn ra đường với mục tiêu được công khai là nhằm lật đổ chính quyền của bà Yingluck.
Mọi việc chỉ tạm lắng xuống trong mấy ngày hôm nay khi Thái Lan mừng lễ sinh nhật lần thứ 86 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej hôm 5/12. Nhân dịp sinh nhật, Quốc vương cũng đã lên tiếng kêu gọi sự ổn định nhưng không đưa ra lời bình luận trực tiếp gì về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Ở Kambon, giống như tất cả những nơi khác ở Thái Lan, mọi người đang chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra trong ngày hôm nay (6/12) khi ngày sinh nhật của Quốc vương qua đi. Vụ thu hoạch mùa thu đang diễn ra và trên cánh đống vẫn còn thơm mùi lúa vừa gặt. Không ai ở đây muốn các cuộc biểu tình bởi họ còn rất nhiều việc phải làm. Phe áo đỏ thường tiến hành biểu tình vào vụ mùa xuân khi người nông dân có nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, thủ lĩnh các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay – ông Suthep Thaugsuban đã thề sẽ khởi động lại chiến dịch của họ trong ngày hôm nay. Vì thế, những người ủng hộ ông Thaksin đang theo dõi chặt chẽ xem chuyện gì xảy ra ở thủ đô Bangkok.
Bà Noothuan Wongthong, một người nông dân 52 tuổi, đang tỏ ra rất lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu người biểu tình lật đổ được nữ Thủ tướng Yingluck. Cũng như những người hàng xóm khác, bà Noothuan có thể nhanh chóng liệt kê các chương trình làm lợi cho bà của chính phủ như trợ cấp giá gạo, những khoản vay lãi suất thấp, chương trình chăm sóc y tế liên tục miễn phí những lần thử máu cho bà kể từ khi bà thường xuyên cảm thấy mệt mỏi một cách bất thường.
Bà Noothuan có một chiếc xe máy Yamaha mới, một chiếc tivi 27 inch. Bà kiếm được nhiều tiền hơn nhờ vào việc bán gạo và được trả công nhiều hơn khi làm việc cho những người nông dân khác. Bà không muốn mất đi cuộc sống yên ổn hiện nay. "Trước thời ông Thaksin, tiền chưa bao giờ đến với chúng tôi ở nơi đây. Bây giờ thì điều đó đã xảy ra”, bà Noothuan cho biết.

Vân Linh (tổng hợp) - vnmedia.vn