7/12/13

Người thầy giữ tiếng Việt trong sâu thẳm trái tim

Thầy giáo Lê Quốc Vi luôn ý thức được việc giữ gìn và phát huy ngôn ngữ quê hương cho bà con đang sinh sống tại Thái Lan.
Thầy giáo Lê Quốc Vi (sinh năm 1955), một Việt kiều thuộc thế hệ đầu tiên sang Thái Lan
sinh sống từ khi còn nhỏ. Những tưởng rằng, văn hóa và tập quán sinh hoạt ở xứ người sẽ làm thầy Vi quên đi tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng, không phải vậy, được sự quan tâm của cha mẹ, thầy Vi không những biết được tiếng Thái mà còn vẫn nói tiếng Việt một cách rất trôi chảy. 
Điều đặc biệt quan trọng là thầy đã “truyền lửa” cho các em nhỏ, học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Thái Lan yêu thích và duy trì ngôn ngữ quê hương.
Thầy giáo Lê Quốc Vi
Bảo tồn ngôn ngữ quê hương qua lớp học tại gia
Với hình thức học tập bằng cách cha mẹ truyền đạt tiếng Việt cho con, cháu thông qua việc mở lớp Tiểu học vụ với chương trình dạy học từ lớp 1 đến lớp 7, người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít, lớp học do gia đình thầy Vi tổ chức đã thu hút sự tham gia học tập tích cực từ các thành viên.
Không những duy trì ngôn ngữ tiếng Việt ngay cho những người trong nhà, gia đình thầy Lê Quốc Vi còn hướng dẫn và truyền đạt cách thức học tập cho những người đồng hương khác.
Là thế hệ người Việt đầu tiên tại Thái Lan và được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động của lớp học Tiểu học vụ, sau khi học hết lớp 7, lúc bước sang tuổi 15, thầy Vi lại nối bước cha mẹ dạy lại cho lớp đàn em của mình. Cứ như thế, sau này vừa đi làm thợ điện, thầy vẫn không ngừng trau dồi ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và không quên dạy lại cho thế hệ người Việt Nam tiếp theo sang Thái Lan sinh sống.
Thầy Lê Quốc Vi còn nhớ như in những năm 1970, việc học tiếng Việt ở Thái Lan tương đối khó khăn và gián đoạn một thời gian dài vì chiến tranh hay những lý do khác nhưng những người từng giấu sách tiếng Việt sau vạt áo đi học, từng giữ tiếng Việt trong sâu thẳm trái tim mình vẫn nỗ lực bền bỉ để duy trì và bảo tồn tiếng nói quê hương.
Trăn trở từ cuộc sống gấp gáp…
Mãi sau này, khi Thái Lan mở rộng chính sách học tiếng Việt như một ngoại ngữ trong nhà trường, nhu cầu học tiếng Việt đột ngột trở nên mạnh mẽ trong chính cộng đồng người bản địa. Giao lưu kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển thì nhu cầu học tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh càng phát triển trong các trường trung học, ĐH của nước bạn.
Thế nhưng, khi có điều kiện dạy học tiếng Việt tốt hơn trước thì xuất hiện một số khó khăn lớn trong việc duy trì tiếng nói quê hương trong từng gia đình. Đó là ở đa số gia đình người Việt hiện nay, trẻ em đi học cả ngày ở trường, tối về lại ra sức làm bài tập, không còn khoảng trống thời gian nào để học tiếng Việt nữa.
Khi cha mẹ nói với con cái bằng tiếng Việt mà chúng không hiểu thì lại nói bằng tiếng Thái cho tiện và thói quen duy trì tiếng mẹ đẻ dần mai một. Cho dù đã qua thời tiếng Việt bị “ngăn sông cấm chợ”, nhưng việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại đang đối mặt với thách thức mới của nhịp sống công nghiệp gấp gáp.
Trong lớp học tiếng tại trường Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani, học sinh Thái Lan luôn chiếm áp đảo so với học sinh người Việt. Thế nhưng, không phải tiếng Việt giờ đã dễ dàng đến với người Việt trên đất Thái. Bởi vì ở hiện nay, có khoảng 100.000 Việt kiều sinh sống ở Thái Lan nhưng nước bạn đang có chính sách Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN nên kêu gọi người dân ở khu vực nào thì sẽ học tiếng gần miền đó. Ví dụ như người dân sinh sống ở miền Nam Thái Lan thì sẽ được học tiếng Malaysia, ở phía Tây thì học tiếng Myanmar. Còn ở vùng Đông Bắc thì có lớp học dạy tiếng Việt Nam, Lào, Campuchia.
Chính vì những yếu tố trên mà không phải là tất cả người dân nào sang sinh sống ở Thái cũng dễ tiếp cận với việc học tiếng Việt một cách dễ dàng. Đặc biệt là khi hiện nay, việc dạy tiếng Việt còn một số bất cập như số lượng giáo viên còn ít, giáo trình giảng dạy còn thiếu thốn và chưa có nhiều cải biên, nâng cao chất lượng.
Được sự tín nhiệm, từ năm 2000 cho đến nay, thầy Vi được Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani mời làm Ủy viên cố vấn Ban Quan hệ Quốc tế, thỉnh giảng, giảng viên cho những sinh viên, nhân viên đang học tập, làm việc tại trường. Ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Việt, thầy Vi còn là Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan).
Công việc của Hiệp hội đã khiến thầy có thêm cơ hội giao lưu, tìm hiểu về các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Hầu hết những lần gặp gỡ nào, thầy Vi đều tranh thủ kêu gọi, hướng dẫn cho bà con ý thức giữ gìn và bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ Việt. Vì vậy, người dân đều tích cực cho con cháu tham gia học tiếng Việt cũng như nhiệt tình tham gia các hoạt động  giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và phong tục Việt Nam.
Dù công tác giảng dạy ở trường học còn nhiều khó khăn nhưng mỗi khi có cơ hội được tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, trường học từ phía Thái Lan và Việt Nam, thầy Lê Quốc Vi đều tranh thủ đề xuất hỗ trợ cho việc dạy và học ở nước bạn cũng như bày tỏ nguyện vọng, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình học tiếng Việt.
Với hơn 40 năm giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan và người dân nước bạn, thầy Lê Quốc Vi mong muốn tiếng nói quê hương sẽ được người dân bảo tồn và phát huy cũng như được bạn bè trên thế giới sử dụng rộng rãi./.

Bích Lan/VOV online - vov.vn