Tỉnh Chanthaburi (vốn nổi tiếng là thành phố của trái
cây) nói riêng và nhiều tỉnh thành khác của Thái Lan luôn ở trong tình trạng
thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Để góp phần khắc phục tình trạng này, Dự án
Bảo tồn nước với tên gọi
khá ấn tượng là “Rễ cây thấm vào đất” đã được triển
khai tại nhiều khu vườn trong nhiều năm qua và đang mang lại hiệu quả tích cực
trong việc bảo tồn đất, giữ ẩm, giảm thời gian và chi phí cho việc tưới cây và
nhiều hiệu ứng kinh tế vườn - rừng.
Giải pháp dập lửa...
Ông Tatsa Pong, Giám đốc Dự án này giới thiệu cho phóng
viên VOV những bức ảnh và clip về những khu vườn trước kia khi hạn hán xảy ra.
Ở đó, màu xanh dần biến mất, dòng sông cũng trở nên cạn kiệt, thác nước Priew
thơ mộng cũng như... ngừng chảy.
Chủ
vườn Phisit Prasom đang tãi lá cây đều trên mặt đất
Trước thực trạng này, người dân địa phương đã loay hoay
xoay sở, còn chính quyền cũng rất lo ngại về tác hại lâu dài của nó đối với
kinh tế - xã hội địa phương. Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan cũng đã đi thị sát
trên khắp đất nước và nghĩ ra phương án làm mưa nhân tạo để giải quyết trước
mắt việc thiếu nước cho cuộc sống của người dân và để cứu lấy mùa màng.
Song về lâu dài, phải đến năm 1996, dự án có tên gọi “Rễ
cây thấm vào đất” được khai sinh. Giải thích về sự ra đời Dự án, ông Tatsa Pong
(một giáo sư đại học về nghề lâm nghiệp) cho biết: Ý tưởng dự án xuất phát từ
câu nói của một nhà sư rằng, “tất cả không là của riêng ai. Tất cả là của
chung".
Trong hoàn cảnh ra đời của dự án, ông Tatsa Pong cho
rằng, có thể hiểu là khi môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lũ lụt hay hạn
hán xảy ra thường xuyên thì cuộc sống của con người cũng bị đe dọa. Để giữ được
môi trường tốt, cần đến sự hy sinh, hợp tác của tất cả mọi người. Nó không còn
là trách nhiệm của riêng ai. Thậm chí, “không có nước chẳng khác nào dùng lửa
tự thiêu mình. Dự án này là giải pháp dùng nước để dập lửa”- ông Tatsa Pong
nhấn mạnh.
Từ khi dự án được triển khai đến nay, khi vào hầu hết các
khu vườn ở Chanthaburi đều thấy mặt đất được bao phủ bởi một lớp lá cây khô. Để
có được lớp lá cây bao phủ đó, khi lá cây rụng, các chủ vườn cào lá trải đều
lên mặt đất. Theo giải thích của ông Phisit Prasom - một chủ vườn: “Giữ lá cây
phủ kín mặt đất trong vườn như vậy giữ ẩm cho đất rất tốt”.
Nhờ đó mà “giải pháp này đang đem đến cho Chanthaburi
không chỉ phong phú về rừng mà còn trù phú thêm cho nhiều vườn cây ăn quả, sinh
thái trong lành”- ông Tatsa Pong cho biết.
Bên cạnh việc giữ lại lá cây rụng bao phủ mặt đất, một
cách nữa mà người làm vườn ở Chanthaburi vẫn thực hiện để giữ nước cho cây, như
lời của chủ vườn Samkhit Chanthavisut kể: “Gia đình tôi có hơn 50 ha vườn rừng.
Với diện tích lớn như thế chúng tôi phải đào các con mương chạy xung quanh vườn
để giữ nước tưới. Hoặc, một cách thông dụng là lắp đặt hệ thống máy bơm và vòi
phun nước rải khắp vườn cây”.
Trồng cây rừng xen cây ăn quả: Lợi ích kép
Chị Supong Thongsori, một phóng viên Đài Truyền hình Thái
Lan tại Chanthaburi có nhiều năm làm chương trình về môi trường đánh giá:
“Những khu vườn không nằm trong Dự án, một điều dễ nhận thấy là đất không giữ
được độ ẩm. Còn những khu vườn thuộc Dự án thì đất có độ ẩm, giữ được nước và
đem lại thu nhập cao cho người làm vườn”.
Để có hiệu quả như đánh giá của chị Supong Thongsori,
điểm nhấn của Dự án này là việc trồng cây rừng xen lẫn cây ăn quả. Có ít nhất 2
lợi ích từ việc làm này. Một là, cây rừng sẽ giữ nước, giúp cho cây ăn quả phát
triển; Hai là, trồng rừng lấy gỗ, đem lại giá trị về kinh tế.
Chủ
vườn Phisit Prasom hái Xá-lị, một loại quả đặc sản tại Chanthaburi
Ông Phisit Prasom, một chủ vườn, cho biết: “Tôi áp dụng
trồng cây rừng xen với cây ăn quả đến năm nay là năm thứ 10. Việc trồng rừng và
cây ăn quả xen kẽ như thế này sẽ giúp chúng cùng nhau phát triển. Vườn cây ăn
quả trước đây phải tưới nước hằng ngày, nhưng từ khi trồng cây rừng xen, không
cần tưới nước thường xuyên nữa. Chỉ đến khi cây nở hoa, ra quả cần tăng thêm
nước để phát triển, tôi mới sử dụng đến nước”.
Để minh chứng cho những điều vừa nói, chủ vườn đứng bên
gốc cây Tạ Kiên (một loại thân gỗ bền và chắc) giới thiệu tiền bán một cây Tạ
Kiên vào khoảng 10 triệu đồng tiền Việt, trong khi gia đình ông sở hữu khoảng
1.000 gốc cây Tạ Kiên, khoảng từ 10 tới 20 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Nhẩm tính,
chủ vườn này sẽ có một số tiền không nhỏ trong tương lai. Còn chưa kể đến mỗi
mùa vụ, riêng Măng cụt trung bình thu hoạch hơn 10 tấn, lợi nhuận vào khoảng
1,2 tỷ đồng.
Ông Tatsa Pong cho biết thêm: “Ở Chanthaburi có rất nhiều
rừng trồng xen trong vườn cây nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ. Dự án này cũng
đã được các tỉnh lân cận làm theo dưới hình thức do các chủ vườn tư nhân tự
làm. Tôi hy vọng mô hình này có thể đi vào các nước ASEAN”./.
Xuân Thân/VOV
online