16/1/13

Thái Lan: Bắc Kinh không nên “đẩy” các nước ASEAN về phía Mỹ


Một nhà ngoại giao cấp cao Thái Lan cho biết nước này sẽ cố gắng tìm kiếm quan điểm chung giữa các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Biển Đông.

Tờ Bangkok Post ngày 15/1 dẫn lời ông Sihasak Phuangketkaew, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan cho hay, với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Thái Lan sẽ tìm kiếm quan điểm chung giữa các nước ASEAN về các vùng biển tranh chấp nhằm tiến tới tổ chức các cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề này.
Ông Sihasak Phuangketkaew, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan
ASEAN đã chỉ định Thái Lan là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc từ tháng 7/2012 đến tháng 7/2015.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán riêng rẽ với các nước tuyên bố chủ quyền ở khu vực tranh chấp, cũng như cố gắng giải quyết các bất đồng như đã xảy ra trong các hội nghị tổ chức hồi năm ngoái.
Các thành viên của ASEAN, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp với Trung Quốc.
“Quan điểm của mỗi nước về vấn đề này là khác nhau… và những yếu tố chính trị, dân tộc của mỗi nước sẽ quyết định cách tiếp cận vấn đề này là như thế nào”, ông Sihasak nói.
Nhà ngoại giao Thái Lan cho biết, không dễ dàng để có thể tìm được quan điểm chung giữa các nước ASEAN khi mà dự trữ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở vùng biển tranh chấp này rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của mỗi nước. Indonesia đang thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực của mình bằng cách đứng ra dàn xếp và quản lý các tranh chấp này, nhưng theo ông Sihasak, Jakarta và Bangkok nên hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng tham gia của Bắc Kinh. Ông Sihasak hi vọng sau khi Trung Quốc tiến hành chuyển giao quyền lực vào tháng 3 tới, lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ thoải mái hơn về vấn đề này.
ASEAN và Trung Quốc nên nhìn vào bức tranh lớn và Bắc Kinh không nên coi quan điểm chung của ASEAN như là một áp lực với ban lãnh đạo mới, ông Sihasak nói.
Theo ông Sihasak, khi Biển Đông là nguồn gốc của các cuộc xung đột, hầu hết các nước khu vực sẽ trông chờ vào sự hiện diện và vai trò của Mỹ để làm đối trọng cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh nên linh hoạt hơn để tránh “đẩy” các nước ASEAN về phía Mỹ.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Thái Lan cũng ca ngợi lập trường mềm dẻo hơn của Washington về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Campuchia hồi tháng 11/2012. Theo đó, Washington ủng hộ tất cả các bên liên quan tham gia đàm phán, không kể là đồng minh Philippines hay “đối thủ” Trung Quốc.
Linh Phương - petrotimes.vn