Thượng tọa Thích Thanh Tuấn – chùa Quán Sứ cho biết, pho tượng được hình thành
xuất phát từ lòng yêu quý của chính ông và những đệ tử với cố Hòa thượng Thích
Thanh Tứ. Thượng tọa Thích Thanh Tuấn đã mất 12 lần sang Thái Lan, góp công sức
để tác phẩm này được hoàn tất như ý.
"Khi ôtô chở pho tượng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo, các
đồng chí hải quan hỏi: “Sao xe có 5 người mà lại chỉ có 4 hộ chiếu?”. Lúc chúng
tôi mở cửa xe ra, nhìn thấy ngài, các đồng chí ấy cứ thế vái lạy...”.
Bức tượng giống y hệt với nguyên mẫu khiến nhiều người có cảm giác Hòa
thượng Thích Thanh Tứ vẫn đang tồn tại…
Pho tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ được làm theo tỉ lệ 1/1.
Thượng tọa kể: “Tôi đã phải đến mấy cơ sở làm tượng ở Thái Lan để đặt làm
tượng về ngài. Sau khi đưa ảnh, cơ sở đầu tiên đắp cốt đất không đạt, tôi lại
phải tìm đến một cơ sở khác để đặt làm. Tuy nhiên, cơ sở thứ 2 cũng vậy, phải
đến cơ sở thứ 3 họ mới thực hiện được. Pho tượng được phục dựng theo tỉ lệ 1/1 so
với Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Ban đầu, họ phải đắp cốt đất, sau đó mới phủ một
lớp nhựa bóng lên trên rồi cuối cùng mới đắp bằng sáp hóa học và bỏ cốt đất đi.
Sau khi hoàn thiện, phải chỉnh sửa mất khá nhiều lần. Pho tượng được vận chuyển
bằng ôtô qua Lào rồi về Việt Nam”.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, tóc của pho tượng này chính là tóc thật
của cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Trước đây, chính Thượng tọa Thích Thanh Tuấn
thường xuyên cắt tóc cho Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Sau mỗi lần cắt tóc như
thế, Thượng tọa thường gom lại phần tóc vụn của thầy để cất đi. Thượng tọa đã
mang một phần tóc này sang Thái Lan để những nghệ nhân làm tượng trồng từng sợi
lên pho tượng nói trên.
Các nghệ nhân Thái Lan đang hoàn chỉnh pho tượng.
Rất khó phân biệt được đâu là tượng.
Do được làm tương đương với chiều cao thật của cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ
nên pho tượng rất giống người thật. Nhiều đệ tử khi đến chùa Quán Sứ đều có cảm
giác pho tượng chính là Hòa thượng Thích Thanh Tứ đang ngồi thiền.
Thượng tọa Thích Thanh Tuấn kể một câu chuyện vui: “Khi ôtô chở pho tượng
từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo, các đồng chí hải quan nhìn qua kính
xe liền hỏi: “Sao xe có 5 người mà lại chỉ có 4 hộ chiếu?”. Khi đoàn chúng tôi
mở cửa xe ra và cho biết đó là pho tượng của ngài, các đồng chí ấy cứ thế vái
lạy...”.
Pho tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ là pho tượng thứ 2 giống như người thật
được đặt tại chùa Quán Sứ. Pho tượng đầu tiên là tượng sư thầy Thích Bình Lương
– một vị sư người Việt từng tu hành trên đất Thái Lan, có nhiều công lao với
cách mạng Việt Nam. Pho tượng nhà sư Thích Bình Lương có kích cỡ nhỏ, chỉ cao
chừng hơn 40cm.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật
giáo Việt Nam cho biết, pho tượng nói trên được đưa về chùa Quán Sứ từ cuối
tháng 11/2012. Việc đặt pho tượng tại chùa Quán Sứ vì trước đây cố Hòa thượng
Thích Thanh Tứ từng tu hành tại chùa này. Tuy nhiên, việc đặt tượng chỉ diễn ra
một thời gian ngắn để nhân dân chiêm bái. Đến ngày 2/11 âm lịch tới đây, nhân
dịp giỗ đầu của Hòa thượng, pho tượng sẽ được chuyển về chùa Nho Lâm (huyện Kim
Động, Hưng Yên) - quê hương của Hòa thượng Thích Thanh Tứ.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh Trần Văn Long, sinh
năm 1927 tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong
một gia đình nông dân nghèo. Năm 12 tuổi, ngài chính thức được thụ giới. Hòa
thượng Thích Thanh Tứ từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam và có nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến chống
Pháp, Mỹ. Hòa thượng viên tịch ngày 26/11/2011.
|
Nhằm tri ân, tưởng nhớ đến sư phụ của mình là cố Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, hai đệ tử của Ngài từ Viêng Chăn (Lào) đã thành tâm tạc tôn tượng của cố Hòa thượng để đưa về Việt Nam phụng thờ.
Đại đức Thích Minh Nguyệt, một trong hai đệ tử của Cố Trưởng lão
Hòa thượng
bên tôn tượng của bổn sư tại chùa Quán Sứ (Hà Nội)
Nói về lý do tạc tượng, Đại đức Thích Minh Nguyệt, một trong 2 đệ tử thành
tâm làm tượng chia sẻ: “Chúng tôi quyết định làm tôn tượng của sư phụ bằng sáp
vì ở Thái Lan có công nghệ làm tượng gần giống 70 - 80% như người
thật.
Huynh đệ tôi mong muốn khi có tôn tượng này giúp chư huynh đệ mỗi khi nhớ
đến hay lúc lên lễ Ngài sẽ có cảm giác như Cố Hòa thượng vẫn luôn hiện diện bên
cạnh, từ đó mà cố gắng tu tập.
Nhìn từ bên phải của tôn tượng
Bên trái
Trực diện nhìn vào giống như người thật
Trước mắt theo Đại đức Thích Minh Nguyệt, tôn tượng của cố Đại Trưởng lão
được đặt thờ tại chùa Quán Sứ cho đến hết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ
VII. Ngay sau đó, tôn tượng sẽ được đưa về tháp ở chùa Nho Lâm (tỉnh Hưng Yên)
để kịp cho lễ giỗ đầu tiên của Ngài (2/11 âm lịch).
Theo đại đức, có thể thời gian tới thầy và đại đức Thích Minh Quang sẽ làm
thêm 1 hay 2 tôn tượng của sư phụ nữa để đặt thờ tại chùa Quán Sứ (Hà
Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Nhiều bà con phật tử khi biết thông tin đã tìm đến chùa Quán Sứ để được
chiêm bái
An Bường tổng hợp
(Nguồn: Hoàng Phương - giadinh.net.vn, Hoài Lương - kienthuc.net.vn)