Ảnh: EPA |
Tóm tắt diễn biến cuộc biểu tình
Cuộc biểu tình được dự báo là “lớn chưa từng
có” ở Thái Lan bắt đầu sáng 24/11 do nhóm Pitak Siam tổ chức.
Địa điểm biểu tình tại Quảng trường Hoàng gia (Bangkok Royal Plaza), một
không gian công cộng gần trụ sở Quốc hội, nơi đã được sử dụng bởi những người
biểu tình trong quá khứ. Pitak Siam, có nghĩa “Bảo vệ Thái Lan”, là một nhóm chống chính phủ mới nổi lên tại Thái Lan gần
đây do tướng về hưu Boonlert Kaewprasit, còn có biệt danh Seh Ai, làm thủ lĩnh.
Hồi đầu tháng 11, ông này đã huy động được hơn 20.000 người (theo lời Ban
tổ chức), 7.000 người (theo lời cảnh sát) tham gia biểu tình ở một sân vận động tại Bangkok. Sơ đồ khu vực biểu tình. Ảnh: Bangkok Post |
Cuộc biểu tình lần này được dự kiến kéo dài
trong 2 ngày 24-25/11 với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Hãng RIA Novosti đưa tin, tuy nhiên, theo tư liệu của cảnh sát, thực tế chỉ có 22 nghìn người, trong đó có 14 nghìn người tập trung tại Quảng trường Hoàng gia, còn lại rải rác ven hàng rào cảnh sát. Một số báo khác đưa tin có khoảng 20.000
người.
Cảnh sát
chỉ cho phép người biểu tình vào khu vực được phép và ra vào bằng hai con đường
không có rào cản. Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn cố gắng vượt qua những
chỗ có rào cản trong buổi sáng và đã cắt hơn nửa tá các vòng dây thép gai.
Cảnh sát rải hàng rào dây thép gai. Ảnh: The Nation |
Những
người biểu tình cáo buộc Chính phủ đã bỏ ngoài tai thái độ không tôn kính Hoàng
gia Thái, thậm chí bao che cho các thủ phạm này. Người biểu tình còn cho rằng
chính quyền của bà Yingluck là con rối của cựu Thủ tướng Thaksin
Shinawatra. Người phát ngôn của nhóm biểu tình, còn tố cáo chính quyền tham
nhũng và phủ nhận các mối lo ngại của chính quyền là cuộc tụ tập sẽ khích động
bạo lực.
Ảnh: ABC |
Tuy số người tham gia được cho là chục ngàn như tuyên bố của thủ lĩnh She Ai,
nhưng số người quá khích, tấn công vào phía cảnh sát chỉ vài trăm người. Trong
khi đó, hàng ngàn cảnh sát được triển khai tại khu vực trên nên lực lượng an
ninh nhanh chóng khống chế số người quá khích và dùng hơi cay giải tán đám đông.
Cảnh sát bảo vệ khu vực trụ sở Quốc hội. Ảnh: Minh Quang |
Cảnh sát
cho biết họ đã bắn 10 can khí hơi cay vào nhóm những người biểu tình đã dỡ hàng
rào chắn cùng dây thép gai chặn lối qua một tòa nhà Liên hợp quốc gần khu vực
biểu tình chính và ném đồ về phía cảnh sát. Người biểu tình đã đụng độ với cảnh
sát ở khu vực này ít nhất hai lần vào hồi 7.30 và 8.50,
kéo dài 15 phút. Sau đó, cuộc biểu tình dần trở nên ôn hòa hơn dù nhiều
người ra sức hò hét lên án Chính phủ tham nhũng và sử dụng tiền thuế để làm
giàu cho cá nhân cùng gia đình các quan chức. Họ còn chỉ trích Thủ tướng
Yingluck là bất tài, làm “con rối” cho anh trai của bà là cựu Thủ tướng Thaksin
Shinawatra, người đang lưu vong sau cuộc đảo chính hồi năm 2006.
Ảnh: AFP |
Ảnh: Reuters |
Ảnh: AP |
Ảnh: AP |
Ảnh: Reuters |
Người phát ngôn cho cảnh sát Piya Uthaya nói trên
một kênh truyền hình địa phương: "Chúng tôi dùng hơi cay vì người
biểu tình chặn cảnh sát lại và không tuân thủ các quy định an ninh
của chúng tôi".
Cảnh sát cũng cho hay đã tịch thu nhiều vũ khí,
trong đó có dao và đạn dược, từ người biểu tình.
Ngay sau vụ xô xát, cảnh sát điều thêm 5.700 cảnh sát đến khu vực tập trung
của những người biểu tình, cùng với số 17.000 được điều động trong ngày 24/11.
Nhiều người đã hít phải hơi cay, trong đó, theo thông tin ban đầu, ít nhất 45 người bị thương và đã được
đưa vào bệnh viện cứu chữa. Lực lượng cảnh sát
cũng có một số nhỏ bị thương trong xô xát chưa được công bố chính thức, trong
khi các báo đưa tin với số lượng rất khác nhau: 2 người, 5 người, 7 người.
Sáng nay 25/11, Hãng RIA Novosti đưa tin, hơn 60 người bị
thương như thông báo của Trung tâm Y tế khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Vương quốc Thái
Lan. 10 cảnh sát và 51 người biểu tình cần trợ giúp y tế, trong đó 2 cảnh sát
bị thương nặng phải nhập viện.
Người
phát ngôn của cảnh sát Thái Lan cho biết, 130 người biểu tình đã bị bắt giữ,
trong đó có một số mang dao và đạn.
Đến chiều tối qua, lúc 17.30, ông Seh Ai đột
ngột tuyên bố ngưng biểu tình ở khu vực Royal Plaza thuộc trung tâm Bangkok vì
lo sợ ảnh hưởng tính mạng của người tham gia. Sau tuyên bố này, nhiều người bắt
đầu quay về nhà. Ngoài ra, thời tiết đã không ủng hộ biểu tình bằng
việc đổ xuống một trận mưa lớn vào chiều qua tại
Bangkok. Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông Thái Lan, ông này thừa
nhận rằng lý do chính của việc giải tán biểu tình là "lượng người đến tham
gia không đủ”. "Phithak Siam" từ nay sẽ không xuống đường nữa, đây là
cuộc biểu tình cuối cùng của chúng tôi. Cá nhân tôi tới đây cũng không định
tham gia chính trị...", - viên tướng về hưu nói với các nhà báo.
Tướng Boonlert Kaewprasit (trái) cùng một số người trong Ban tổ chức cuộc biểu tình. Ảnh: The Nation. |
Cuộc
biểu tình tự giải tán vào cuối buổi chiều mà không đạt kết quả gì.
Trước đó Chính phủ đã ráo riết chuẩn bị đối phó
Giám đốc
Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabut cho biết: “Dựa trên
thông tin tình báo của chúng tôi, cuộc biểu tình có quy mô lớn và tiềm ẩn các
mối đe dọa cao với số lượng người tham gia rất lớn”. Cơ
quan tình báo Thái Lan lo ngại sẽ xảy ra bạo động, thậm chí một nhóm người đã
lên kế hoạch bắt cóc bà Yingluck và tiến hành đảo chính. Nhóm Pitak Siam tuyên
bố sẽ có “khoảng 500.000 người” tham gia biểu tình ôn hòa với yêu sách bài trừ
tham nhũng, khắc phục nhiều yếu kém trong Chính phủ của đảng Puea Thai và Thủ
tướng Yingluck.
Do đó,
nội các Thái Lan hôm 22/11 cho phép áp dụng lệnh cô lập thuộc Đạo luật An ninh
Nội địa (ISA) trong vòng 9 ngày (22-30/11) ở 3 quận Phra Nakhon, Pomprap Sattruphai
và Dusit của Bangkok. Đạo luật này cho phép Chính phủ triển khai quân đội trong
trường hợp lực lượng cảnh sát không kiểm soát được các đám đông biểu tình. ISA
không quy định phải giải tán hay ngăn chặn các cuộc mít tinh mà chỉ đảm bảo
rằng các cuộc mít tinh và biểu tình trong nội đô được diễn ra trong hòa bình.
Ảnh: AFP |
Thủ tướng Yingluck tối 22/11 đã lên Đài truyền
hình quốc gia để ban bố tình trạng khẩn cấp đối tại 3 quận trung tâm hành chính
nói trên. Bà phát biểu:
“Với
tư cách Thủ tướng, tôi sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân, các
tổ chức. Tuy nhiên nếu lợi dụng biểu tình để lật đổ chính phủ dân cử là vi
hiến, buộc Chính phủ phải áp dụng tình trạng an ninh khẩn cấp để loại bỏ ngay từ đầu và ngăn chận bất kỳ tình huống bất trắc nào”.
“Chính
phủ phải bảo vệ hệ thống dân chủ dưới chế độ quân chủ lập hiến. Trong bối cảnh
này, các biện pháp an ninh thông thường sẽ không thể bảo đảm được điều đó”.
Động thái này cho phép lực lượng an ninh và
cảnh sát đặc biệt kiểm tra, khám xét và bắt giữ bất kỳ cá nhân nào trong khu
vực nói trên. Trước đó, Chính phủ Thái đã triệu tập đại sứ các nước đến để
thông báo tình hình.
Theo
Reuters, ngày 23/11, Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan Adul Saengsingkaew cho biết sẽ
triển khai khoảng 17.000 nhân viên an ninh ở thủ đô Bangkok để ngăn chặn xảy ra
bạo loạn do có cuộc biểu tình chống chính phủ.
Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, cuộc biểu tình xảy ra cùng thời
điểm hạ viện Thái nhóm họp với nội dung quan trọng là chất vấn và bỏ phiếu bất
tín nhiệm đối với Thủ tướng Yingluck. Giới chức Thái Lan đã cho xây đường cầu
thoát hiểm và chuẩn bị phương án dùng trực thăng giải cứu các nghị sĩ và thành
viên chính phủ nếu bị người biểu tình bao vây.
Phe đối lập nói gì?
Ông Watchara Rithakanee, phát ngôn nhân của nhóm Pitak Siam cho biết cuộc
tập trung biểu tình lần này được lên kế hoạch từ hồi tháng sáu. Ông nêu ra ba
lý do để tiến hành hoạt động này như sau:
Thứ nhất vì chính quyền hiện nay cho phép cá nhân và cả những nhóm vi phạm
Luật Tôn kính Hoàng Gia; thứ hai nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra là bù nhìn
của ông anh Thaksin Shinawatra hiện đang lưu vong; thứ ba là chính quyền hiện
nay quá tham nhũng.
Trước cuộc
biểu tình này, ông Seh Ai nói rằng số người tham gia biểu tình có thể lên tới
100.000. Các luật sư của ông She Ai phủ nhận các tin tức cho rằng vị tướng này
tuyên bố ông muốn quân đội lên nắm quyền. Tuy vậy, có tin báo chí nói rằng, lâu nay, ông Seh Ai không giấu ý định nếu giành được chính
quyền, nhóm của ông sẽ “đóng cửa” và đưa nước Thái trở về thời chuyên chế trong
vòng 5 năm trước khi tổ chức bầu cử mới.
Phe đối lập đã lên tiếng chỉ trích việc cảnh sát sử dụng hơi cay đối với
người biểu tình khi họ không có gì để bảo vệ và cũng chẳng được thông báo trước
điều này.
Ảnh: Bangkok Post |
Dư luận xã hội Thái Lan và quốc tế
Trước đó,
dư luận cho rằng cuộc biểu tình hôm qua có thể là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ
năm 2010, khi những người ủng hộ anh của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra,
xuống đường biểu tình để tìm cách buộc Chính phủ của Thủ tướng Abhisit
Vejjajiva từ chức. Ông Thaksin đã bị lật đổ năm 2006 trong lúc bị tố cáo tham
nhũng và hiện nay vẫn còn phải sống lưu vong.
Cuộc
biểu tình này được tổ chức trước một cuộc tranh luận ở Quốc hội liên quan tới
việc biểu quyết bất tín nhiệm, trong đó phe đối lập dự kiến sẽ nêu ra những cáo
giác tham nhũng chống lại Chính phủ của bà Yingluck.
Các nhà
phân tích nói rằng những mối căng thẳng chính trị này phản ánh một cuộc tranh
đấu đang tiếp diễn giữa giới thượng lưu, tầng lớp quan chức chính phủ và giới
doanh thương chống lại tầng lớp tư sản mới nổi lên và trở nên có nhiều thế lực
chính trị dưới thời ông Thaksin.
Cuộc
biểu tình này "báo hiệu về giai đoạn bất ổn mới" ở Thái Lan, như đã
từng xảy ra các cuộc biểu tình đẫm máu trên các tuyến phố trong những năm gần
đây, trong đó có cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 tháng vào năm 2010 của những
người "áo đỏ" ủng hộ Chính phủ hiện nay.
Thông tín viên Arnaud Dubus của Đài RFI từ Bangkok phân
tích về nguyên nhân dẫn tới cuộc biểu tình rầm rộ hôm qua:
«Người biểu tình đòi Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra
từ chức vì hai lý do. Thứ nhất là vì trong mắt họ nội các này chỉ là một con rối
trong tay Thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Ông này đã phải trốn khỏi Thái Lan để sống
lưu vong và bị kết án hai năm tù vì lạm dụng quyền lực.
Lý do thứ nhì khiến người dân xuống đường hôm nay do họ tố
cáo chính quyền đương nhiệm của bà Yingluck tham nhũng. Một thí dụ điển hình được
người biểu tình nêu lên liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo có lợi cho
nông dân: chương trình bị coi là quá tốn kém và Chính phủ bắt người dân đóng
thuế để mua chuộc cảm tình và lá phiếu của cử tri ở nông thôn.
Xét về thành phần người biểu tình: họ đến từ nhiều tầng lớp
khác nhau trong xã hội, nhưng phần lớn là những người khá giả sống ở ngoại ô
Bangkok. Họ cũng là những người trung thành với chế độ quân chủ và là những kẻ
thù không đội trời chung của ông Thaksin. Bên cạnh đó thì cũng có khá đông những
thành phần đến từ các tỉnh thành.
Các hội đoàn và tổ chức chính trị dùng xe ca chở họ đến
Bangkok dự cuộc biểu tình hôm nay. Số này coi phe ủng hộ ông Thaksin là một mối
đe dọa đối với chế độ quân chủ của Thái Lan. Mẫu số chung của tất cả những người
này là họ đều một mực tôn thờ và sùng bái quốc vương Bhumibol».
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Giáo sư Le Dihocvihayarat cho rằng nhóm Pitak
Siam khó có thể huy động lượng người như tuyên bố. “Mặc dù vậy, 40.000-50.000
người biểu tình cũng là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình hình đang nằm trong
vòng kiểm soát của chính phủ và khó có thể xảy ra lật đổ”, ông nói. Ngược lại,
một người gốc Việt giấu tên ở tỉnh Chonburi bày tỏ lo ngại biểu tình có thể có
diễn biến như cuộc biểu tình hồi năm 2006 của phe áo vàng, đánh chiếm sân bay
và lật đổ ông Thaksin Shinawatra hoặc xảy ra bạo động chết người như biểu tình
chống Thủ tướng Abhisit Vejjajiva năm 2010 của phe áo đỏ.
Một phát
ngôn viên của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, ông Sunai Pasuk, nói rằng
nhóm Pitak Siam dường như chống lại thể chế dân chủ đại nghị, một nhận xét mà
Thủ tướng Yingluck đã nêu lên trong bài nói trên truyền hình tối hôm 22/11. Ông
Sunai nói:
"Pitak
Siam rõ ràng là có một cương lĩnh chống lại dân chủ tuyển cử. Họ chống lại việc
các chính khách dân cử đại diện cho người dân ở Quốc hội. Cương lĩnh này thật
rõ ràng. Giờ đây Chính phủ đang nới rộng cương lĩnh đó và bà Yingluck đã nói
rất rõ trong bài diễn văn là Pitak Siam là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia
và một mối đe dọa cho sự an toàn của công chúng".
Theo ông
Sunai, tuy bà Yingluck có cơ sở vững mạnh của những cử tri ủng hộ bà, đặc biệt
là những người ở thôn quê và trong giới lao động thành thị, bầu không khí chính
trị Thái Lan tiếp tục có tính chất bấp bênh. Ông nhận định:
"Tình
hình chính trị ở Thái Lan vẫn còn dao động rất nhiều vì bạo động chính trị
trong quá khứ đã được phép xảy ra mà không bị trừng phạt. Không hề có vụ truy
tố nào đối với những người thực hiện những hành vi bạo động chính trị từ tất cả
các phe. Các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ của mọi phong trào chính trị ở
Thái Lan cùng chia sẻ với nhau một cảm giác tự tung tự tác."
Phe "áo đỏ" thuộc phong trào Liên minh dân chủ
thống nhất chống độc tài (UDD) cảnh báo họ sẽ huy động lực lượng của mình nếu
có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một âm mưu đảo chính hay chính phủ mất kiểm
soát tình hình. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/11, người đứng đầu phe
"áo đỏ" Thida Thavornseth khẳng định: "Cuộc biểu tình này là bất
hợp pháp".
Theo kết quả khảo sát của Đại học Suan Dusit
Rajabhat, có đến 62% người được hỏi ở Bangkok không đồng tình với cuộc biểu
tình và cho rằng việc Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp (ISA) là hợp lý để
bảo vệ người dân lẫn người biểu tình. Chỉ khoảng 25% người không đồng tình việc
ban bố ISA.
An Bường
Nguồn tham khảo: Minh Quang (Văn phòng Bangkok) - thanhnien.com.vn, vietnamplus.vn,
Vũ Quý (theo AFP) - dantri.com.vn, Hoài Linh (theo Nation, Asia1)- vietnamnet.vn,
bbc.co.uk, phuketgazette.net (theo Nation), bangkokpost.com, todayonline.com, AP,
viet.rfi.fr, vietnamese.ruvr.ru, EPA, ABC.