2/1/16

NĂM MỚI, NÓI CHUYỆN M&A CỦA NGƯỜI THÁI LAN

(DĐDN)- Khoảng thời gian từ 2011 đến 2015, hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp đã diễn ra trong các nước thành viên khối AEC. VN có lẽ là quốc gia đã nhận nhiều dòng vốn từ M&A.

Nhiều thương vụ, trong đó có chiến lược khai phá thị trường khá mạnh, cắm rễ vào thị trường đơn nhất. DĐDN đã nhìn lại một loạt các thương vụ lớn, nổi bật trong 5 năm qua để thấy được chiến lược lâu dài, chắc chắn và hiệu quả của họ, cũng như nhìn nhận, đánh giá lại sức cạnh tranh của DN Việt.
Mạng đầu tư của SCG (Thái Lan) đang phủ sóng/dẫn đầu trong đầu tư từ Thái Lan vào VN. Nguồn Báo cáo thường niên của SCG tính đến 31/12/2014. Riêng trong năm 2015, tập đoàn này tiếp tục thâu tóm Batico với thương vụ trị giá hơn 40 triệu USD
Theo thống kê trong nhiều năm, từ 2011 – 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia luân phiên dẫn đầu về vốn đầu nước ngoài (FDI) vào VN.
Đón đầu
Tuy nhiên, nếu quy hẹp trong nội khối Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) và xét ở các phương thức đầu tư thông qua thị trường M&A (chủ yếu là đầu tư gián tiếp FII – mua cổ phần hoặc DN để sở hữu – chi phối – tiến đến thâu tóm) thì các doanh nghiệp từ Thái Lan với 67 triệu dân mới là những nhà kinh doanh đã đón đầu cơ hội và nắm bắt được những cơ hội rất lớn tại VN. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất – tiêu dùng, các DN Thái Lan thông qua sở hữu ở một số DN dẫn đầu của VN tại các ngành nghề quan trọng, đã có vai trò cũng như nhịp cầu khoan sâu, khai thác thị trường phục vụ 95 triệu dân của VN cả xuất khẩu. Vai trò này của người Thái đang hiện diện ở các lĩnh vực Nhựa xây dựng; bao bì; vật liệu xây dựng; thức ăn chăn nuôi và bán lẻ tiêu dùng.
Tấn công thị trường “nền”
Với lĩnh vực nhựa xây dựng, thực tế các DN Thái Lan đã vào thị trường này kể từ năm 2012, thông qua những bước tiến âm thầm của Tập đoàn Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC). Tập đoàn này, với danh nghĩa của Cty con do họ sở hữu 100% vốn là Cty Nawaplastic Industries (Saraburi), vốn có mối quan hệ hợp tác, cung cấp nhựa nguyên liệu cho Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Về sau, Sariburi đã mua 22,7% vốn của Nhựa Tiền Phong và 16,7% vốn của Nhựa Bình Minh. Tỷ lệ được tăng lên trong vài năm với sở hữu cổ phần hiện tại lần lượt là 20,4% và 24% tại hai DN nêu trên.
Có hai điểm đáng nói trong sự hiện diện của DN Thái tại hai DN nêu trên là: Nếu không tính SCIC, người Thái đang sở hữu cổ phần đứng thứ hai tại hai DN có thị phần chi phối lần lượt 70% ở khu vực Miền Bắc (Nhựa Tiền Phong), 50% miền Nam và 25% miền Bắc (Nhựa Bình Minh). Chiến lược “nắm đầu DN lớn” của người Thái với lĩnh vực nhựa xây dựng như vậy đã có bước “đại công cáo thành”. Thâu tóm cả thị trường cũng đang là điều mà DN Thái đang có cơ hội lớn nhất, khi hai DN nhựa VN được nới room khối ngoại cũng như việc SCIC đang có nhu cầu thoái vốn 100% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Được chọn giá hời hay bỏ chi phí đắt, thì với một thị trường đầy triển vọng bởi nhu cầu lớn về nhựa xây dựng để hoàn thiện hạ tầng cơ sở – hạ tầng nhà ở địa ốc, DN Thái có lẽ không bỏ lỡ thời cơ.
Ở lĩnh vực bao bì, sự hiện diện của “voi khủng” – Tập đoàn Siam Cement (SCG) qua các thương vụ M&A tại VN với tần suất dày đặc, đặc biệt tập trung ở cả lĩnh vực vật liệu xây dựng và nhựa, bao bì VN. Thương vụ gần nhất của SCG diễn ra vào tháng 7/ 2015. Với chi phí bỏ ra khoảng 40 triệu USD đã mang về cho họ 80% cổ phần của CTCP Bao bì Nhựa Tín Thành. Đây là một trong những DN sản xuất bao bì nhựa phức hợp cho những khách hàng quy mô tập đoàn tiêu dùng lớn nhất của VN như Kinh Đô, Trung Nguyên, Gấu Đỏ, Vifon, Vinamit, hay những tập đoàn đa quốc gia như: Nestle, Bayer, Henkel, Dupont, CP, Walmart…
Cần nói là SCG, một cách gián tiếp, cũng đã sở hữu Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong khi họ có 45% vốn tại TPC. Ngoài ra, với số tiền ước tính hơn 4 tỉ baht (khoảng 121 triệu USD), SCG hiện nắm giữ cổ phần lớn tại 4 DN chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì… khác tại VN gồm Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Nhựa và hóa chất TPC Vina, Chemtech và Vật liệu nhựa Minh Thái. Ngay cả với DN ngành nhựa quy mô lớn của VN là nhựa Rạng Đông, thì SCG cũng không dấu diếm tham vọng vươn tay, thông qua động thái quyết mua cổ phần Nhựa Rạng Đông từ Nhựa Bình Minh. Một mạng lưới sở hữu liên lĩnh vực cùng chung cụm từ “Hướng vào ngành công nghiệp sản xuất” từ ống nhựa – bao bì – nhựa gia dụng, đã được SCG thiết lập.
Nhắc đến SCG với vật liệu xây dựng, được xem như ngành công nghiệp quan trọng, cốt lõi của quốc gia đang phát triển như VN, thương vụ lớn nhất vẫn là thâu tóm Prime Group vào tháng 12/2012, với việc sở hữu 85% cổ phần CTCP Prime Group trị giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng). Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại VN, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo chia sẻ của đại diện tập đoàn này, SCG sẽ chi tiếp 6 -8 tỷ USD cho các thị trường khu vực mà trọng điểm vẫn là VN. Những thị trường nào, lĩnh vực nào, DN nào sẽ về tay “voi khủng” SCG, theo đó vẫn còn là ẩn số.
Độ mở của thị trường hiện tại đang đạt đến một nấc thang quan trọng và khiến chúng ta không thể không một lần tự đánh giá sức cạnh tranh hay rút ra những bài học về sự lựa chọn của các DN nội.
Trực tiếp hướng vào thị trường tiêu thụ
Một điển hình khác ở lĩnh vực chăn nuôi. Từ một Cty nhỏ đầu tư tại VN, sau hơn 20 năm, CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam, thành viên của CP Group tại Thái đã chi phối phần lớn thị trường này với 40% thị phần thịt gà công nghiệp, 50% thị trường trứng gà công nghiệp và 18 – 20% thị phần thức ăn gia súc của VN. Phương thức thâu tóm thị trường của CP có điểm khá đặc thù, thay vì M&A các DN nội địa, mỗi năm CP cho ra một nhà máy sản xuất và “thâu tóm” cái gốc của chăn nuôi là các chủ trang trại – cung cấp/ bán thiết bị chăn nuôi như một dạng thức mời gọi đầu tư, bao tiêu sản phẩm…
Ở lĩnh vực tiêu biểu cho mục tiêu khai thác thị trường 95 triệu dân, người Thái cũng đã kịp sở hữu gần 50% cổ phần siêu thị Nguyễn Kim, được đánh giá có hệ thống bán lẻ điện tử đã lọt 500 DN bán lẻ hàng đầu châu Á.
Với lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng, tập đoàn kinh doanh của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua thành viên BJC đã mua lại hệ thống Metro VN với giá 655 triệu Euro. Mặc dù thương vụ này bị đình trệ vì một số lý do kỹ thuật, nhưng số phận siêu thị này được dự báo đã định sẽ vào tay ông trùm đầu tư Thái trong thời gian tới.
Cũng BJC, ngay từ năm 2013, đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group – một DN lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Sau cùng, cú đặt chân của F&N – DN đồ uống Singapore nằm dưới sự kiểm soát của ThaiBev vào Vinamilk, với tổng chi phí 600 triệu USD, sở hữu 11% cổ phần DN sữa đầu ngành VN, đã hoàn thiện tương đối “hoàn mỹ” cơ hội sản xuất – phân phối bán lẻ – tiêu dùng, của nhà đầu tư Thái Lan.
Nói thêm trong lĩnh vực tiêu dùng, gần đây nhất, thương vụ vừa diễn ra chỉ cách 2016 có 5 ngày, giữa tập đoàn Masan và tập đoàn Singha với giá trị hợp tác chiến lược đạt 1,1 tỷ USD, đã tô đậm thêm dấu ấn của người Thái trong bản đồ đầu tư – M&A và trực tiếp nhắm vào thị trường tiêu thụ với dân số trẻ đông đảo của VN.
Trước thềm năm mới 2016, nhìn lại những cuộc đua âm thầm mà chóng mặt của các DN Thái trên thị trường VN suốt 5 năm, có thể thấy độ mở của thị trường hiện tại đang đạt đến một nấc thang quan trọng và khiến chúng ta không thể không một lần tự đánh giá sức cạnh tranh hay rút ra những bài học về sự lựa chọn của các DN nội, khi hòa mình vào các DN mới hay tự mình làm chủ ở ngay chính thị trường quen thuộc. Lựa chọn nào cũng có cái giá riêng. Hy vọng giá của các thương vụ M&A phần lớn đều sẽ góp phần tạo ra một nền tảng vận hành mới mẻ, phục vụ tối đa cho nhu cầu và lợi ích của mỗi thành viên trên thị trường.
Lê Mỹ