(nld.com.vn)- Sau nhận định của một chuyên gia người Thái rằng “gạo Việt Nam đi sau
Thái Lan 100 năm” kèm theo những phân tích thuyết phục thì các nhà quản lý,
chuyên gia và doanh nghiệp ở đất nước có 70% dân số là nông dân này lại bắt
đầu… cãi!
Các nhà quản lý nói
do cơ chế chính sách, nền tảng khoa học - kỹ thuật yếu, trình độ nông dân thấp;
các chuyên gia cho rằng do nhà nước và doanh nghiệp không lo xây dựng thương hiệu;
các công ty lương thực thì đổ thừa: Thua là vì chất lượng gạo kém.
Ai cũng bảo mình đúng
nhưng không ai chịu trách nhiệm cả. Chỉ thấy nhiều công ty lương thực giàu lên
rất nhanh còn số đông nông dân vẫn nghèo mạt rệp.
Đáng nói là những vấn
đề ấy đã được nhận diện từ lâu; bản trường ca “được mùa - mất giá”, “trồng cây
gì, nuôi con gì” đã được người làm ruộng thiểu não cất lên bao năm trời mà
chẳng ai thấu tỏ. Ngược lại, niềm tự hào “là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế
giới” cứ lan rộng. Từ tự hào đến tự mãn rất gần và con đường từ tự mãn đến tự
thua cuộc còn ngắn hơn thế nữa, để rồi bây giờ Việt Nam đã rơi ra khỏi nhóm 3
nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, bị Campuchia - và sắp tới đây có thể là
Myanmar - vượt qua.
GS Võ Tòng Xuân -
chuyên gia nông nghiệp hàng đầu có hàng chục năm gắn bó với gạo Việt - nản
lòng: “Năm 1989, nước ta đã có gạo xuất khẩu. Campuchia khi ấy còn đói ăn. Hàng
chục năm sau, họ vẫn “vô danh” trên bản đồ gạo châu Á và thế giới trong khi
Việt Nam thì được nhiều nước châu Phi mời sang dạy cách làm lúa, bán gạo. Vậy
mà bây giờ…”.
Bây giờ thì ta xách
cặp sang Campuchia học hỏi!
Và cũng đừng mơ cạnh
tranh với Thái Lan nữa. Họ đã có 250 thương hiệu gạo quốc gia, trong đó nhiều
loại mang tầm quốc tế; còn ta thì dù sở hữu 100 giống lúa song đến nay vẫn chưa
tìm được loại nào để xây dựng thương hiệu.
Nông nghiệp vốn là
thế mạnh của quốc gia có lịch sử văn minh sông nước hàng ngàn năm mà còn thua
thì nói gì đến những lĩnh vực sở đoản khác. Thất bại rõ ràng phải nói đến lĩnh
vực công nghiệp ô tô. Hơn 20 năm xây dựng, phát triển và hơn 10 năm thực hiện
theo quy hoạch, cái gọi là “công nghiệp ô tô Việt Nam” vẫn không rõ hình hài,
chỉ dừng ở lắp ráp trong khi các nước láng giềng - trong đó có Campuchia - đã
tự chế được xe hơi nguyên chiếc. Người dân Việt Nam vẫn phải mua xe với giá đắt
bậc nhất thế giới và thị trường nội địa trở thành mảnh đất béo bở cho các nhà
đầu tư ngoại; thay vì mở rộng đầu tư, họ đang từng bước thu hẹp sản xuất và
nhập xe về bán vì làm như vậy có lợi hơn.
Thế nhưng, cũng như
chuyện hạt gạo, chẳng ai chịu trách nhiệm!
Hãy thôi nói với con
em mình rằng nước ta giàu đẹp “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”; hãy thôi
đua lập những kỷ lục nhất Đông Nam Á, nhất châu Á; hãy quên đi những danh hiệu
đã ru ngủ chủ nhân của nó mấy năm qua mà thức tỉnh với thực tại: Phải làm lại
từ đầu, dù muộn; làm thật bài bản và đặc biệt phải vì số đông dân chúng.
CÁT
TƯỜNG