(khampha)- Suốt bao năm qua, Thái Lan vẫn giữ vị thế thống trị bóng chuyền
khu vực Đông Nam Á. Mô hình hoạt động của họ ở giải VĐQG là một kinh nghiệm quý
báu mà chúng ta có thể học hỏi để phát triển.
8 kỳ SEA Games liên tiếp, bóng chuyền
nữ Việt Nam ngậm ngùi chấp nhận chiếc HCB sau khi các cô gái của chúng ta
thất bại trước cùng một đối thủ, ĐT Thái Lan. Xét về thể hình cũng
như tố chất phát triển, người Việt Nam chẳng hề thua kém người Thái.
Thế nhưng, tại sao đội bóng chuyền nữ xứ sở
Chùa Vàng đã từ lâu vô đối ở sân chơi SEA Games và sớm vươn ra tầm châu lục,
thậm chí đã được dự cả những giải tầm thế giới (World Cup, World
Championship và World Grands Champion Cup), còn bóng chuyền Việt Nam
vẫn chưa một lần thành công với giấc mơ giành HCV SEA Games chứ chưa dám vươn
tầm ra châu lục?
Mấu chốt vấn đề có thể nằm ở sự khác biệt
trong cách thức tổ chức giải bóng chuyền VĐQG (nơi được coi là nguồn cung cấp
nhân lực chủ chốt để xây dựng một đội tuyển mạnh) giữa 2 nước.
Bóng
chuyền nữ Việt Nam (áo đỏ) đã phải nhận thất bại trước người Thái trong trận
chung kết 8 kỳ SEA Games liên tiếp
Còn nhớ, trước SEA Games 28 vừa qua ở Singapore,
ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ được tập trung chuẩn bị cho kỳ Đại hội thể thao
Đông Nam Á khoảng hơn 1 tháng. Nguyên do là bởi theo ông Thái Thanh Tùng
- HLV ĐT nữ Việt Nam thì
các cầu thủ của ông không có nhiều thời gian tập luyện vì họ phải căng sức
thi đấu các giải ở hệ thống VĐQG tại các CLB.
ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam nói
riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung có khá nhiều giải đấu thuộc hệ thống
VĐQG để cho các cầu thủ thi đấu nhưng sự tổ chức các giải đấu này dường như
đang có những yếu tố thiếu hợp lý.
Mùa giải 2015 đánh dấu cột mốc 11 năm
giải đấu cao nhất của làng bóng chuyền Việt Nam đổi tên thành giải VĐQG. Hàng
năm, giải đấu quan trọng này được chia làm 2 vòng: Vòng 1 thi đấu thường vào
tháng 3. Vòng 2 được tổ chức vào cuối năm, có thể là tháng 10 hoặc tháng
12. Quãng nghỉ giữa 2 vòng có khi lên đến hơn nửa năm khiến các VĐV không
được thi đấu thường xuyên dẫn đến việc gặp sức ì lớn, còn các đội thì phải cho
VĐV của mình nghỉ hoặc tập chay.
Bóng
chuyền Thái Lan đã vươn mình mạnh mẽ ra đấu trường quốc tế
Năm nào có Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc
thì giải VĐQG Việt Nam chỉ còn tổ chức đúng 1 vòng và thế là "sự cọ
xát" của các VĐV ở các CLB trong nước cũng chỉ còn 5 trận vòng bảng thay
vì 10 trận như trước.
Trong khi đó, bóng chuyền Thái Lan đã lên
chuyên nghiệp từ năm 2005 . Dù số lượng các đội tham dự giải VĐQG kém hơn chúng
ta (8 CLB so với 12 CLB) ở cả nội dung nam và nữ nhưng người Thái đã phát
triển tốt theo mô hình League tạo cho các cầu thủ được dịp thuận lợi để
thi đấu cọ xát thường xuyên.
Việc được đánh cọ xát thường xuyên giúp
các VĐV của xứ sở Chùa Vàng tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao cả về
trình độ chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu. Điều này cũng rất tốt với các cầu thủ
trẻ.
Còn ở Việt Nam, mỗi năm chúng ta có
giải VĐQG chia làm 2 giai đoạn, các giải hạng A và cả những giải đấu Siêu cúp.
Tuy nhiên, điểm bất cập là các VĐV của chúng ta tập trung ở các CLB để thi đấu
chỉ từ 5-7 ngày, sau đó họ lại nghỉ tầm 1-3 tháng, rồi sau đó họ lại thi đấu
khoảng tầm 5-7 ngày.
Giải
VĐQG ở Việt Nam cần có sự cải tiến mạnh mẽ để giúp ĐTQG có sự phát triển
Chính vì sự ngắt quãng này khiến cho các VĐV của
chúng ta không có được nhiều thời gian để làm quen với guồng quay của giải
đấu. Nhưng Thái Lan thì khác. Các VĐV nước bạn thường thi đấu ở những giải
League, tức là họ sẽ thi đấu liên tục từ 5-6 tháng theo thể thức vòng tròn giữa
các đội với nhau. Sau đó, họ sẽ nghỉ để tập trung ĐTQG. Và rõ ràng, với thời
gian thi đấu và tập luyện nhiều như vậy thì các VĐV sẽ có nhiều thời gian để cọ
xát thi đấu nhằm nâng cao trình độ và tích lũy thêm những kinh nghiệm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, HLV Kittipong
(CLB Bangkok Glass, đội bóng mà Nguyễn Thị Ngọc Hoa đang tập luyện và thi
đấu) chia sẻ: "Tại Thái Lan, giải VĐQG kéo dài khoảng 6 tháng. Các
đội thi đấu vòng tròn 2 lượt từ tháng 10 đến tháng 4. Thời gian còn lại, chúng
tôi dành toàn bộ thời gian để tập trung cũng như thực hiện các kế hoạch của đội
tuyển. Đây là cách mà các nước phát triển đang làm."
Còn ông Trần Văn Thư (Phó Ban Đào tạo và Huấn
luyện - Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam) thì giãi bày: "Giải pháp đánh
vòng tròn 2 lượt như Thái Lan thì những năm trước, chúng ta đã bàn. Họ đánh vào
thứ bảy và chủ nhật. Nhưng thời điểm đấy, chúng ta còn khó khăn về phương tiện
giao thông và đất nước mình dài (khó khăn về mặt địa lý)."
Sau vài chục năm, bóng chuyền Việt Nam đã có
nhiều thay đổi. Các VĐV của chúng ta được quan tâm. Thể lực, thể hình của
Việt Nam không hề thua kém, thậm chí là nhỉnh hơn Thái Lan ở một vài điểm nhưng
có một thứ không hề thay đổi so với bóng chuyền Thái Lan. Đó là thành tích và
sự thừa nhận vị thế trên đấu trường quốc tế.
Chủ công Đỗ Thị Minh (Thông Tin Liên Việt Post
Bank) thẳng thắng chia sẻ: "Em cũng thích thi đấu theo thể thức của Thái
Lan. Nó giúp em có thể lấy lại được thể lực sung sức, thi đấu hay hơn cũng như
là tích lũy chiến thuật từ đội bạn tốt hơn nữa."
Còn Ngọc Hoa (Bangkok) thì nói: "Là VĐV
thì chúng em phải thích nghi toàn bộ lịch thi đấu của Ban tổ chức đưa ra. Nhưng
mà đối với em, em được thi đấu ở Thái Lan thì em thấy lịch thi đấu của bên Thái
rất hay. Họ giúp cho các VĐV không phải mất sức nhiều khi phải dồn sức đánh ở
một giải."
Sự ưu việt của giải đấu VĐQG Thái
Lan cũng đồng nghĩa với việc giúp bóng chuyền nước này hội nhập
với bóng chuyền thế giới. Đặc biệt, sau khi hoàn thành nghĩa vụ hàng năm
với CLB, các VĐV có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho ĐTQG trong thời gian còn
lại với sự ủng hộ hết mình từ đơn vị chủ quản cũng như Liên đoàn. Kết quả từ
chính sách sáng suốt này giúp VĐV cảm thấy có nhiều động lực thi đấu hơn.
Muốn theo kịp bóng chuyền Thái Lan để ít nhất
là đạt được tấm HCV SEA Games hay các mục tiêu xa hơn nữa, thiết nghĩ chúng ta
cần tập trung cải thiện giải VĐQG để giúp các VĐV nước nhà có được môi trường
thi đấu thực sự khoa học và chất lượng nhằm giúp ĐTQG có được nguồn nhân lực
tốt khi tranh tài tại các giải đấu lớn.
Đăng Đức - Tân Thành