(baodatviet) - Đứng
thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam ngày càng thất thế trước
gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar...
Thực
trạng gạo Việt lép vế trên thị trường, đặc biệt là trước gạo Thái Lan, đã được
giới chuyên gia chỉ ra nhiều lần. Trên tờ Zing, TS Pussadee Polsaram, Giám đốc
Trung tâm chiến lược AEC (Thái Lan) cho biết, hiện Thái Lan có 250 thương hiệu
quốc gia khác nhau cho các sản phẩm chất lượng từ trung bình đến cao.
Gạo thơm
Thái Lan có lịch sử trên 100 năm bắt đầu từ nhà vua Rama. Để xuất khẩu gạo sang
châu Âu, nhà vua Rama Đệ tứ đã chỉ đạo phải xây dựng thương hiệu gạo có phẩm
cấp tốt, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho các giống gạo.
Áp lực cạnh tranh đối với gạo
Việt không chỉ là vấn đề giá, chất lượng mà là duy trì uy tín, lòng tin của thị
trường thế giới.
Năm 1959,
nước này chính thức công bố các giống lúa gạo nổi tiếng gọi là Thai Hom Mali
Rice, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các loại gạo.
Theo TS
Pussadee Polsaram, có 5 điều tạo sự khác biệt gồm tiêu đề thương hiệu, đảm bảo
cho người đọc hiểu được sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan; tiêu chí về độ tinh
khiết; mã vạch; nguồn gốc về bao bì; logo, màu sắc, nhận diện bao bì đều thể
hiện sự thống nhất.
Trong khi
đó, tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào.
Theo các
doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn
dồn dập bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia... Lý
do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là chưa có thương hiệu.
Thực tế, điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là thiếu đồng đều về chất lượng, chủ
yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%.
Giới
chuyên gia tâm huyết với ngành lúa gạo Việt Nam đã nhiều lần phân tích, vạch rõ
điểm yếu cố hữu của lúa gạo Việt Nam và chỉ ra đường đi nước bước để thay đổi,
thế nhưng sau hàng chục năm, cái Việt Nam có được vẫn chỉ là danh hiệu nước
xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, chủ yếu xuất thô, giá trị không cao.
Trao đổi
với Đất Việt trước đây, chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng từng
khẳng định, không có thương hiệu sẽ là thách thức lớn đối với gạo Việt Nam.
Ông chỉ
rõ những điểm ngành lúa gạo Việt Nam cần thay đổi nhưng nói mãi chẳng ai chịu
làm theo. Cụ thể, GS.TS Võ Tòng Xuân chỉ ra rằng:
"Lúa
gạo Việt Nam không cần chạy theo sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực. Chỗ
nào cần an ninh lương thực thì giữ diện tích đó làm lúa cao sản, còn chỗ nào
muốn chen vào thị trường cao cấp thì làm lúa đặc sản, tăng vụ và hãy đảm bảo
mua số lúa đó với giá tương xứng, có như vậy nông dân mới trồng. Bây giờ xui
nông dân trồng lúa năng suất thấp rồi mua với giá vài chục đồng mỗi kg thì
không ai làm.
Việt Nam
phải tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị. Không mua lúa qua thương lái để họ
trộn đủ loại gạo vào nữa, thay vào đó phải có vùng nguyên liệu. Các doanh
nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để ra lúa
nguyên liệu giá thành thấp nhất mà chất lượng cao nhất, sau đó mua nguyên liệu,
xử lý tại nhà máy hiện đại, cho ra những sản phẩm gạo thật tốt.
Nói thì
như thế, thực tế, các doanh nghiệp Việt không chịu làm theo. Khi mua lúa,
thương lái cứ mua hết đám ruộng này đến đám ruộng khác, đổ vào chiếc ghe duy
nhất thành ra gạo Việt Nam mới 5-7 loại giống, chất lượng kém".
GS.TS Võ
Tòng Xuân nhấn mạnh, Việt Nam cần thay đổi cả trong khâu xúc tiến thương mại.
Các công ty làm ăn tốt hãy đến hội chợ lúa gạo tìm kiếm khách hàng, thương
thuyết, đưa xem mẫu gạo cho khách hàng xem, đưa ra mức giá phù hợp để họ đặt
hàng. Bước sau lại qua các nước chào hàng, lấy đơn đặt hàng về để chủ động mùa
tới trồng lúa gì, bao nhiêu tấn, chủ động có vùng nguyên liệu sản xuất theo
GAP, chắc chắn sẽ có gạo chất lượng cao, có thương hiệu mà khách hàng muốn mua.
An Nhiên (Tổng
hợp)