(TBKTSG Online) - Phải đến
năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philipines, và phải
đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan; trong khi khoảng
cách với Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng đáng kể.
Đây là điểm đáng báo động về năng suất
lao động (NSLĐ) của Việt Nam tiếp tục thấp kém hơn so với các đối
thủ cạnh tranh trong khu vực trong Báo cáo “Năng suất lao động của Việt Nam:
Thực trạng và giải pháp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới các thành viên Chính
phủ.
Báo cáo cho biết, NSLĐ của toàn nền kinh
tế năm 2014 theo giá hiện hành đạt 74,7 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng
3.530 đô la Mỹ/lao động), tăng 4,9% so với năm 2013; bình quân giai đoạn
2005-2014 tăng 3,7%/năm.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, NSLĐ
của Việt Nam những năm qua đã cải thiện đáng kể, khoảng cách tương đối theo tỉ
lệ về NSLĐ so với các nước ASEAN được thu hẹp dần.
Năng
suất lao động Việt Nam tụt hậu xa so với khu vực. Ảnh Thành Hoa
Cụ thể, nếu năm 1994 NSLĐ của Singapore,
Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt gấp 29,2 lần; 10,6; 4,6;
3,1 và 2,9 lần NSLĐ của Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách tương đối này
giảm xuống tương ứng còn 18 lần; 6,6; 2,7; 1,8 và 1,8 lần.
Tuy nhiên, khoảng cách tuyệt đối tính bằng
chênh lệch giữa NSLĐ của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN lại gia tăng trong
giai đoạn trên. Tính theo sức mua tương đương năm 2005 (PPP 2005), chênh lệch
giữa NSLĐ của Singapore và Việt Nam tăng từ 62.052 đô la Mỹ năm 1994 lên
92.632 đô la Mỹ năm 2013; tương tự, so với Malaysia, chênh lệch tăng từ 21.142
đô la Mỹ lên 30.311 đô la Mỹ; với Thái Lan từ 7.922 đô la Mỹ lên 9.314 đô la
Mỹ; Indonesia từ 4.104 đô la Mỹ lên 4.408 đô la Mỹ (NSLĐ của Việt Nam năm
1994 tính theo PPP là 2.203 đô la Mỹ; ước tính năm 2013 đạt 5.440 đô la Mỹ).
Bộ này cho biết, điều này cho thấy NSLĐ
của Việt Nam đã tăng trưởng tương đối nhanh, giúp thu hẹp khoảng cách tương đối
nhưng vẫn chưa đủ để giảm khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ với các nước.
Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ,
NSLĐ của Việt Nam tăng chậm hơn, dẫn tới sự gia tăng cả về khoảng cách tuyệt
đối và tương đối với hai nước trên.
Khoảng cách tương đối về NSLĐ giữa Trung Quốc
và Việt Nam từ 1,3 lần (năm 1994) lên 2,8 lần (năm 2013); giữa Ấn Độ và Việt
Nam từ 1,6 lần lên 1,7 lần. Tương tự, khoảng cách tuyệt đối giữa NSLĐ của Trung
Quốc và Việt Nam tăng từ 771 đô la Mỹ lên 9.545 đô la Mỹ; giữa Ấn Độ và Việt
Nam từ 1.396 đô la Mỹ lên 3.867 đô la Mỹ.
Giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì
liên tục tốc độ tăng trưởng NSLĐ trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 vừa
qua thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp NSLĐ của Philippines và đến năm
2069 mới bắt kịp NSLĐ của Thái Lan, trong khi khoảng cách với Trung Quốc lại
gia tăng đáng kể.
“Điều này cho thấy thách thức và khó khăn nền
kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất của các nước,”
báo cáo nhận xét.
Lý do chính của bất cập này, theo Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, là xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế của Việt Nam
quá nhỏ bé.
Mặc dù quy mô nền kinh tế liên tục được mở
rộng, GDP năm 2014 gấp 29 lần GDP năm 1990, nhưng so với một số nước trong khu
vực ASEAN thì quy mô kinh tế nước ta vẫn còn nhỏ.
Tại thời điểm năm 2014, GDP của Indonesia gấp
4,8 lần GDP của Việt Nam; Thái Lan gấp 2 lần; Malaysia gấp 1,8 lần; Singapore
gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.
Với xuất phát điểm thấp (GDP bình quân đầu
người của Việt Nam năm 1990 đạt 98 đô la Mỹ, tương ứng với mức GDP bình quân
đầu người của Thái Lan năm 1960 và của Indonesia năm 1972), quy mô kinh tế nhỏ,
việc thu hẹp khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam với các nước trong thời
gian qua là thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đủ để thu hẹp khoảng cách
tuyệt đối về giá trị NSLĐ so với các nước trong khu vực.
Tư Giang