(VOV)- Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, việc tìm cách kéo dài thời
gian cầm quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha sẽ làm tổn hại tới uy tín của
chính quyền.
Chính trường Thái Lan vừa xuất hiện luồng ý
kiến đề nghị Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tiếp tục tại vị thêm 2 năm để
hoàn thành công cuộc cải cách đất nước trước khi có tổng tuyển cử.
Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đã tranh
luận sôi nổi về vấn đề này, trong đó có cả những ý kiến ủng hộ và ý kiến phản
đối ở những mức độ khác nhau.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth
Chan-ocha (Ảnh Reuters)
Luồng dư luận ủng hộ Thủ tướng Prayuth kéo dài
thời gian cầm quyền thêm 2 năm bao gồm nhiều thành viên Hội đồng lập pháp quốc
gia, Hội đồng cải cách quốc gia và lực lượng của cựu Phó Thủ tướng Thái Lan
Suthep từng biểu tình chống đối Chính phủ của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck
Shianwatra hồi năm ngoái.
Họ đề nghị tiến hành trưng cầu ý dân để cho
Thủ tướng Prayuth tiếp tục tại vị lâu hơn lộ trình đã được lãnh đạo Ủy
ban bảo vệ trật tự quốc gia cam kết. Đáng chú ý, Thủ tướng Prayuth cũng
tỏ ý sẵn sàng kéo dài thời gian cầm quyền nếu được nhân dân chấp thuận thông
qua một cuộc trưng cầu ý dân.
Trong khi đó, cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu
Dusit của Thái Lan vừa công bố cho thấy, có gần 77% số người được hỏi ủng hộ
cải cách trước khi tổng tuyển cử, nhất là cải cách về những vấn đề bức xúc như
kinh tế, giáo dục, chính trị và chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có 50,07% ý
kiến muốn sớm tiến hành tổng tuyển cử để Thái Lan có chế độ dân chủ, nhưng
không theo lề lối chính trị kiểu cũ.
Về luồng dư luận phản đối, ban lãnh đạo hai
chính đảng lớn nhất Thái Lan là đảng Vì nước Thái và đảng Dân chủ, đã phản đối
mạnh việc Thủ tướng Prayuth tiếp tục tại nhiệm thêm 2 năm và lui lại thời
điểm tổng tuyển cử quá lâu. Họ cho rằng việc trưng cầu ý dân đối với một cá
nhân là chưa từng có tiền lệ, trái với nguyên tắc của Hiến pháp.
Đồng thời điều này sẽ gây ra sự phản đối ở cả
trong và ngoài nước; ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã
hội của Thái Lan và tạo ra những mâu thuẫn chính trị mới giữa lực lượng ủng hộ
và phản đối chính quyền quân sự.
Đại diện các chính đảng này muốn ban lãnh đạo
chính quyền Thái Lan tôn trọng lộ trình cải cách và khôi phục chế độ dân chủ;
khẩn trương sửa đổi dự thảo Hiến pháp, thông qua trưng cầu ý dân đối với dự
thảo Hiến pháp mới; và họ chỉ chấp nhận việc tổ chức tổng tuyển cử lui lại vài
tháng do phát sinh vấn đề trưng cầu ý dân.
Một số học giả, nhà nghiên cứu chính trị Thái
Lan cũng nhấn mạnh, việc tìm cách kéo dài thời gian cầm quyền của Thủ tướng
Prayuth sẽ làm tổn hại tới uy tín của chính quyền. Họ cho rằng cải cách không
thể thành công trong tình trạng người dân và các chính đảng không được tự do
đóng góp ý kiến và phản biện; không thể kiểm tra được các hoạt động của chính
quyền Thái Lan hiện nay.
Theo ông Wissanu, Phó Thủ tướng Thái Lan phụ
trách về luật pháp, nếu muốn kéo dài thời gian cầm quyền của Thủ tướng
Prayuth thêm 2 năm, thì phải sửa đổi Hiến pháp tạm thời năm 2014 để
tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới và lồng ghép với việc hỏi ý
kiến nhân dân Thái Lan về vấn đề kéo dài thời gian cầm quyền của Thủ tướng
Prayuth./.
(Tống Sơn/VOV- Bangkok) - vov.vn