(Khampha)- Người Thái đã có tầm
nhìn hướng ra thế giới đối với thể thao nên họ cũng lên tiếng mạnh mẽ về tính
chất "ao làng" của SEA Games khi các nước đăng cai thường có tiền lệ
cố "nhét" các môn truyền
thống của nước mình vào thi đấu như một
"thủ thuật" để câu huy chương.
SEA Games cần phải được cải tổ để nó trở lại với ý nghĩa ban đầu, đó
là nâng cao trình độ thi đấu thể thao của các VĐV trong khu vực Đông Nam Á.
Quan điểm này vừa được đưa ra bởi các quan chức thể thao Thái Lan.
Kể từ khi ra đời vào năm 1959 (khi đó có tên
là SEAP Games), SEA Games đã được coi là phương tiện để củng cố mối quan hệ
giữa các nước trong khu vực cũng như là dịp tốt để các VĐV ở Đông Nam
Á được mài giũa trình độ. Thế nhưng các nước đăng cai đã tạo một
"tiền lệ" xấu khi luôn cố thêm vào những môn thể thao
truyền thống ở đất nước mình và cắt bỏ những môn không phải thế mạnh của các
nước khác để giành được càng nhiều HCV càng tốt, dẫn đến sự phản đối từ các
quốc gia thành viên.
Môn netball là thế mạnh của chủ nhà
Singapore, nhưng xa lạ với phần còn lại của khu vực.
Việc nước chủ nhà tận dụng môn thế mạnh của
mình (dù cho môn thi đó có thể không phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á) để hạn
chế cơ hội giành HCV của nước khác khiến đại hội từng được ví von như một sân
chơi có tính chất "ao làng".
Ông Sakol Wannapong, Bộ trưởng Bộ Thể thao
Thái Lan (SAT), cho rằng chừng nào SEA Games chưa đi theo những tiêu chuẩn về
số lượng & nội dung của các môn thi đấu của Olympic thì chừng đó các
kỳ đại hội sẽ càng kém hấp dẫn và phản ánh mặt bằng “ao làng” của thể thao khu
vực.
“Những người chịu trách nhiệm tổ chức các kỳ
đại hội nên biết rằng nếu cứ đà này, các kỳ SEA Games sẽ khiến các fan và chính
các VĐV cảm thấy nhàm chán. SEA Games cần phải tuân thủ những nguyên tắc
Olympic”, ông Wannapong nhấn mạnh.
Ông Wannapong chẳng mấy khó khăn chỉ ra những
môn thi đấu lạ hoắc được giới thiệu ở SEA Games này. “Họ cắt bỏ các môn trong
nội dung thi đấu Olympic như cử tạ và môn bóng đá nữ, nhưng lại cho vào thi
đấu netball, môn thể thao tất nhiên Singapore chơi tốt hơn so với phần còn
lại của Đông Nam Á”, ông nói.
“Ở kỳ Olympic 2012, không nước Đông Nam Á nào
có VĐV đoạt HCV. Ấy thế mà khi nói đến một cuộc cải tổ, các nước thành viên lại
tỏ ra rất miễn cưỡng”, ông Sakol Wannapong cho biết.
Singapore cắt bỏ môn bóng đá nữ ra
khỏi nội dung thi đấu SEA Games 28.
Trong khi đó ông Charoen Wattanasin, một người
Thái Lan khác và là thành viên hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, thừa
nhận rằng thật khó cải thiện mặt bằng trình độ của các môn thi ở SEA Games bởi
nhiều nước vẫn muốn đưa các môn thể thao truyền thống của mình vào thi đấu ở
sân chơi khu vực khi họ được đăng cai sự kiện.
Trước SEA Games, có 1 danh sách 16 môn thể
thao truyền thống để các nước xem xét đưa vào chương trình thi đấu (ngoài các
môn thuộc nội dung thi đấu Olympic, Đại hội thể thao châu Á và môn không thuộc
đối tượng trên nhưng phổ biến ở Đông Nam Á), nước chủ nhà chọn ít nhất 2 trong
số đó và số lượng không được quá 8 môn.
Tuy nhiên, theo ông Charoen Wattanasin, đã có
nhiều nước muốn các quốc gia chủ nhà được chọn ít nhất 6 môn (từ danh sách các
môn thể thao truyền thông), con số nhiều hơn thông lệ. “Đó là một ví dụ cho
thấy tại sao SEA Games đã không đạt được những tiến bộ như mong muốn. SEA Games
nên là sân chơi cho các vận động viên trẻ cọ xát để chuẩn bị cho những sự kiện
lớn hơn như Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) hay Olympic”, ông Charoen
chia sẻ.
Panipak Wongpattanakit vô địch thế
giới và lập tức được Liên đoàn Taekwondo Thái Lan thưởng bằng cách... cho nghỉ
SEA Games 28.
Thái Lan đã và đang ngày một hạn chế đưa VĐV
hàng đầu của mình tới SEA Games trong những năm gần đây. Chủ tịch Liên đoàn
Taekwondo Thái Lan ông Pimol Srivikorn đã cho hay: “SEA Games chẳng qua chỉ là
để nâng cao tình đoàn kết giữa các nước, do vậy chúng tôi không gửi những VĐV
xuất sắc nhất đi dự”.
Ông Srivikorn đã nói là làm. Sau khi võ sĩ
Panipak Wongpattanakit vô địch thế giới vào tháng trước, Liên đoàn lập tức cho
nữ VĐV này nghỉ SEA Games để thay bằng Chanathip Sonkham. Mục
tiêu của Wongpattanakit sẽ là giành điểm để dự Olympic, còn SEA Games được xem
là sân chơi không đáng để cô dồn sức lực vào đó.
Những môn thể thao "lạ" ở
SEA Games
Khác với Olympic, không có một định mức nào
về số môn thể thao tranh tài ở SEA Games và số môn dự tranh sẽ được thông qua
bởi Liên đoàn thể thao SEA Games. Nước đăng cai vì thế được thêm vào những
môn thể thao của mình và cắt bỏ những môn Olympic, cho dù một số môn trọng
điểm vẫn sẽ phải được giữ như các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng…
Dưới đây là thống kê chi tiết các môn thi
đấu do các nước chủ nhà tự chọn (không tính các môn thi đấu không thuộc
Olympic nhưng phổ cập ở Đông Nam Á như Cầu mây, Pencak Silat, Wushu, Muay
Thai…):
Võ gậy (SEA Games 1991 & 2005 – chủ
nhà Philippines)
Bài Bridge (SEA Games 2011 – Indonesia)
Chinlone (SEA Games 2013 – Myanmar)
Bóng gỗ trên cỏ (SEA Games 1997, 2001, 2005
& 2007)
Dù lượn (SEA Games 2011 – Indonesia)
Trượt patin (SEA Games 2011 – Indonesia)
Vovinam (SEA Games 2011 & 2013)
Leo tường (SEA Games 2011 – Indonesia)
Lướt ván (SEA Games 1987, 1997 & 2011 –
cùng Indonesia)
Netball (SEA Games 2015 - Singapore)
Floorball (SEA Games 2015 - Singapore)
|
Hoàng Quân
(Tổng hợp từ Bangkok Post)
- khampha.vn