15/5/15

Kiếp nô lệ của ngư dân Thái

(vnexpress)- Công việc vất vả, không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng Samart Senasook chẳng có lựa chọn nào hơn ngoài chấp nhận làm việc trên tàu cá.
Lúc trước, ông làm bảo vệ ở Bangkok, công việc
thất thường còn thu nhập thì bấp bênh. Do đó, khi một người xưng là Vee khuyên bỏ nghề theo tàu cá, Senasook quyết định chớp lấy cơ hội.
Ngư dân người thái và Myanmar sinh hoạt trong nhà tạm của một công ty đánh bắt cá ở Benjina, Indonesia tháng 11/2014. Ảnh: AP
Vee hóa ra là một tay môi giới, mắt xích trong chuỗi buôn người cho ngành công nghiệp đánh cá ở Thái Lan, nơi hàng nghìn lao động nhập cư làm việc trong cảnh nô lệ.
Không giống như lời hứa hẹn làm việc một năm trên tàu cá, Senasook phải làm tới 6 năm, mỗi ngày 20 giờ, trong điều kiện nguy hiểm. Cuối tháng trước, khi cảnh sát Indonesia tịch thu thuyền cá, bắt giữ những người trên tàu vì đánh cá bất hợp pháp ở đảo Ambon, phía đông Indonesia, ông mới được giải thoát.
6 năm một kiếp nô lệ
Từ tháng 1/2009 đến tháng 3/2015, Senasook cứ lênh đênh trên tàu, ra ngoài lãnh hải Thái Lan để tìm kiếm nguồn cá ngày một khan hiếm. Cuộc sống trên tàu như một cơn ác mộng, thuyền trưởng thường xuyên hăm dọa, đánh đập và không cho ông ngủ. Hắn giữ tất cả giấy tờ tùy thân của thuyền viên để cầm tù họ.
"Ông ta đá rồi đấm tôi," Senasook nhớ lại. "Mũi miệng tôi đầy máu. Tôi vẫn còn máu vón cục ở răng. Quai hàm thì đau nhói mỗi lần nhai."
Không lối thoát, ông muốn tự sát. "Tôi nghĩ đến gia đình, đến mẹ. Nhiều lần, tôi định nhảy xuống biển tự sát. Bạn tôi làm bên khoang máy giữ tôi lại. Nếu không, có lẽ giờ này tôi đã chết rồi."
Cuối cùng, Senasook được nhận lại chứng minh thư ở Ambon. Ông kinh hãi nhận ra trên giấy tờ là tên giả. "Nhiều bạn tôi bỏ mạng trên đất Indonesia. Mộ của họ thậm chí còn viết sai tên," Senasook buồn bã nói. "Như tôi đây, nếu tôi chết, mộ sẽ không viết tên tôi, mà tên một người nào đó."
Trong tuyệt vọng, ông viết thư gửi thủ tướng Thái Lan, yêu cầu giúp đỡ. Nhờ sự can thiệp của chính phủ Thái, giới chức Indonesia đã thả người, nhưng Senasook giờ đây chỉ có một mình, không xu dính túi. Ông không thể trở về Thái Lan.
Chủ thuyền trả ông 53 USD tiền công, nhưng sau đó, bắt ông phải trả 615 USD phí môi giới cho bên giới thiệu ông lên thuyền.
Cuối cùng, Senasook được Mạng Xúc tiến Quyền lợi Người lao động (LPN) của Thái hỗ trợ, giúp hồi hương cuối tháng trước. LPN cũng phát hiện và giúp đỡ hàng trăm ngư dân khác ở đảo Benjina gần đó, đang mắc kẹt và sống trong tuyệt vọng.
"Tình hình rất nghiêm trọng," Patima Tangpratyakoon, nhân viên của LPN đánh giá. Tổ chức này ước tính, gần 3.000 nạn nhân bị lừa đến làm việc trên các tàu cá Thái. "Các ngư dân ở Ambon và Benjina dùng giấy tờ giả, hoặc không có giấy tờ nên không thể hồi hương."
Máy bay quân sự Thái ở Ambon, Indonesia đón ngư dân hồi hương hôm 9/4. Ảnh:AFP
Tình trạng lao động bất hợp pháp
Vài năm gần đây, vấn đề lạm dụng người lao động trong ngành công nghiệp thủy sản Thái Lan đang ngày một nghiêm trọng. Do nhu cầu thủy sản toàn cầu gia tăng, kinh tế Thái cũng tăng trưởng, thu hút nhiều lao động chuyển sang nghề đánh cá.
Chính phủ Thái Lan ước tính, khoảng 145.000 lao động đang làm việc trong ngành đánh bắt cá, trong đó lao động nhập cư chiếm 80%, chủ yếu là người Myanmar, Cambodia và Lào. Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Raks Thai ước tính, hơn 200.000 lao động nhập cư đang làm việc trái phép trong ngành này. Số tàu cá đang hoạt động là 57.000, nhưng thực tế, con số có thể gấp đôi, vì nhiều tàu không đăng ký.
Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) gọi Thái Lan là đất nước "bất hợp tác" bởi thiếu quy định giám sát và kiểm soát tàu đánh cá nước mình, cũng như tình trạng buôn bán thủy hải sản từ nước ngoài vào Thái.
Năm ngoái, Mỹ xếp Thái Lan vào một trong những nước có nạn buôn bán người nghiêm trọng nhất, có thể dẫn tới cắt giảm viện trợ quốc tế. Ngoài ra, tháng 10 tới, nếu không cải thiện tình trạng này, Thái Lan sẽ phải đối mặt với lệnh cấm vận xuất khẩu cá vào EU, đe dọa gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Phản hồi Mỹ và EU, Thủ tướng Thái Prayuth Chan Ocha tuyên bố sẽ đẩy mạnh chống nạn buôn người. Trong tuyên bố hồi tháng 3, ông kêu gọi tất cả cơ quan chính phủ "dọn dẹp lại nơi làm việc." Bọn buôn người và các quan chức chính phủ thông đồng với chúng sẽ "không còn chỗ sống trong xã hội Thái Lan," ông nói.
Nhiều biện pháp mới được ban hành, như tàu thuyền trên 30 tấn phải trang bị hệ thống giám sát điện tử (VMS) khi hoạt động ngoài vùng biển Thái Lan, ngoài ra, chủ tàu buộc phải đăng ký thông tin về thành phần thủy thủ đoàn, địa điểm đánh bắt khi rời cảng và trở về.
"Biện pháp khai báo lúc rời cảng, lúc trở về, sẽ giúp chúng tôi giảm nguy cơ buôn bán người, giảm nguy cơ cho người lao động," Warapon Prompol, tổng cục phó Thủy sản Thái Lan cho biết. Hàng năm, các công ty Thái Lan xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ và châu Âu trị giá 2,5 tỷ USD.
Mặc dù nhiều biện pháp đã được tiến hành để chống lại nạn buôn người và lạm dụng lao động trên tàu cá, nhưng để thực sự thay đổi tình trạng này, chính phủ Thái sẽ phải mất nhiều năm, Max Tunon, chuyên viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hợp Quốc, kết luận.

Hồng Hạnh - vnexpress.net