15/5/15

Cảnh sát Thái Lan tiếp tay cho nạn buôn người?

(ĐSPL)- Những ngày qua, việc Thái Lan liên tiếp phát hiện mộ tập thể chứa hàng loạt thi thể nạn nhân của các vụ buôn người đã gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, những người dân ở đất nước chùa Vàng còn bàng hoàng
hơn nữa khi biết rằng nghi phạm tiếp tay cho những vụ buôn người dã man ấy, không ai khác, chính là 50 cảnh sát vừa bị phạt...   

Những nấm mồ tập thể “lật tẩy” cảnh sát
Ngày 7/5, hai ngày sau khi các nhà chức trách Thái Lan phát hiện hơn 30 thi thể từ những nấm mồ trong một “trại giam” ở vùng rừng của miền Nam nước này, ông Somyot Poompanmuang, tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp báo ở Bangkok và thẳng thắn tuyên bố: "Chúng tôi đã thuyên chuyển hơn 50 cảnh sát xung quanh vụ việc này vì các chỉ huy địa phương biết những ai có liên quan". Còn trong cuộc họp khẩn cấp với các cảnh sát cấp cao của Thái Lan, ông Somyot Poompanmoung đưa ra một thừa nhận công khai được nói là mạnh mẽ nhất về tình trạng cảnh sát Thái Lan có dính líu vào những đường dây buôn người, sử dụng đất Thái như là một trạm trung chuyển khu vực. Trước đây, mỗi khi tổ chức theo dõi nhân quyền lên án một số cán bộ của các cơ quan chức năng Thái Lan có cấu kết với các nhóm buôn người, cảnh sát nước này luôn bác bỏ.
Các nhà chức trách bên hố chôn tập thể các nạn nhân trong vụ buôn người ở Thái Lan.
Ngoài 50 cảnh sát, thị trưởng của thị trấn Padang Besar, huyện Sadao, tỉnh Songkhla, nơi thuộc khu vực phát hiện ra ba hố chôn người tập thể cũng bị cách chức. Tướng Somyot Poompanmoung cho biết viên thị trưởng bị bắt có tên Banjong Pongphon là nghi phạm chính trong vụ điều tra về tổ chức buôn người đang được tiến hành và đây là nhân vật tại vị hơn chục năm nay với những ảnh hưởng lớn ở khu vực. Người mới bị bắt đối diện với những cáo buộc phạm tội buôn người, hỗ trợ cho những ngoại kiều bất hợp pháp vào đất Thái và tội giam giữ, tống tiền.
Trong những năm qua, nạn buôn người tại Thái Lan phát triển mạnh do làn sóng tị nạn tại Đông Nam Á bùng phát. Theo cảnh sát Thái Lan, nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nạn nhân trong những vụ buôn người ở nước này hầu hết là do điều kiện sống khắc nghiệt. Hai người đàn ông còn sống sót từ trại buôn người được tìm thấy hôm 6/5 trong tình trạng ghẻ lở và chấy rận đầy người. Họ suy kiệt đến mức các nhân viên cứu hộ phải cáng ra ngoài. “Những nạn nhân đã bị bỏ đói hơn 2 ngày và bị sốt trong rừng hơn 2 tháng”, bác sỹ Kwanwilai Chotpitchayanku cho biết. 

Nhận tiền rồi... “im miệng”
Ông Phil Robertson, thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Các trại này thật ra đã được “bảo kê” từ các giới chức và các cộng đồng địa phương nhận tiền từ những kẻ buôn người. Và ở các cấp cao hơn, như cấp tỉnh chẳng hạn, chúng ta thấy có các giới chức làm ngơ. Người ta biết rõ những gì đang xảy ra. Vấn đề ở chỗ là họ không chịu làm gì để ngăn chặn hoặc thật ra họ thông đồng với những kẻ buôn người”.
Theo BBC, để di cư đến Thái Lan, bọn buôn người thường nộp cho cảnh sát nước này từ 20.000 USD trở lên cho một chuyến tàu chở người, sau đó tìm cách thu lại chi phí này bằng cách đòi gia đình nạn nhân trả những khoản tiền chuộc lớn. Khi đã nhận tiền, các cảnh sát sẽ thông đồng hoặc ít nhất là nhắm mắt làm ngơ. Tuy vậy, hiếm hoi mới có vụ cảnh sát bắt tay với bọn buôn người được đưa ra ánh sáng. Đó là tháng 12/2006, viên cảnh sát Thái Lan, Sgt Maj Weerayuth Feuangfu, đã bị kết tội buôn người sau khi Rohingya, 25 tuổi tố cáo bị một đàn ông cưỡng hiếp. Viên cảnh sát bị buộc tội đã lái xe chở người phụ nữ này và một số người khác rời khỏi trại buôn người ở Phang Nga. Người phụ nữ này bị lừa rằng cô sẽ được đưa tới Malaysia để đoàn tụ cùng chồng nhưng thay vì đó lại bị giam giữ ở một vài nơi trong khu vực.
Không chỉ “nhận tiền để im miệng”, theo một số nguồn tin từ Thái Lan, cảnh sát còn trực tiếp giúp các chủ nhà thổ đe dọa gái mại dâm, những nạn nhân của các vụ buôn người, để buộc họ phải làm việc tại đây. Độc chiêu mà những cảnh sát này thường áp dụng để uy hiếp các gái mại dâm là lời đe dọa rằng nếu không tuân lệnh thì sẽ bị bắt vào tù vì tội… du nhập vào Thái Lan trái phép.
Để tự bảo vệ mình, người dân Thái Lan đã tự thành lập các nhóm dân quân tuần tra và đuổi các tay buôn người ra khỏi làng xóm của họ, nơi vốn chỉ cách các bãi biển du lịch có vài cây số. Ông Cherdchai Papattamayutanon, một chỉ huy dân quân, nói: “Chúng tôi không thể chặn đứng bọn buôn người nhưng ít nhất cũng cản trở chúng hoạt động. Không như trước kia khi các tay môi giới mỗi lần chuyển lậu được 40 hoặc 50 người Rohingya, nhưng giờ đây họ phải chia thành từng toán nhỏ hơn, chẳng hạn như mỗi lần một hay hai chục người”.

Cảnh sát phải chịu án nặng gấp đôi dân thường 
Theo luật pháp Thái Lan, nếu cảnh sát tham gia buôn người thì sẽ chịu tội nặng gấp hai lần so với dân thường có cùng tội danh. Còn nếu quan chức chính phủ nào đang thực thi các dự án chống buôn người thì nếu mắc tội liên quan đến việc buôn người sẽ phải chịu án nặng gấp 3 lần thường dân.

ĐÀO VŨ (Theo CNN, Reuters) - doisongphapluat.com