10/3/15

CNBC: Đồng Baht Thái lâm nguy, Việt Nam hưởng lợi

(BizLIVE)- EU đã từ chối đàm phán với chính quyền Thái Lan, đưa nước này vào thế bất lợi so với các nước khác tại Đông Nam Á như Việt Nam hay Malaysia, CNBC nhận xét.
Baht là đồng tiền chuyển biến khởi sắc nhất trong năm 2014, mặc dù Thái Lan trải qua một năm đầy bất ổn chính trị. Tuy nhiên điều này có thể sớm thay đổi.
Ảnh minh họa.
“Sức khỏe của đồng baht sẽ bị thử thách trong bối cảnh bất ổn chính trị, suy giảm kinh tế theo chu kỳ, chính sách tiền tệ được nới lỏngvà đồng USD tăng giá”, ông Jonathan Sequeira, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs nhận xét.
Kể từ tháng Sáu năm ngoái, chỉ có đồng shilling của Somali, colon của Costa Rica và quetzal của Guatemala chuyển biến khởi sắc hơn baht so với đồng USD.
Ngày 6/3, tỷ giá baht so với bạc xanh ở mức 32,43 baht/USD, so với mức 32,90 baht/USD vào giữa năm 2014.
 Tỷ giá USD/THB trong 2 năm qua
Nguyên nhân sâu xa
Số liệu cho thấy đồng baht tăng giá không phải là kết quả từ  sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, mà là do giá hàng hóa đi xuống – nhất là vàng và nhiên liệu. Chúng góp phần ghìm chi phí nhập khẩu, thúc đẩy thặng dư thương mại, ông Sequeira chỉ ra.
Tuy nhiên nội tệ được giá sẽ khiến Ngân hàng Trung ương lo ngại cho lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu, từ đó tính đến các động thái phá giá đồng tiền.
Mặc dù xuất khẩu vượt nhập khẩu là một yếu tố đẩy baht tăng giá, các chuyên gia lại lo lắng rằng thực chất, đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước suy giảm.
“Hoạt động xuất khẩu của Thái Lan hầu như không tăng trưởng trong hai năm qua”, ngân hàng DBS chỉ ra.
DBS cũng dự đoán tỷ lệ lạm phát cốt lõi sẽ đi xuống, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng sản xuất của nước này. Đây đều là các nhân tố sẽ kéo baht đi xuống.
Thế bất lợi
Ngành xuất khẩu của Thái Lan cũng có thể đối mặt nhiều rủi ro. Thỏa thuận thương mại giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU), hạ thuế xuất nhập khẩu vào thị trường này xuống mức cận 0% đã hết hạn, trong khi cuộc đàm phán tìm kiếm hiệp định thương mại tự do mới đang bị trì hoãn.
“Khoảng ½ tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang EU được lợi từ những đặc quyền trên, thiếu chúng, nước này có thể thiệt hại tới 800 triệu USD”, công ty nghiên cứu Nomura cảnh báo. EU là thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu của Thái Lan lớn thứ ba trên thế giới.
EU đã từ chối đàm phán với chính quyền Thái Lan, đưa nước này vào thế bất lợi so với các nước khác tại Đông Nam Á như Việt Nam hay Malaysia, những quốc gia sắp đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU, Nomura lưu ý.

LỀ PHƯƠNG - bizlive.vn