16/2/15

Hương vị Việt ở Bangkok

(nhandan)- Có những người con gốc Việt dù không trực tiếp làm ra các sản phẩm mang hương vị cổ truyền dân tộc, nhưng lại giữ vai trò phân phối, góp phần quảng bá tới bạn bè Thái-lan. Chúng tôi đã gặp những con người đó ở Thủ đô Bangkok trong guồng quay hối
hả cuối năm Giáp Ngọ.
Một quầy bán bánh chưng, giò chả của người Việt tại Thái-lan.
Đều đặn hai buổi sáng cuối tuần, từ bốn giờ sáng, vợ chồng chị Bé thức dậy chuẩn bị hàng hóa mang ra “chợ quê của người Việt”. Từ nhà chị, gần sân bay quốc tế Don Muang, tới ngôi chợ Việt độc đáo này cũng xa hơn 20 km. Vậy mà hơn 20 năm bán hàng ở đây, chị hầu như không nghỉ. Cứ sáu giờ sáng thứ bảy và chủ nhật hằng tuần là chị có mặt. Hàng hóa chị bán khá đa dạng, từ bánh chưng, giò lụa, nem chua, bánh đa nem tới bún, phở khô, cà-phê tan. Tất cả đều là hàng “made in Vietnam”. 

Gia đình chị không trực tiếp làm ra những sản phẩm này, mà nhập từ các tỉnh đông bắc như Khon Kaen, Mukdahan. Bố chị gốc Quảng Bình, kết hôn với một phụ nữ Thái-lan đam mê các món ăn Việt và mở hàng bán các món ăn này hơn 40 năm. Sinh ra tại tỉnh Udon Thani, chị Bé đã kế nghiệp mẹ mình. Tính ra, gia đình chị đã có hơn 60 năm trời đưa hương vị ẩm thực Việt Nam tới bạn bè Thái.

Tay thoăn thoắt gói hàng cho khách, chị cho biết, những dịp giáp Tết như thời điểm này, hàng bán rất chạy. Khách hàng của chị có nhiều thành phần, từ binh sĩ, dân văn phòng đến lái taxi, xe ôm... Người thì đi lễ ở nhà thờ gần đó rồi ghé qua, người lại tới mua vì thích ăn. Trong đó có một khách hàng đặc biệt, là một cảnh sát thuộc lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái-lan, hơn mười năm trời đều đặn sáng chủ nhật nào cũng tới mua giò lụa. Chị hỏi thì viên cảnh sát bảo vợ anh ta là người Thái nhưng “trót nghiện” hương vị món này. 
Khu chợ họp bên dòng sông Chao Phraya thơ mộng, thuộc quận Phra Nakhon, trung tâm Bangkok. Người Thái gọi là “Sam Sen Ban Viet” tức “Con đường nhà Việt”. Đây là ngôi chợ cổ hơn 100 năm tuổi, tập trung hàng trăm gia đình người Việt cổ di cư. Theo lịch sử ghi lại, năm 1834, Nhà vua Rama III của Thái-lan cấp khu đất này cho người Việt di cư sang Thái-lan, đồng thời hỗ trợ tiền xây dựng một nhà thờ bằng tre, tiền thân của Nhà thờ Thánh Francis Xavier ngày nay. Kể từ đó, làng Việt hình thành và phát triển tới bây giờ, như là một phần gắn bó của cộng đồng người Thái ở Bangkok.
Nằm đối diện chợ có một nhà hàng mang tên Việt Nam “Quán nẻm nương bà Kế”. Trước đây, bà Kế từng có hơn 40 năm bán hàng trong làng Việt cổ, mới chuyển về địa chỉ số 12/205 Đại lộ Dusit khoảng 14 năm nay. Bà Kế giờ đã 86 tuổi, nhường lại việc bán hàng cho con gái tên là Quý. Quán nườm nượp khách từ trưa tới tận tối muộn. Có lẽ ngoài khách quen, những người đi qua khó cưỡng lại được mùi thơm quyến rũ của các món ăn thuần Việt như nẻm nương (tên Thái của món nem lụi xứ Huế), bún trộn, bánh cuốn… Các món ăn của quán bà Kế đều đậm đà hương vị Việt. Chắc hương vị là lạ, không quá ngọt và cay như món Thái, đã thu hút nhiều người bản xứ tìm tới quán này. 
Cô Quý sinh tại Bangkok, kết hôn với một người Thái. Bố mẹ cô là người gốc Việt, sinh trưởng ở vùng đông bắc Thái-lan. Gia đình cô gốc Hà Nội, nhưng đã ba đời sinh sống ở Thái-lan. Vậy mà lạ, không giống nhiều gia đình gốc Việt khác, nhà cô có một quy định bất thành văn: Về nhà là phải nói tiếng Việt để giữ gìn cái gốc, cái hồn của người Việt. Có lẽ vậy mà giọng cô Quý vẫn chuẩn như người Tràng An. Cô Quý kể, cô từng có ý định trở về TP Hồ Chí Minh mở quán, nhưng đã quá quen với cuộc sống ở Thái-lan. Vả lại cô nghĩ, ở đâu cũng vậy, miễn là mình luôn giữ gìn lối sống Việt, tâm hồn Việt, cốt cách Việt và luôn có những hành động thiết thực hướng về quê hương, đất nước thì quê hương Việt Nam vẫn luôn gần gũi.
Những con người gốc Việt chúng tôi gặp ở chợ “Con đường nhà Việt” thật sự là những mảnh ghép đa dạng trong bức tranh sinh động của cộng đồng người Việt ở Thái-lan. Họ đã và đang góp phần giữ gìn, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống bằng nhiều cách. Đôi khi đơn giản là thông qua những món ăn đậm hương vị Việt.
MINH ĐỨC (TỪ BANGKOK) - nhandan.org.vn