(Chinhphu.vn) - Cuộc gặp gỡ giữa hơn 100 doanh
nghiệp lữ hành Việt Nam-Thái Lan mang lại kỳ vọng về một giai đoạn phát triển
mới cho du lịch hai nước.
Ngày 26/6, tại khách sạn Sofitel
Plaza Hanoi đã diễn ra chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du
lịch Việt Nam-Thái Lan do Chi hội Việt Nam của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức.
lịch Việt Nam-Thái Lan do Chi hội Việt Nam của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức.
Các điểm du lịch của Việt Nam có
thể học hỏi nhiều kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch của Thái Lan. Ảnh:
VGP/Nguyệt Hà
|
Du khách Việt chuộng thị trường Thái
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình đoàn Cục
Xúc tiến du lịch quốc gia Thái Lan (TAT) và các doanh nghiệp du lịch Thái Lan
sang làm việc tại Việt Nam từ 23-27/6 nhằm thúc đẩy hợp tác trao đổi khách giữa
Việt Nam và Thái Lan cũng như phối hợp thu hút khách từ nước thứ ba du lịch tới
hai nước.
Thái Lan là một trong những thị trường outbound (người
Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam đi du lịch nước ngoài) truyền thống của
Việt Nam. Sự tương đồng về văn hóa, truyền thống, ẩm thực, giá cả hợp lý, nhiều
điểm mua sắm, vui chơi giải trí hấp dẫn là những lý do khiến thị trường Thái
Lan có sức hút rất lớn với khách du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình chính trị bất ổn ở Thái Lan
thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp lữ hành như Sunvina, Hoàng Việt,
HanoiRedtours, Bông Sen Vàng… đã bị ảnh hưởng rất mạnh. Số lượng tour tuyến đi
Thái Lan của những doanh nghiệp này bị sụt giảm từ 60-90%.
Chính vì vậy, theo ông Đoàn Ngọc Tùng, Giám đốc lữ hành
Bông Sen Vàng, sự có mặt của TAT cùng các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam
chính là dấu hiệu khai thông bế tắc cho thị trường outbound quan trọng này.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt
Nam Panyarak Poolthup cho biết: Mặc dù Thái Lan vừa trải qua một số biến cố
chính trị trong thời gian gần đây, nhưng lượng khách du lịch Việt Nam sang Thái
Lan vẫn đạt con số 284.560 người trong 5 tháng đầu năm, tăng 0,41% so cùng kỳ
năm ngoái.
Đó là minh chứng khẳng định du khách Việt Nam vẫn chọn
Thái Lan là điểm đến đầu tiên.
Đại sứ Thái Lan khẳng định: “Hiện nay, mọi hoạt động trên
toàn bộ đất nước Thái Lan đã trở lại bình thường do lệnh giới nghiêm đã được
bãi bỏ. Lệnh bãi bỏ giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc được tiến hành ngay sau
lệnh bãi bỏ giới nghiêm tại các điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan, khi mà
trên toàn bộ lãnh thổ không còn các hành vi bạo lực”.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường
cho biết Tổng cục Du lịch cam kết tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ,
ngành liên quan đề ra những chính sách, chủ trương thích hợp nhằm tạo điều kiện
cho các doanh nghiệp du lịch hai nước ký kết hợp đồng, tổ chức các chương trình
đưa đón khách du lịch hai nước, nối tour tới nước thứ ba dễ dàng, thuận lợi hơn
nữa; cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp các dịch vụ sản phẩm du lịch có
chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch Thái Lan.
Kỳ vọng đón khách Thái
Trước khi diễn ra buổi gặp mặt doanh nghiệp du lịch Việt
Nam-Thái Lan, đoàn đại biểu TAT và doanh nghiệp lữ hành Thái Lan đã khảo sát
một số điểm du lịch trên cả nước để tìm cơ hội hợp tác du lịch giữa hai nước. Ở
phía Bắc, đoàn đến thăm TP Vinh, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, phía Nam khảo
sát một số điểm du lịch tại TPHCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam,
ông Huỳnh Đăng Khoa cho hay, các doanh nghiệp lữ hành Thái Lan cũng đánh giá
rất cao các tiềm năng du lịch của Việt Nam. Phía bạn đặc biệt yêu thích khu vực
Tây Bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ngoài ra Đà Nẵng, Hội
An và Huế cũng là những điểm đến mà du khách Thái Lan quan tâm, yêu thích.
“Lịch trình khảo sát lần này của TAT và các doanh nghiệp
lữ hành Thái Lan đi theo lộ trình đường bộ từ Vientiane-Savanakhet-Cửa khẩu Cầu
Treo-Lao Bảo-Vinh. Nếu kết nối được các điểm đến của Việt Nam và Thái Lan thông
qua lộ trình này, 2 nước có thể kết hợp xây dựng tour du lịch xuyên quốc gia, 2
quốc gia 1 điểm đến”, ông Khoa cho hay.
Có thể nói, sự có mặt của đoàn
đại biểu TAT tại Việt Nam trong tháng 6 này chính là sự khởi đầu cho một bước
tiến mới trong thúc đẩy du lịch 2 chiều Việt Nam-Thái Lan. Bởi lẽ du lịch Việt
Nam còn có thể kết nối với các điểm đến từ Lào, Campuchia trên lộ trình tới
Thái Lan và ngược lại. Doanh nghiệp lữ hành Thái Lan hoàn toàn có thể đưa khách
quốc tế từ Thái Lan đến với các quốc gia khác trong khu vực Đông Dương.
Kết nối được du lịch Việt Nam với
Thái Lan, là kết nối với cả du lịch Đông Nam Á. Đó là một cơ hội mà chúng ta
cần chớp lấy, khi đòi hỏi sự đa dạng hóa thị trường ngày càng cấp bách.
Nguyệt Hà - baodientu.chinhphu.vn