Ảnh: Bà Yingluck ra tòa
Trưa 7.5, Tòa án Hiến pháp Thái tuyên bà Yingluck
Shinawatra có tội vi hiến, không thể tiếp tục là Thủ tướng lâm thời của Thái
Lan. Quyết định này chắc chắn sẽ làm tăng căng thẳng giữa hai phe chống và ủng
hộ bà.
Tòa án Hiến pháp tuyên bà Yingluck lạm dụng quyền lực,
khi quyết định thuyên chuyển lãnh đạo Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) hồi tháng
9.2011, để một người thân của gia đình bà nhận chức này. Bà Yingluck cũng
bị cấm hoạt động chính trị năm năm.
Bà Yingluck bị cáo buộc lạm quyền trong việc bà thuyên
chuyển Tổng thư ký NSC Thawil Pliensri hồi tháng 9. 2011 sang làm “cố vấn” của
Thủ tướng, sau khi đảng Puea Thai của bà thắng trong kỳ bầu cử quốc hội.
Chức vụ của ông Thawin được giao cho cảnh sát
trưởng quốc gia Wichian Potephosree. Vị trí cảnh sát trưởng quốc gia giao cho
tướng cảnh sát Priewpan Damapong, em trai của bà Khunying Potjaman na
Pombejra, người vợ cũ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (anh ruột bà
Yingluck).
Đây là điều mà phe đối lập chỉ trích là để tạo lợi thế
cho Đảng Phuea Thai cầm quyền. 27 thượng nghị sĩ do thượng nghị sĩ Paiboon
Nititawan dẫn đầu cáo buộc các quyết định thuyên chuyển công chức này là
vi hiến và kiện bà Yingluck.
Ngày 7.3.2014, Tòa hành chính tối cao đã ra phán quyết.
rằng quyết định của bà Yingluck là sai trái, buộc bà hủy quyết định và phục
chức cho ông Thawin. Ông đã trở lại điều hành Hội đồng an ninh quốc gia từ
tháng 4. Đây là “chiến thắng giai đoạn 1” của phe đối lập.
Tại tòa ngày 6.5, bà Yingluck tự bào chữa rất bình tĩnh,
phủ nhận tất cả các cáo buộc đối với bà, khẳng định bà không lạm quyền khi
thuyên chuyển ông Thawil, vì bà được phép thuyên chuyển công chức.
Bà cũng lưu ý, rằng nội các không liên quan cuộc
thuyển chuyển này, và bà cùng đảng Puea Thai không đạt lợi ích lợi nào từ
việc chọn tướng cảnh sát Priewpan làm cảnh sát trưởng quốc gia.
Bà nói việc chọn ông tướng này không vì dòng họ
Shinawatra, vì anh bà đã ly dị vợ khi bà thực hiện cuộc thuyên chuyển.
Ông Thawil nói việc thay ông làm tổng thư ký NSC chẳng có
ích gì cho việc phục vụ nhân dân, vì tướng Wichean bị ép từ chức để mở đường
cho tướng Priewban.
Nhưng tướng Wichean bác lời chứng này, nói ông tình
nguyện từ chức cảnh sát trưởng, và việc chuyển ông làm lãnh đạo NSC là hợp
pháp.
Phán quyết này có thể đẩy Thái Lan sâu hơn vào cuộc khủng
hoảng chính trị.
Giới quan sát nhận định phán quyết của tòa có thể sẽ tác
động mạnh tới cuộc khủng hoảng chính trị. Phe “áo đỏ” ủng hộ bà thề sẽ
đáp trả nếu bà bị bãi nhiệm và đã chuẩn bị cuộc biểu tình lớn ở thủ đô
vào ngày 10.5.
Họ thề sẽ bảo vệ bà Yingluck khỏi bị lật đổ, và bất kỳ
quyết định bãi nhiệm nào cũng làm tăng nỗi sợ hãi sẽ có bạo lực đẫm máu giữa
phe “áo đỏ” với phe “áo vàng” chống bà Yingluck. Phe này đã tổ chức các cuộc
biểu tình đường phố suốt 6 tháng qua ở thủ đô Bangkok nhằm lật đổ bà Yingluck,
khiến ít nhất 25 người chết.
AFP dẫn lời thủ lĩnh đảng Phuea Thai, ông Jarupong
Ruangsuwan: “Tùy thuộc vào các quan tòa. Tất cả những gì tôi có thể nói là nếu
tòa kết tội thủ tướng và nội các, hỗn loạn sẽ xảy ra”. Phó Thủ tướng Phongthep
Thepkajana là cố vấn pháp lý của đảng này, nói: “Tôi rất bất ngờ khi các quan
tòa chỉ dành ra một ngày để xử vụ việc”.
Trần Trí (theo AFP) - motthegioi.vn