(VnMedia) - Cựu
Thủ tướng nổi tiếng của Thái Lan – ông Thaksin Shinawatra sẵn sàng “hy sinh gia
đình” bằng cách chấm dứt các vai trò chính trị để đất nước có thể thoát ra khỏi
những cuộc
biểu tình bạo lực chống chính phủ và tình trạng bế tắc chính trị
hiện nay. Thông tin gây ngỡ ngàng này được tiết lộ bởi chính một cố vấn thân
cận của ông Thaksin.
Cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là nhân vật chính khách được ủng hộ mạnh mẽ ở đất
nước Thái Lan
Lời đề nghị trên của cựu Thủ tướng Thaksin bao gồm cả
việc em gái của ông – nữ Thủ tướng Yingluck Yingluck Shinawatra, sẽ từ bỏ chính
trường giống như ông.
Tuy nhiên, ông Thaksin nhấn mạnh, để điều đó xảy ra, các
kẻ thù chính trị của ông phải tuân thủ nghiêm túc các quy định và luật pháp của
đất nước Thái Lan, chấm dứt ngay những hành động nhằm ngăn chặn việc tổ
chức một cuộc bầu cử mới, ông Noppadon Pattama – một cố vấn luật pháp và cũng
là phát ngôn viên của cựu Thủ tướng Thaksin, cho biết.
''Ông ấy (Thaksin) không phải là nguyên nhân gốc rễ của
vấn đề ở Thái Lan. Vấn đề ở đây là do một số người không tôn trọng quyết định
của nhân dân trong các cuộc bầu cử”, ông Noppadon nói.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ đã phá hỏng cuộc bầu
cử sớm diễn ra hôm 2/2 vừa rồi theo lời kêu gọi của Thủ tướng Yingluck.
Kết quả của cuộc bầu cử này đã bị tuyên bố là vô giá trị hồi tháng trước.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan vừa thông qua một kế hoạch, theo
đó một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức vào ngày 20/7 tới. Cũng như mọi cuộc bầu
cử trước đây, người ta dự đoán Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck sẽ lại
giành chiến thẳng bởi đảng này có trong tay một lực lượng ủng hộ đông đảo từ tầng
lớp nông thôn, người nghèo chiếm đa số ở đất nước Thái Lan.
Phản ứng trước lời đề nghị gây bất ngờ của cựu Thủ tướng
Thaksin, giới thủ lĩnh lực lượng biểu tình chống chính phủ đã lên tiếng bác bỏ.
''Mục tiêu của chúng tôi là đưa ông Thaksin vào tù. Chúng
tôi không quan tâm ai sẽ rời bỏ chính trường, ai không”, ông Thaworn Senneam –
một thủ lĩnh biểu tình tuyên bố.
Phát biểu trên của ông Thaworn có vẻ mâu thuẫn với những
lời tuyên bố trước đây được giới thủ lĩnh biểu tình đưa ra trong chiến dịch biểu
tình kéo dài nhiều tháng qua nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck từ chức.
Cụ thể, đã không ít lần người ta nghe thấy ông Suthep – thủ lĩnh hàng đầu của
phong trào biểu tình chống chính phủ hiện nay, tuyên bố, mục tiêu của những
người biểu tình là xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của gia đình Shinawatra trên
chính trường Thái Lan.
Về phía phe đối lập, Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập
Abhisit Vejjajiva cho rằng, gia đình Shinawatra có quyền tham gia vào chính
trường Thái Lan. Tuy nhiên, ông này cáo buộc, ông Thaksin đưa ra lời đề nghị
trên để có thể nhận được lệnh ân xá. Cựu Thủ tướng Thái đang phải sống lưu vong
ở nước ngoài để trốn tránh án tù hai năm về tội tham nhũng. Đây là án
tù được ông Thaksin miêu tả là được đưa ra dựa trên động cơ chính
trị.
Lời đề nghị của ông Thaksin được đưa ra trong bối cảnh
“giờ G” sắp điểm với em gái ông – nữ Thủ tướng Yingluck.
Đồng hồ đang điểm với Thủ tướng Yingluck
Sở dĩ nói giờ G sắp điểm với Thủ tướng Yingluck bởi Tòa
án Hiến pháp Thái Lan sắp đưa ra một quyết định có ảnh hưởng sống còn đến vận
mệnh chính trị của bà này.
Dự kiến, Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuần này sẽ đưa ra
quyết định về việc liệu có cho bà Yingluck thêm thời gian để chuẩn bị những lập
luận, bằng chứng chống lại cáo buộc bà lạm dụng quyền lực hay là sẽ thúc đẩy vụ
án này để sớm đưa ra phán quyết. Một quyết định gây bất lợi cho bà Yingluck có
thể khiến chính phủ của bà sụp đổ.
Số phận của Thủ tướng Yingluck và chính phủ của bà sẽ
quyết định tiến trình chính trị ở Thái Lan – nước đang bị phân cực sâu sắc giữa
một bên là những người ủng hộ bà Yingluck và anh trai của bà – cựu Thủ tướng
Thaksin, với bên kia là những thành phần chống đối mạnh mẽ gia đình Shinawatra.
Cuộc đối đầu giữa hai lực lượng trên được phơi bày qua
làn sóng biểu tình liên tiếp cùng với tình trạng bạo lực, rối loạn xảy ra theo
vòng xoáy không dứt. Tình hình này làm phương hại nghiêm trọng đến sự phát
triển của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Chính phủ của bà Yingluck đã phải đối mặt với nhiều tháng
trời xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ kèm theo bạo lực. Nữ Thủ tướng
xinh đẹp dường như đã trụ vững qua cơn bão cho đến khi các thách thức pháp lý
liên tiếp đổ lên đôi vai của bà trong tháng 2.
Cáo buộc mà bà Yingluck phải đối mặt trong tuần này liên
quan đến việc quyết định của bà trong việc điều chuyển Chủ tịch Hội đồng
An ninh Quốc gia Thawil Pliensri năm 2011. Phe đối lập cáo buộc Thủ tướng đã
thực hiện vụ điều chuyển trên vì lợi ích của đảng bà. Tòa án Hiến pháp Thái Lan
hôm nay (23/4) sẽ đưa ra quyết định về việc có cho bà Yingluck thêm thời gian
để chuẩn bị tài liệu, bằng chứng bào chữa cho mình hay không.
Nếu tòa án đưa ra phán quyết cho rằng bà phạm tội lạm
dùng quyền lực thì bà Yingluck sẽ phải từ chức.
Người ta đang ví thời gian này là một chương nguy hiểm trên
chính trường Thái Lan. Một số nhân vật cấp cao trong chính phủ Thái Lan cảnh
báo, nếu tòa án đưa ra phán quyết tước bỏ quyền lực của bà Yingluck thì điều đó
vượt quá phạm vi thẩm quyền của họ và đó thực sự là “một cuộc đảo chính pháp
lý”.
''Nếu tòa án ra phán quyết chống lại chính phủ như một số
người mong đợi thì chúng ta sẽ thấy, địa ngục thực sự tồn tại”, ông Chalerm
Yubamrung – Bộ trưởng Lao động Thái Lan và cũng là người đứng đầu Trung tâm Duy
trì Hòa bình và Trận tự Thái Lan, cho biết.
''Trong vòng 72 giờ đồng hồ, tình hình chao đảo sẽ bùng
nổ”, ông Chalerm cảnh báo. Phe áo đỏ đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến về thủ đô
Bangkok nếu tòa án ra phán quyết chống lại Thủ tướng Yingluck.
Vân Linh (tổng hợp) - vnmedia.vn