(SiamViet)- Đích thứ hai, cũng là đích quan trọng nhất, đại gia đình
tôi sẽ ăn Tết ở Nakhon Phanom. Ở bài kỳ 1, tôi nói sai trậc lấc về số lượng các
gia đình thành viên có mặt. Đến ngày hôm qua kịp có tới 9 trên 11 gia đình
thành viên. Vậy cũng là đông dễ sợ rồi.
Mấy gia đình đến trước cứ đi chơi, cứ mua đồ về chén, lai
rai cả ngày, cái bụng cứ thấy đoi đói là ăn. Đủ các loại đồ ăn, nhiều thứ bốc
ăn mọi người lại thấy thích hơn.
Quay trở lại kể chuyện trên đường từ Khon Kaen đến Nakhon
Phanom. Đoạn đường có cả đồng bằng và đồi núi. Lúc này đang đi, trời hầu như không
nắng, ngồi xe cảm thấy rất dễ chịu. Qua tỉnh Kalasin, các thửa ruộng lúa to nhỏ
như ở Việt Nam, thỉnh thoảng lại mênh mông bát ngát, rồi xen canh thấy có các
thửa ngô đã thu hoạch chỉ còn nửa dưới thân cây khô khốc. Ra vào địa phận tỉnh
này, phải qua khu vực cổng chào có đắp hình khủng long tương đối to. Trên dải
đất phân cách 2 chiều đường quốc lộ, thỉnh thoảng mới thấy một, hai cây phượng
vỹ, cô đơn giữa hàng cây Ratchaphruek (tiếng Thái là ราชพฤกษ์) và những cây khác mà tôi không
biết tên.
Cây phượng vỹ cô đơn.
Cách Nakhon Phanom khoảng 150km, đường không còn “con
lươn”, mà chỉ có các vạch sơn phân cách, xe chạy nhiều tuy bị giới hạn tốc độ
40km/h, nên vẫn sợ bị “đối đầu” như ở quốc lộ 1A của Việt Nam. Xe đã chạy vào
vùng rừng, nếu có thêm bờ biển chắc sẽ giống ở Việt Nam, những con đường mà tôi
đã qua.
Nhà cửa dọc đường, cũng giống các vùng khác, đa số theo
kiến trúc nhà sàn, nhưng không phải tất cả giống nhau. Cái thì gỗ hoàn toàn.
Cái thì nửa gỗ, nửa gạch hoặc bê tông. Cái thì cũng kiểu nhà sàn nhưng bê tông
100%. Nhiều nhà có vườn rất đẹp. Khu resort Phu Phan Palace cũng cực đẹp luôn.
Gần trưa trời trở nắng nóng. Nhìn bếp lò đen sì sì (tiếng
Thái viết là เตายา, gọi là “tàu giang”),
thấy phát “sốt”, mà vẫn ghé vào chén món thịt nướng (heo nướng, gà
nướng) ngay trên vỉa hè mới “kinh”.
Bếp lò than để nướng thịt.
Một bàn ăn quán thịt nướng trên vỉa hè.
13h30 đến tỉnh Sakon Nakhon, ghé một cửa hàng quần áo,
mọi người ai cũng mua thêm áo hoa sặc sỡ mặc Tết. Lúc này trời mưa nhè nhẹ,
khoảng nửa tiếng.
Gần đến địa phận tỉnh Nakhon Phanom, hai bên đường có
nhiều nhà thờ và thường là vùng đất nhiều người Việt sinh sống từ mấy đời nay.
Vào đến đầu ô thành phố Nakhon Phanom, đập vào mắt là một
cột cây số khủng, sơn trắng xanh rất dễ nhìn thấy.
Tại một cửa ô của thành phố Nakhon Phanom.
Các kiod bằng tre đang được dựng khung sẵn, chờ bán hàng mấy
ngày Tết.
Dịp Tết là đợt nghỉ dài, các gia đình thành viên, cố gắng
tập trung đông đủ để quét dọn khu mộ cha mẹ, người thân đã mất. Năm nào cũng vậy. Đây là một tập
tục tốt đẹp của bà con Việt kiều hòa đồng với phong tục tập quán của người Thái bản xứ.
Quét dọn khu mộ cha mẹ.
Ở con đường trung tâm của thành phố, gần Tòa thị chính tỉnh, người ta đang chuẩn bị khai trương hội chợ Songkran 2014 trong 3 ngày 9-11/4.
Bên ngoài khu hội chợ Tết, lúc tối 9/4, mới bắt đầu khai
trương.
Dịp Tết cũng là dịp con cái bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ. Nếu cha mẹ mất, thì các em ít tuổi hơn chúc Tết các anh chị. Việc này vẫn được thực hiện hàng năm như trước đây thực hiện với các bậc sinh thành. Đây cũng là một tập tục tốt đẹp nữa được thực hiện vào dịp Tết Songkran ở đất nước chùa vàng.
Các em chúc Tết các anh chị.
Chiều tối 12/4, mấy anh chị em rủ nhau đi chợ đêm bờ sông,
mới mở phục vụ Tết. Hàng hóa không phong phú. Nhiều nam thanh nữ tú tranh thủ
dịp này đem hàng ra bày bán.
Đầu phố bị ngăn, chỉ được đi bộ vào chợ.
Các cô gái bày hàng bán.
Không mua gì thì uống nước dừa vậy.
Đoạn trung tâm của bờ sông, có các dịch vụ giống như vào chùa
khấn vái, cầu mong mọi sự tốt lành, có quán ẩm thực, có chương trình thi người
đẹp của tỉnh.
Thắp hương cầu mong mọi sự tốt lành.
Cổng vào một khu ẩm thực.
Sau cổng chào là người xem, ban giám khảo và trên sân khấu các chân dài đang dự thi người đẹp.
Bài và ảnh: An Bường
Xem thêm:
TRỞ LẠI NAKHON PHANOM – 2012 (Kỳ 3: Lễ diễu hành và Lễ đón đèn lửa từ Cung điện Hoàng gia)
Đón xem:
Kỳ 4 Nakhon Phanom té nước, mát và sướng lắm!