16/1/14

Bangkok: “Đóng cửa liệu có bảo được nhau”?

NDĐT - Đúng như kế hoạch mà Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) Thái Lan Suthep Thaugsuban đe dọa trước đó về một “trận chiến cuối cùng”, sáng 13-1-2014, hơn 50 nghìn người phe “áo vàng” (tên gọi những người
thuộc phe đảng Dân chủ đối lập) đã bắt đầu chiến dịch "Đóng cửa Bangkok", chiếm đóng các đoạn đường giao cắt quan trọng ở thủ đô, nhằm tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội ngày 2-2 tới. Theo tuyên bố của phe đối lập, chiến dịch này sẽ kéo dài khoảng 20 ngày. Những hoạt động thường ngày của một phần thủ đô Bangkok đã bị tê liệt.
Mức độ nguy hiểm của vụ việc
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bắt đầu phải đối mặt với các cuộc biểu tình của lực lượng phe đảng Dân chủ đối lập từ sau khi Hạ viện thông qua dự luật ân xá (ngày 1-11-2013). Nhưng có lẽ do chính sách kiềm chế của chính phủ cũng như lực lượng biểu tình chưa có những hành động quá khích (như ở Ai Cập hay Lybia) nên cách nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về tình hình Thái Lan trong thời gian mới chỉ dừng lại ở mức bất ổn. Điều này cũng là hợp lý bởi ở một đất nước đã từng chứng kiến tới 18 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính kể từ năm 1932, thì những cuộc biểu tình đường phố đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với người dân Bangkok mà ngay cả với khách du lịch thập phương.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng chính trị lần này đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều, thậm chí có khả năng vượt xa vụ việc năm 2010 (năm đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và quân đội khiến 90 thiệt mạng). Điều này trước hết căn cứ vào mục tiêu mà những người biểu tình đặt ra không chỉ đơn giản là yêu cầu chính phủ của Thủ tướng tạm quyềnYingluck phải từ chức mà còn nhằm loại bỏ vĩnh viễn gia đình dòng họ Shinawatra khỏi sân khấu chính trị Thái Lan. Hơn thế, cách thức để đạt được mục tiêu này cũng hầu như loại trừ khả năng thỏa hiệp, như thủ lĩnh biểu tình Suthep không ít lần tuyên bố: “PDRC không chấp nhận bất cứ đề xuất hay thương lượng nào từ chính phủ. Chúng tôi sẽ chiến đấu dù có thắng hay thua. Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp hoặc chấp nhận đàm phán. Sẽ không thể có hai bên cùng thắng".
Khả năng “chỉ duy nhất một bên chiến thắng” càng được củng cố khi những diễn biến từ tháng 11-2013 đến nay đã đẩy chính trường Thái Lan đến tình trạng “không lối thoát”.
Thứ nhất, việc giải tán quốc hội để tiến hành bầu cử sớm vào ngày 2-2-2014 vừa tạo cớ để phe đối lập PDRC tiến hành tẩy chay bằng cách “phong tỏa Bangkok”, đồng thời lại khiến khả năng bầu cử đúng hạn trở nên khó thực hiện. Ủy ban Bầu cử Thái-lan (ECT) đã phải đưa ra đề xuất hoãn bầu cử thêm hơn ba tháng đến ngày 4-5 tới thông qua một Sắc lệnh Hoàng gia do chính phủ sẽ ban hành. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, cuộc bầu cử không thể được hoãn lại quá ngày 6-2 vì luật bầu cử của Thái Lan quy định, tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ khi Hạ viện bị giải tán. Trong trường hợp xảy ra thảm họa hay bạo động, bầu cử chỉ được hoãn ở những khu vực bị ảnh hưởng, chứ không phải trên toàn quốc. Như vậy, để thoát khỏi tình trạng lưỡng nan này, hoặc chính quyền Yingluck phải nhượng bộ lùi bầu cử (nhưng chắc gì ngày 4-5 tới đã tiến hành được), hoặc sẽ phải có biện pháp đủ mạnh nhằm đảm bảo an toàn cho bầu cử.
Thứ hai, kể cả trong trường hợp bầu cử có được tiến hành, thì kết quả bầu cử, mà theo dự đoán chắc chắn đảng Vì nước Thái cầm quyền (đảng Pheu Thái) sẽ lại giành thắng lợi, sẽ buộc chính phủ mới phải xử lý những hành động tẩy chảy của đảng Dân chủ, bởi cũng chắc chắn sẽ vẫn được đảng này tiếp tục việc.
Thứ ba, chính việc quân đội Thái Lan luôn tuyên bố sẽ không tiến hành can thiệp lại càng thúc đẩy phe đối lập tăng dần cường độ các biện pháp chống chính phủ. Họ hy vọng quân đội sẽ không thể làm ngơ trước tình trạng bất ổn. Tuy vậy, quân đội hiện cũng đang phân vân trong việc lựa chọn giải pháp, cụ thể là ủng hộ bên nào.
Chính vì thế mà hành động “đóng cửa Bangkok” có thể là giọt nước tràn ly đẩy hai bên vào sát với “trận chiến cuối cùng” hơn. Tuyên bố “có thể sẽ bắt giữ Thủ tướng Yingluck” của thủ lĩnh Suthep (hôm 14-1) là minh chứng rõ ràng cho mức độ ngày càng nguy hiểm của tình hình Thái Lan.
Những người biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục "Đóng cửa Bangkok" (ảnh: bangkokpost)
Ai sẽ chịu thiệt
Trong chiến dịch “đóng cửa Bangkok” (có thể kéo dài tới 20 ngày), mặc dù thủ lĩnh biểu tình, cựu Phó Thủ tướng, Suthep Thaugsuban từng cam kết không phong tỏa những phương tiện giao thông công cộng nhưng rõ ràng, người dân Thái Lan sẽ phải chịu những tổn thất không hề nhỏ.
Theo tính toán sơ bộ, Thái Lan sẽ chịu thiệt hại khoảng 40 tỷ Batt (tương đương 1,25 tỷ USD). Đơn cử, như theo Bộ Giao thông Thái Lan (MOT), chiến dịch “chiếm đóng” ảnh hưởng tới sinh hoạt và đi lại của gần 1,2 triệu người lao động, 440 nghìn sinh viên và 700 nghìn người dân cư trú, làm việc và học tập ở những khu vực bị phong tỏa. Cuộc phong tỏa Bangkok lần này chắc chắn sẽ gây tổn thất lớn cho ngành du lịch, bởi hiện nay Thái Lan đang vào mùa du lịch. Đến nay, đã có 45 nước và vùng lãnh thổ cảnh báo du khách thận trọng khi du lịch tại Thái Lan, tránh những nơi biểu tình. Chính vì thế, chỉ riêng trong tháng giêng, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự tính lượng du khách sẽ giảm 15% so với mức thông thường 2,5 triệu lượt. Dự tính, ngành du lịch, vốn đóng góp khoảng 7% GDP của Thái Lan, sẽ mất đi hơn nửa tỷ USD trong tháng này.
Đương nhiên, đây chỉ là những tổn thất kinh tế ban đầu. Tình trạng bạo lực kéo dài, chắc chắn là khó tránh khỏi, mới là điều đáng sợ, bởi nó sẽ khiến cho tình trạng chia rẽ xã hội tại Thái Lan ngày càng khó hàn gắn. Ngay trong ngày 13-1, hàng nghìn người ủng hộ phong trào Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD – hay còn gọi là lực lượng áo đỏ) tham gia chiến dịch “mở cửa Thái Lan” phản đối cuộc biểu tình “đóng cửa Bangkok”, và bày tỏ ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck.
Xét về mọi phương diện, người dân, trước hết là những người lao động ở thủ đô Bangkok, là những người chịu thiệt thòi nhất.
Cuộc phong tỏa Bangkok lần này cũng như những hệ lụy nguy hiểm của nó cũng sẽ khiến ASEAN rơi vào tình trạng không hề dễ chịu. Do bị ràng buộc bởi nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ”, trong hai tháng qua, dù hết sức lo lắng khả năng xáo trộn tại Thái Lan nhưng các nước thành viên của ASEAN cũng không thể đưa ra những giải pháp hữu ích nào giúp giảm căng thẳng tại đất nước Chùa Vàng. Sự bất ổn kéo dài của Thái Lan cũng như định hướng trong chính sách của chính phủ mới (dù là phe nào đại diện) sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu thành lập các Cộng đồng, tiêu biểu là Cộng đồng an ninh, chính trị ASEAN.
Tương lai nào cho chính trường Thái Lan
Chiến dịch “đóng cửa Bangkok” cho thấy, sự bất ổn tại Thái Lan sẽ còn kéo dài. Trước thái độ “kiên quyết không lùi bước” của phe đối lập PDRC, chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck hiện vẫn đang cố gắng giữ thái độ kiềm chế tối đa. Đây thực sự là một chiến thuật hợp lý, bởi vừa giúp chỉ rõ tính phi lý trong những yêu sách của PDRC, đồng thời cũng là một biện pháp “câu giờ” khiến lực lượng của PDRC “kiệt sức” trước. PDRC chắc chắn sẽ không đủ người để đóng cửa toàn bộ Bangkok trong một thời gian dài. Chính sự nhùng nhằng này cho thấy, dường như sự can thiệp của quân đội lại là phương án khả thi nhất có thể giúp lập lại trật tự tại Thái Lan. Tuy nhiên, hiện khả năng này lại rất khó xảy ra, bởi trước hết là những bài học từ sau vụ đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006. Ngoài việc bị công luận trong và ngoài nước lên án, tình hình Thái Lan sau đảo chính vẫn tiếp tục rơi vào bất ổn. Vào thời điểm hiện tại, dù thủ tướng Yingluck có tiếp tục tại vị hay phe Dân chủ thắng thế thì các cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục, sự khác biệt chỉ là lực lượng nào tham gia mà thôi. Chính vì thế, quân đội sẽ chỉ can dự khi tìm ra một gương mặt mới nào khác có đủ khả năng giúp dung hòa mâu thuẫn giữa hai phe áo vàng và áo đỏ.
Xét cho cùng, chủ trương “đóng cửa bảo nhau” của cả hai phe có lẽ là nguyên nhân chính khiến chính trường Thái Lan chao đảo trong suốt thời gian qua. Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck thì cố gắng kiềm chế và mong đối thoại, còn phe đối lập Dân chủ thì kiên quyết không thỏa hiệp. Chính vì thế mà giờ đây, phương án khả dĩ nhất có thể xảy ra là Hoàng gia can thiệp bằng việc thành lập Ủy ban cải cách độc lập như đề xuất của 25 hiệp hội nhằm tiến hành tổng tuyển cử. Một chính phủ liên hiệp sẽ giúp giảm thiểu những mâu thuẫn vốn quá nặng nề trên chính trường Thái Lan.

TS. Đỗ Sơn Hải - nhandan.org.vn