17/12/13

Quân đội quyền lực “ngả” về nữ Thủ tướng Yingluck

(VnMedia) - Quân đội quyền lực của đất nước Thái Lan đã chính thức thông báo ủng hộ hoàn toàn kế hoạch tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, bác bỏ lời kêu gọi đừng về phe
đối lập của thủ lĩnh phong trào biểu tình hiện nay. Diễn biến này cho thấy, dường như quân đội đang “ngả” về phía nữ Thủ tướng Yingluck thay vì luôn ủng hộ cho phe đối lập như trong quá khứ. 

 Ảnh minh họa
"Cuộc bầu cử chắc chắn sẽ được tổ chức theo chế độ dân chủ như dự kiến vào ngày 2/2 tới. Về phía chúng tôi, quân đội sẽ tuân thủ nghiêm túc các nhiệm vụ của mình cũng như tôn trọng và tuân theo pháp quyền”, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan – Tướng Thanasak Patimapakorn đã tuyên bố dõng dạc như vậy trước những đại biểu đến tham dự một buổi hội thảo được tổ chức ngay tại trụ sở của Lực lượng Vũ trang Thái Lan.
Quân đội bày tỏ hy vọng, cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 2/2 tới không chỉ công bằng và sạch sẽ mà còn có số người đi bỏ phiếu đạt mức tối đa, thậm chí còn cao hơn con số 75% của cuộc bầu cử trước đó.
Mặc dù thể hiện sự lo ngại về việc những người biểu tình chống chính phủ có thể ngăn cản các cử tri đi bỏ phiếu, Tướng Thanasak vẫn bày tỏ tin tưởng rằng, đa số người dân Thái Lan sẽ tập hợp về các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền thiêng liêng của họ dưới một chế độ dân chủ.
Cựu Phó Thủ tướng cũng là thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ hiện nay – ông Suthep Thaugsuban trước đó đã kiên quyết bác bỏ kế hoạch tổ chức bầu cử sớm của Thủ tướng Yingluck. Ông này luôn khăng khăng đòi nữ Thủ tướng phải từ chức để đưa một hội đồng nhân dân không phải do dân bầu lên nắm quyền. Ông Suthep thậm chí còn kêu gọi quân đội thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ bà Yingluck.
Tuy nhiên, giới tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Thái Lan đã thể hiện sự ủng hộ vững chắc cho kế hoạch tiến hành bầu cử bất chấp sự tham gia hay không tham gia của ông Suthep và những người ủng hộ ông này. Giới tướng lĩnh quân đội Thái cũng kêu gọi thành lập một “ủy ban trung ương”, bao gồm các sĩ quan và người dân độc lập để giúp Ủy ban Bầu cử giám sát tiến trình bỏ phiếu.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới rõ ràng đã giúp làm dịu nhẹ cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước Thái Lan.
Một nhà phân tích nhận định, quyết định giải tán Quốc hội, tổ chức một cuộc bầu cử sớm là một nước cờ tài tình của chính phủ Yingluck và nó đã khiến kế hoạch của ông Suthep cũng như các nhân vật đầy ảnh hưởng trong Đảng Dân chủ đối lập và những người biểu tình chống chính phủ dưới cái ô Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân bị “phá sản”.
Lý do tại sao phe đối lập kiên quyết phản đối tổ chức bầu cử là vì họ biết rõ rằng, Đảng Pheu Thai của nữ Thủ tướng Yingluck sẽ tiếp tục giành chiến thắng bởi đảng này có trong tay một lực lượng ủng hộ hùng hậu.
Giới thủ lĩnh biểu tình đã tìm cách quay sang nhờ đến sự giúp đỡ của quân đội như họ đã từng làm trong các chiến dịch trước đây. Phe đối lập muốn quân đội ủng hộ họ trong cuộc chiến nhằm “xóa sổ” chính quyền của ông Thaksin ở Thái Lan. Những người này luôn cáo buộc ông Thaksin vẫn đang điều hành đất nước từ xa, thông qua người em gái là nữ Thủ tướng Yingluck.
Tuy nhiên, việc giới tướng lĩnh hàng đầu Thái Lan từ chối đứng về phe đối lập trong cuộc khủng hoảng hiện này đã dội một gáo nước lạnh vào lực lượng này. Quân đội cho đến thời điểm này vẫn khẳng định lập trường trung lập và không can dự vào cuộc xung đột chính trị đang diễn ra.
"Chúng tôi đã học được những bài học từ cuộc đảo chính trước và chúng tôi không muốn tái diễn lại điều này. Sẽ không có thêm bất kỳ cuộc đảo chính nào được thực hiện trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại”, Tư lệnh Hải quân Thái Lan – Đô đốc Narong Pipatanasai cho biết.
Trong khi đó, yêu cầu của thủ lĩnh đối lập Suthep về việc thành lập một hội đồng nhân dân với việc chỉ định một Thủ tướng không do dân bầu lên đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của giới chuyên gia, học giả và các nhà phân tích. Đề xuất đó thực chất là một cuộc đảo chính, một sự xúc phạm đối với nền dân chủ của đất nước, ông Prachak Kongkirati - một giáo sư chính trị ở trường Đại học Thammasat, đã bình luận như vậy.
Phe đối lập rơi vào mâu thuẫn
Trong tình thế khó khăn như vậy, phe đối lập Thái Lan bắt đầu phải nghĩ đến phương án tham gia bầu cử. Được biết, Đảng Dân chủ đối lập chính của Thái Lan hôm nay (16/12) đã mở một cuộc họp để đưa ra quyết định xem liệu họ có nên tham gia vào cuộc bầu cử sắp để làm dịu các cuộc biểu tình đường phố hiện nay hay không.
Trong ngày họp đầu tiên, phe đối lập đã thể hiện sự mâu thuẫn. Ông Korn Chatikavanij, được biết đến là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Abhisit, khẳng khái cho biết, ông này không ủng hộ ban lãnh đạo Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông Korn không nói rõ ý của mình và cũng không đưa ra lời bình luận gì thêm sau đó.
Ông Korn còn có cuộc “đấu khẩu” gay gắt với thủ lĩnh biểu tình Suthep. Vị cựu Bộ trưởng Tài chính tách mình hoàn toàn khỏi các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay nhưng ông vẫn tìm cách nói giảm nhẹ về sự bất đồng của ông trong đảng trên “status” được đăng tải trên trang Facebook cá nhân.
"Tôi đồng ý với việc cần phải có các cuộc cải cách và muốn chứng kiến cuộc cải cách này diễn ra trước bầu cử. Các bạn biết rõ là tôi không đồng ý với các thủ lĩnh phong trào biểu tình ở vấn đề gì nhưng đó chỉ là vấn đề rất nhỏ và không ảnh hưởng đến mục tiêu chung của chúng tôi”, ông Korn đã viết như vậy.
Tóm lại, những diễn biến trên cho thấy, phe đối lập và biểu tình đang rơi vào tình trạng bối rối sau những nước cờ cao tay của nữ Thủ tướng Yingluck.

Vân Linh (tổng hợp) -  vnmedia.vn