Vào mỗi dịp trăng tròn của tháng 12
Phật lịch (khoảng giữa tháng 11 dương lịch), khắp Vương quốc Thái Lan bầu trời
rực sáng với hàng vạn chiếc đèn trời, trong khi các dòng sông lấp lánh thuyền
hoa đăng.
Đó là lễ hội Loi Krathong - lễ hội lớn thứ 2 trong năm (sau Tết
truyền thống Songkran) và cũng là một trong những lễ hội đẹp nhất và cổ nhất
của Vương quốc Thái Lan.
Trong tiếng Thái, Loi có nghĩa là
"trôi", còn krathong là chiếc bè nổi trên nước có hình hoa sen. Lễ
hội, bắt nguồn từ hơn 700 năm trước, là một tập tục cổ xưa để thể hiện sự tôn
kính đối với Nữ thần Nước Phra Mae Khongkha đồng thời cầu xin thần tha thứ cho
những hành động của con người trong cuộc sống hàng ngày đã làm ô nhiễm nguồn
nước của người.
Một krathong gồm có thức ăn, trầu, cau,
hoa, nhang, nến và tiền xu. Dù làm bằng chất liệu gì, các chiếc krathong đều
được trang trí các lá chuối được gấp xếp tỉ mẩn, hoa, nến và nhang. Một vài
đồng bạc lẻ thỉnh thoảng cũng được đặt vào để dâng lên các thần sông. Suốt đêm
trăng tròn, người Thái thả các krathong này xuống sông, kênh rạch hoặc ao
hồ.
Những chiếc krathong này không chỉ dùng
để tế tạ ơn mà còn đem đi tất cả những rủi ro, tội lỗi của một năm qua. Người
ta tin rằng nếu giữ cho ngọn nến trong krathong vẫn cháy cho đến khi khuất khỏi
tầm mắt thì có nghĩa là krathong đó đã mang đi những điều xấu và đem đến may
mắn cho người thành tâm.
Loi Krathong được tổ chức lớn nhất tại
4 tỉnh Sukhothai, Chiang Mai, Ayutthaya và Bangkok. Tại mỗi một thành phố Loi
Krathong lại được tổ chức với nhiều hoạt động khác nhau.
Tại Sukhothai, quê hương của Loi
Krathong, lễ hội kéo dài 3 ngày. Những chiếc đền lồng được thả dọc các dòng
sông và soi sáng những khu di tích khảo cổ đẹp nhất Thái Lan tại Sukhodai, cố
đô của vương quốc Xiêm.
Tại Chiang Mai, Loi Krathong ở đây có
nghi thức khác thường là thả đèn trời kiểu Lanna (cũng hình hoa sen) bay lên
bằng hơi nóng với niềm tin rằng khi những chiếc đèn lồng bồng bềnh trên không
sẽ mang theo những phiền não của cư dân trong cộng đồng bay mất.
Bangkok tổ chức Loi Krathong trên toàn
thành phố với đoàn diễu hành dài đánh trống, các buổi biểu diễn văn nghệ và âm
nhạc truyền thống của Thái, giải trí dân gian, bắn pháo hoa và nhiều trò khác.
Còn người dân ở Tak, một tỉnh giáp biên
giới với Myanmar, có thói quen tạo ra những chiếc “krathong sai” thả nổi trên
sông Ping tạo thành một chuỗi ánh sáng lấp lánh. Ngoài ra, lễ hội này còn được
tổ chức tại một số vùng của Lào và Myanmar (bang Shan).
Aya (Depplus.vn/MASK)