6/11/13

Chuyến công tác ở Lampang – 1 (Chào “Lampang lạnh lắm”)

Vậy là tôi được tham gia ké Nhóm chuyên gia dự án liên quan ngành đồ gốm vào một ngày đẹp trời của hạ tuần tháng 10 vừa qua. Đây là một dự án con thuộc dự án lớn của Chính phủ Thái Lan về Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa toàn quốc.
Phần nội dung công việc mà nhóm chúng tôi thực hiện là tổ chức khóa huấn luyện về nâng cao năng lực ngành đồ gốm cho các chủ cơ sở sản xuất đồ gốm ở Lampang. Nhóm đã thực hiện tại tỉnh Lampang 3 đợt công tác và 1 đợt tiền trạm. Đợt này là đợt kết thúc dự án.
Chúng tôi khởi hành từ sân bay Suvarnabuhmi vào lúc 8.05AM để đi Chiangmai. Giá vé 1 lượt là 495baht. Tuy hàng ngày có 1 chuyến bay thẳng từ BKK đến Lampang, lại vào giờ tương đối thuận lợi, 10.45AM, nhưng không mua được vé ngày hôm ấy, nên để có đủ thời gian làm việc, chúng tôi phải đi vòng là vì vậy. Thời gian bay Bangkok - Chiangmai là 1 giờ 10 phút, với khoảng cách 700 km, rồi đến Lampang bằng đường bộ khoảng 108 km nữa.
Rời khỏi khu vực kiểm soát an ninh đến cửa ra máy bay phải đi khá xa, như đi từ đầu này đến đầu kia của sân bay. Tại phòng chờ của hãng Bangkok Airways có bánh, đồ uống miễn phí, ghế xa lông ngồi êm ru. “Nhà bay” này có lẽ muốn tiếp năng lượng cho khách bay sau một chặng đi bộ dài như vậy. Các “nhà bay” mà chơi kiểu này ở Việt Nam có lẽ dễ “sập tiệm”.
Sân bay quốc tế Chiangmai, tuy nhỏ nhưng vẫn rộng hơn Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Chờ ít phút có xe hợp đồng đến đón đi ngay Lampang. Do “cưỡi ngựa xem hoa” chỉ trên đường cao tốc, nhiệt độ ngoài trời khoảng 34-35 độ C, nên chẳng có cảm giác mát mẻ của Sapa hay Đà Lạt của Việt Nam.
Đến TP Lampang, cả nhóm nhất trí làm ngay cuộc viếng thăm chùa Phra That Lampang Luang để xả hơi đã. Đây là một địa điểm rất đông du khách. Chùa đẹp, cổ kính, rộng rãi. Phía ngoài chùa có một đội xe ngựa lộng lẫy chuyên nghiệp làm du lịch.
Lampang lạnh lắm (tiếng Thái phiên âm: lam pàng nảo mác) là câu nói cửa miệng khi người Thái đùa kể về Lampang. Trước chuyến đi, ít nhất đã nghe 2 người Thái nói câu này trong trò chuyện với tôi.
Lampang (ลำปาง) vừa là tên gọi tỉnh, vừa là tên gọi thành phố tỉnh lỵ. Tỉnh Lampang nằm ở phía bắc Thái Lan, giáp 7 tỉnh là Chiang Rai, Phayao, Phrae, Sukhothai, Tak, Lamphun  Chiang Mai. Lampang có diện tích 12.534 km2 (đứng thứ 10 trong 77 tỉnh), dân số 762.000 người (đứng thứ 30, thống kê năm 2011). Sản phẩm địa phương gồm có: vải dệt thủ công, gỗ khắc, đất nung, gốm sứ, giấy Sa (dùng làm lọng, chao đèn, hoa trang trí và các mặt hàng lưu niệm khác), than bùn, lúa gạo, dứa (thơm), v.v… Tại Lampang có nhà máy điện lớn nhất Thái Lan. Lampang còn có gần 20 địa điểm du lịch hấp dẫn, trong đó có chùa That Lampang Luang kể bên trên, được chọn là biểu trưng của tỉnh. Còn Con gà trống lại là biểu trưng của thành phố Lampang, theo truyền thuyết là sự hiện thân của thần Indra, lo đánh thức dân chúng Lampang kịp đón Đức Phật khi đến hành đạo.
Lampang có lịch sử kỳ thú: một thời đã từng là đất của Vương quốc cổ Dvaravati, rồi bị đế chế Khmer chiếm đóng, rồi lại bị Miến Điện cai trị hàng trăm năm. Đến năm 1892, Lampang mới chính thức là một tỉnh của Thái Lan.
Có thể nhiều người chưa biết về điều này, như có người bản địa tự hào nhận xét: phụ nữ Lampang nổi tiếng là đẹp và duyên dáng nhất Thái Lan.

Một số hình ảnh minh họa

Chuẩn bị bay rời BKK

Tại sân bay Chiangmai

Nụ cười hết cỡ. Chợ đồ gốm ven đường ngoại ô TP Lampang.


Chùa Phra That Lampang Luang ở TP Lampang…


…là biểu tượng của cả tỉnh Lampang…

…và dịch vụ xe ngựa ở ngoài chùa.

Gặp một đám tang trên đường phố Lampang

Phía trước nhà ga xe lửa Lampang

Một minh chứng về “Lampang lạnh lắm”. Cô gái này đi xe máy buổi tối mà nai nịt thế nay đây, trong khi ban ngày mặc áo ngắn tay.

(còn nữa)
Bài và ảnh: An Bường
(Nguồn tham khảo: Wikipedia.org; Lãng đãng Lampang/ Trương Điện Thắng – thanhnien.com.vn)

Mời đón đọc:
Chuyến công tác ở Lampang – 2 (Đồ gốm Lampang)