15/7/13

SCG và bước chuẩn bị từ Nhân sự Việt

Chúng tôi đang tuyển lựa các ứng viên tiềm năng người Việt để phát triển lên vị trí lãnh đạo của SCG tại Việt Nam”. Đó là khẳng định của ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm CEO của SCG, với NCĐT nhân dịp tập đoàn Thái Lan này kỷ niệm 100 năm thành lập và phát triển.

Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm CEO của SCG.

Nhân sự là một trong những chiến lược cốt lõi đã góp phần mang lại thành công cho SCG suốt một thế kỷ qua. Vậy chiến lược này trong năm nay có gì nổi bật?
Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bởi vốn và nhân lực đều có thể luân chuyển tự do giữa các nước ASEAN. Không chỉ SCG mà rất nhiều công ty khác trong khu vực và trên thế giới sẽ phải đối mặt với cuộc đua thu hút nhân tài cho nhu cầu mở rộng hoạt động của mình.
SCG đã từng bước chuẩn bị cho quá trình này từ năm 2007 khi chúng tôi quyết định chọn tầm nhìn là trở thành doanh nghiệp bền vững hàng đầu ASEAN, có môi trường làm việc sáng tạo và quản trị minh bạch. Năm 2013 là bước đệm quan trọng đối với SCG, đánh dấu cột mốc 100 năm thành lập với nhiều thay đổi để củng cố chiến lược nhân sự và nguồn nhân lực.
Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho AEC, SCG đã mở rộng nguồn cung cấp ứng viên và khuyến khích họ gia nhập SCG. Chúng tôi cũng tạo hồ sơ linh động dùng làm nền tảng để phát triển kiến thức và năng lực phù hợp cho nhân viên ở mỗi nước theo nhiều khía cạnh khác nhau như quản trị và truyền thông xuyên quốc gia, kỹ năng quản lý, thích nghi, xây dựng quan hệ xã hội và giao tiếp, kinh doanh quốc tế và quản trị sự thay đổi.
Về mặt đào tạo, SCG đã thiết kế chương trình giảng dạy giúp nhân viên sẵn sàng làm việc ở nước ngoài, xây dựng lối tư duy toàn cầu, phù hợp với môi trường kinh doanh cũng như ngôn ngữ và văn hóa quốc tế. Năm qua, SCG đã đầu tư 40 triệu USD cho Chương trình quản lý cao cấp do Đại học Harvard đào tạo ngay tại Mỹ cho các vị trí lãnh đạo của SCG. Năm nay, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện chương trình Thực tập sinh quốc tế, tuyển chọn sinh viên các trường đại học ở ASEAN để các bạn có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc của SCG ngay tại Thái Lan.
Chiến lược nhân sự tại Việt Nam có gì khác biệt?
Chúng tôi áp dụng cùng một chiến lược nhân sự ở tất cả các nước bởi một trong những giá trị cốt lõi của chúng tôi là tin tưởng vào giá trị cá nhân. Nhân viên của SCG tại Việt Nam, Indonesia hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng có thể chắc chắn rằng họ luôn có cơ hội phát triển như nhau. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất là cách quản lý ở mỗi nơi phải đa dạng để phù hợp với văn hóa và nhu cầu của nhân viên ở đó.
Đánh giá của ông về chất lượng nhân sự người Việt?
Người Việt Nam rất quyết đoán, sẵn sàng học hỏi và chăm chỉ. Các bạn cũng rất tích cực đưa ra những ý tưởng mới và thúc đẩy sự đổi mới. Những tính cách thực sự phù hợp với SCG là “Cởi mở và thách thức” và “Ham học hỏi” nhằm cam kết trở thành một doanh nghiệp có tính sáng tạo cao.
Một ưu điểm khác nữa là người Việt có thái độ rất tích cực, dễ thích nghi với môi trường làm việc ở các nền văn hóa khác nhau, hoàn toàn phù hợp với tư duy quốc tế mà chúng tôi đã và đang áp dụng.
Tại SCG, chúng tôi có từng chương trình đào tạo phù hợp với mỗi nhân viên người Việt ở mỗi cấp độ. Chương trình được thiết kế nhằm bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và kiến thức kinh doanh, được chia thành những phần như phát triển năng lực cốt lõi cũng như năng lực chuyên môn và gia tăng kỹ năng cơ bản giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Chúng tôi còn tạo một sơ đồ thể hiện kỹ năng cần thiết cho từng vị trí để giúp nhân viên dễ dàng nắm bắt kiến thức chuyên môn và có được kỹ năng lãnh đạo phù hợp để phát triển và theo đuổi con đường sự nghiệp của mình.
Trong chuyến thăm Việt Nam, tôi cùng Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã dành hơn 4 giờ chỉ để thảo luận việc chuyển giao một phần trong số các vị trí chủ chốt của SCG tại Việt Nam cho người Việt. Cụ thể, chúng tôi sẽ đưa 5 nhân viên người Thái ở cấp quản lý của Công ty Giấy VinaKraft về nước trong năm nay. Những vị trí này sẽ được thay bằng nhân viên Việt Nam.
M&A có phải là chiến lược của SCG trong thời gian tới tại ASEAN?
Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp kinh doanh bền vững dẫn đầu ASEAN, SCG sẽ theo đuổi chiến lược chủ đạo là mở rộng đầu tư trong khu vực và liên tục phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. SCG sẽ tập trung vào mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Indonesia và Myanmar trong 3 lĩnh vực chính gồm xi măng - vật liệu xây dựng, hóa chất và giấy.
Mặc dù các nền kinh tế trong khu vực vẫn còn khó khăn, nhưng SCG nhận thấy triển vọng tăng trưởng trong tương lai khá tích cực, nhất là ngành giấy bao bì tại Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Cụ thể, nhà máy VinaKraft tại Bình Dương đang chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc từ công suất 220.000 lên 250.000 tấn/năm. Trong quý II/2013, SCG sở hữu nguồn tiền mặt lên tới 1,3 tỉ USD. Từ năm 2007 đến nay, chúng tôi đã thực hiện thành công hơn 50 thương vụ M&A trị giá hàng tỉ bath tại Thái Lan, ASEAN và cả Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược M&A và Việt Nam đang trong tầm ngắm của SCG.
Từng đứng đầu Ủy ban Giải quyết Khủng hoảng của SCG năm 1997, bài học lớn nhất đối với ông từ vụ này là gì?
SCG từng là doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan từ năm 1913-1996 xét về giá trị vốn hóa và doanh thu. Do đó, SCG đã theo đuổi chiến lược đa ngành để nhanh chóng bành trướng đế chế của mình với 10 nhóm sản phẩm và ngành đầu tư khác nhau. Hậu quả là năm 1997, khi khủng hoảng đang ở đỉnh điểm và đồng bath rơi tự do, SCG phải cõng khoản nợ 6 tỉ USD từ ngân hàng và thêm 6 tỉ USD nữa kẹt trong các dự án dang dở.
Tôi và Ủy ban Giải quyết Khủng hoảng đã triển khai kế hoạch tái cấu trúc toàn diện SCG bằng cách giảm nhóm sản phẩm và ngành đầu tư từ 10 xuống còn 5. Sang năm 1999, chúng tôi tiếp tục bán 60 công ty trong SCG với hình thức bán từ 50-100% để thu về nguồn tiền mặt hơn 1,2 tỉ USD nhằm trả nợ và lành mạnh hóa tình hình tài chính. Từ năm 2002, SCG đã hoàn toàn vượt qua khủng hoảng và chúng tôi kiên quyết áp dụng chính sách kinh tế vừa đủ để thực hiện việc quản trị rủi ro ở mức đạt hiệu quả cao nhất.
Bài học lớn nhất từ vụ này là phải có tầm nhìn chiến lược dựa trên môi trường kinh doanh thực tế để đánh là phải thắng và hoàn toàn không nên chạy theo con đường đầu tư đa ngành chỉ mang tính thời vụ với quá nhiều yếu tố rủi ro. Và nhân sự SCG chính là nguồn lực quý báu nhất mang đến thành công cho Tập đoàn trong suốt 100 năm phát triển bền vững. 

Điều cần biết
Trong quý I/2013, doanh thu của SCG là 3.672 triệu USD, lợi nhuận đạt 295 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu tại Việt Nam là 83 triệu USD, tăng 14% nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong các ngành hóa chất, giấy và xi măng - vật liệu xây dựng. Với thương vụ mua 85% cổ phần của Prime, tổng công suất gạch men của SCG hiện lên tới 225 triệu m2/năm (lớn nhất thế giới) với các nhà máy tại Thái Lan (48% công suất), Việt Nam (33%), Indonesia (14%) và Philippines (5%).
(Nguồn: SCG)

Vĩnh Bảo - nhipcaudautu.vn