5/1/13

Thái Lan: Hy vọng xen lẫn lo âu khi bước sang năm 2013


Đa số dư luận Thái Lan bày tỏ hy vọng tình hình chính trị Thái Lan ngày càng ổn định.
Hôm 3/1, báo chí Thái Lan đưa nhiều thông tin về những "tín hiệu tốt lành", khởi sắc hơn cả về chính trị - kinh tế đối với nước này
trong dịp đầu năm mới (2013). Đồng thời nêu rõ sự lo ngại của dư luận về diễn biến phức tạp trên chính trường cũng như khó khăn về kinh tế của Thái Lan trong năm nay.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng kêu gọi nhân dân 
và các phe phái hợp tác với Chính phủ. Ảnh: EPA
Về chính trị, Nhà Vua Thái Lan đã có thông điệp chúc mừng năm mới, kêu gọi thần dân Thái Lan đoàn kết, chung sức phấn đấu vì sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước và bản thân.
Chủ tịch Hội đồng cơ mật Prem, nhân vật có uy tín lớn trên chính trường Thái Lan đã phát biểu nhấn mạnh quan điểm "khác biệt nhưng không chia rẽ"; kêu gọi các phe phái tôn trọng sự đa dạng và hợp tác với nhau vì lợi ích chung của đất nước. Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng kêu gọi nhân dân và các phe phái hợp tác với Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu tích cực của đất nước trong năm mới. Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập Abhisit bày tỏ thái độ sẵn sàng thảo luận với Chính phủ về những vấn đề gai góc trên chính trường Thái Lan.
Một số học giả Thái Lan cho rằng tiến trình hòa giải đang giành sự ủng hộ quan trọng và có cơ hội được thúc đẩy nhanh hơn, tạo thuận lợi cho tiến trình cải cách chính trị ở Thái Lan.
Về kinh tế, đa số các chuyên gia dự báo khả quan về kinh tế Thái Lan năm 2013. Các dự báo như tăng trưởng kinh tế hơn 4,5%, lạm phát ở mức thấp khoảng 3%; xuất khẩu tăng trưởng khoảng 9%, chỉ số thị trường chứng khoán có thể vượt ngưỡng 1.500 điểm, thu hút hơn 20 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm nay cho thấy nền kinh tế Thái Lan giàu tiềm năng, phục hồi nhanh và phát triển ổn định. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách tăng tiền công tối thiểu lên 300 baht/ngày trên phạm vi toàn quốc từ đầu tháng 1/2013 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, có thể làm gia tăng số người thất nghiệp.
Dư luận cũng lo ngại, nếu không ngăn chặn được nạn tham nhũng ở các địa phương, một số chính sách dân túy của Chính phủ như chính sách thu mua thóc gạo và nông sản sẽ gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Đa số dư luận Thái Lan bày tỏ hy vọng tình hình chính trị Thái Lan ngày càng ổn định và coi đây là yếu tố quan trọng nhất hậu thuẫn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước này./.
Tống Sơn/VOV-Bangkok